Những bằng cấp “chống khủng hoảng”

Những bằng cấp “chống khủng hoảng”

Khi tình trạng thất nghiệp gia tăng thì lực lượng lao động trẻ, những người vừa tốt nghiệp ra trường, bị ảnh hưởng trước tiên vì các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng người có kinh nghiệm. Dưới nhan đề “Les diplômes anti-crise” (Những bằng cấp “chống khủng hoảng”), bài viết của tờ tuần báo kinh tế Pháp Challenges số ra cuối tháng 12-2008 cung cấp cho bạn đọc một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn ngành học, chương trình học… thích ứng với nhu cầu xã hội nước này…

Học là cách đầu tư hiệu quả nhất

Những bằng cấp “chống khủng hoảng” ảnh 1

Những người “bac+2” thường tìm được việc làm nhanh chóng

Hội nhập thị trường lao động (đi làm) là giai đoạn khó khăn và tế nhị hơn nhiều so với những gì người ta thường nghĩ. Ở Pháp, từ những năm 1990 trở lại đây, giai đoạn này đối với những người mới tốt nghiệp, kể cả những người có bằng cấp cao, có khi kéo dài tới 5 năm.

Chuyên gia nghiên cứu Timothy B. Smith nhận xét: “Thị trường lao động Pháp giống như một câu lạc bộ khép kín, có lợi cho những người trong độ tuổi từ 40 đến 60, chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước. Các chính sách bảo vệ người làm công ăn lương đã góp phần tạo nên tình trạng thất nghiệp có cơ cấu phân theo độ tuổi. Người trẻ tuổi buộc phải chấp nhận những công việc có tính chất tạm thời, lương thấp”.

Người có bằng cấp cao, dù thuận lợi hơn nhiều, cũng không tránh khỏi gặp phải tình cảnh này. Bởi vì, khi xảy ra khủng hoảng, các xí nghiệp “thích” tuyển dụng người có kinh nghiệm hơn, điều này ảnh hưởng tới độ dài thời gian tìm việc và mức lương của người lao động.

Bất luận thế nào, đầu tư cho việc học của chính bản thân vẫn là cách đầu tư tốt nhất. Dựa trên các số liệu thu thập được trong 10 năm qua, một nghiên cứu của OCDE cho thấy đi học có “lời” hơn là mua nhà đất hay đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Nhờ “có học” mà người ta được hưởng mức lương cao hơn, nguy cơ bị thất nghiệp ít hơn.

Ở Pháp cũng như ở châu Âu, trong độ tuổi dưới 25, tỷ lệ thất nghiệp của những người có bằng đại học chỉ bằng một nửa so với những người không có, dù cho số sinh viên ở Pháp đã tăng lên gấp đôi trong vòng 1/4 thế kỷ qua. Tất nhiên với điều kiện là phải “đúng người, đúng việc”!

Nếu chỉ tính toán đơn thuần về mặt kinh tế thì những chương trình đào tạo dài lâu nhất không hẳn lúc nào cũng đem lại mức lương cao nhất. Bằng chứng là những người chỉ có bằng trung cấp kỹ thuật ngành tin học hay bằng chuyên môn về bán hàng lại có thể kiếm được những công việc có lương khởi điểm 2.500 euro/tháng, sẽ còn tăng nữa. Hay những người có bằng trung cấp về quản lý xí nghiệp hay kế toán cũng rất “đắt hàng”, lương khởi điểm có thể lên đến 30.000 euro/năm…

Một chuyên gia tuyển dụng cho biết, những người “bac+2” (tốt nghiệp phổ thông + 2 năm học chuyên môn) thường là những người tìm được việc làm nhanh nhất, nhanh hơn cả những người có bằng cao học (master) về kinh tế tổng quát, nhất là người nào nói lưu loát tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ nói chung)…

Có thể thấy, khi quyết định theo học một ngành nào, không nên chỉ căn cứ vào thời gian học hay chương trình học mà cần xem xét về chuyên môn ngành học, khả năng tạo lập một lộ trình đào tạo về lâu dài. Cũng là “bac+8”, với tấm bằng tiến sĩ trong túi, có người không thực sự phát huy được tác dụng, trong khi một số người khác lại có được vị trí tốt nhờ sự bùng nổ về nhu cầu R&D (nghiên cứu và phát triển) của các doanh nghiệp…

Không tự đóng cánh cửa trường đại học

Những người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn khi bước chân vào thế giới việc làm không phải chỉ do họ chưa có nhiều kinh nghiệm mà còn vì những những hiểu biết của họ về các doanh nghiệp thiếu tính thực tế.

Theo Hiệp hội Nghề nghiệp Apec (Pháp): “Hiện thực nghề nghiệp là một cú sốc đối với những người mới tốt nghiệp”. Những người này thường có cái nhìn lý tưởng về nghề nghiệp của mình, dễ bị cuốn hút bởi những gì “lấp lánh”, mang tính “lãng mạn”, thậm chí bởi tên gọi (“mác nhãn”) của doanh nghiệp… Vì thế, đối với các doanh nghiệp, tuyển dụng một người mới tốt nghiệp, dù là với bằng cấp của một ngôi trường “danh giá”, cũng ít nhiều chứa đựng yếu tố “mạo hiểm”.

“Tấm bằng không phải là “chiếc vé vào cửa” (có quyền được tuyển dụng), nó chỉ là một “chỉ số” về năng lực chuyên môn” - ông Fabrice Lacombe, chuyên gia tuyển dụng, giải thích. Chỉ có kinh nghiệm, tức sự va chạm với thực tế mới có thể  khiến các doanh nghiệp yên tâm về phẩm chất của một ứng viên. Đó cũng là lý do giải thích sự thành công của các chương trình đào tạo “xen kẽ” giữa nhà trường và xí nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp ở những người học việc thấp hơn một nửa so với những người theo học các chương trình đào tạo “cổ điển”. Ngày càng nhiều trường đại học Pháp mở rộng việc đào tạo kiểu này, qua đó sinh viên trưởng thành hơn, cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp xúc với thực tế ngay từ khi mới bắt đầu chương trình học, thông qua các kỳ thực tập hay làm việc. Cũng nhờ thế, người trẻ tuổi có thể thay đổi những định kiến không chính xác về một số ngành nghề mà trên thực tế có khi lại là những ngành có nhiều cơ hội tốt…

Đương nhiên, được đào tạo về kinh tế, thương mại hay kỹ thuật tại các trường đại học danh tiếng vẫn là sự lựa chọn “chắc ăn” nhất. Các nhà tuyển dụng vẫn xếp lên hàng đầu những ứng viên có bằng cấp của những ngôi trường đó mặc dù số người này (ở Pháp) không ngừng tăng lên: Trong 10 năm, số kỹ sư ra trường hằng năm đã tăng từ 15.000 lên 30.000 người, số người tốt nghiệp các trường thương mại tăng mỗi năm 50% kể từ năm 2000 tới nay. Vì thế, dù chọn học các chương trình đào tạo ngắn hạn hay học nghề chuyên môn, cũng nên luôn để ngỏ cánh cửa trường đại học của mình… .

NHỊ BÌNH (theo Challenges)
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục