Cần bản án thích đáng cho những kẻ chống lại loài người

Cần bản án thích đáng cho những kẻ chống lại loài người

Ngày 17-2-2009, sau 30 năm mỏi mòn chờ đợi, người dân Campuchia đã được chứng kiến thời khắc quan trọng khi một trong những tay sai của chế độ Khmer Đỏ, Kaing Guek Eav - biệt danh Duch, 62 tuổi, kẻ đứng đầu nhà tù Tuol Sleng - đã phải ra trước vành móng ngựa để chịu sự phán xét của tòa án về những tội ác dã man mà y cùng đồng bọn trong chính quyền Pol Pot gây ra.

Kẻ giết người máu lạnh

Cần bản án thích đáng cho những kẻ chống lại loài người ảnh 1

Duch trong phiên tòa ngày 17-2.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ngày 17-2 còn mang nhiều cảm xúc trái ngược đan xen đối với người dân “xứ Chùa Tháp”. Người dân vui mừng vì cái ác đã được đem ra trừng trị nhưng họ lại quặn lòng khi phiên tòa xét xử gợi nhắc chuyện quá khứ 30 năm về trước đầy đau xót, kinh hoàng.

Theo Hãng tin BBC, khoảng 1.000 người đã tham dự phiên tòa xử công khai lần đầu tiên này. Diễn biến của phiên xử ngày 17-2 chỉ mang tính thủ tục bởi phiên xử chính dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3.

Trong phiên xử, một trong những luật sư của Duch, François Roux, đã phản đối mạnh mẽ cáo buộc “trưởng trại Tuol Sleng” phạm tội ác chống lại loài người và yêu cầu “cần có một phiên tòa công bằng bởi chúng ta đang xét xử một con người” (?!). Những lời bào chữa của các luật sư liệu có biện minh được những tội ác man rợ mà Duch thực hiện với hàng ngàn con người trong quá khứ?

Vốn là một thầy giáo, 4 năm sau khi Khmer Đỏ giành chính quyền, Duch đã trở thành Giám đốc “lò sát sinh” Tuol Sleng (S-21) ở thủ đô Phnom Penh.

S-21 được ví là “địa ngục trần gian” khi tiếp nhận đến 16.000 tù nhân nhưng chỉ còn 14 người sống sót trở về sau chiến thắng 7-1-1979. Năm 1980, khi thống kê hồ sơ số tù nhân của S-21, 6.000 tấm ảnh tù nhân, 4.000 bản thú tội, 200.000 biên bản đánh máy ghi lời khai, những mệnh lệnh, chỉ thị khác đã được tìm thấy. Trong số tài liệu này, có đầy đủ những chỉ đạo của Duch về các biện pháp thẩm vấn, phê duyệt danh sách tù nhân bị tử hình, đặc biệt còn có một bản chỉ đạo của Duch về việc thủ tiêu 17 trẻ em có cha mẹ đã bị kết tội là gián điệp.

Đây sẽ là những bằng chứng không thể chối cãi để tòa án xét xử Duch với tội danh chống lại loài người. Vann Nath, một trong những người còn sống sót trở về từ S-21 cho biết, đêm trước ngày xử Duch, ông không thể ngủ được và ông cho rằng “Duch là một tù nhân may mắn” chứ không khốn khổ như thời ông bị giam tại S-21 “chỉ có 3 muỗng cháo/ngày trong tư thế 2 chân bị còng chặt”.

Norng Chan Phal, một trong những đứa trẻ may mắn còn sống sót ngày ấy, cũng xuất hiện tại phiên tòa với mong muốn thấy “kẻ giết người máu lạnh” bị xét xử. Người đàn ông hiện đã 38 tuổi này nói: “những mệnh lệnh quen thuộc thường nghe thấy tại S-21 lúc đó là giết hết hoặc khảo cung 4 tên kia còn đâu giết sạch”. Những câu nói của Duch hiện vẫn ám ảnh Norng Chan Phal bao nhiêu năm qua, ngay cả trong những giấc ngủ của ông.

Những tên đồ tể và tội ác man rợ

Đó là “anh cả” Pol Pot - kẻ đứng đầu chính quyền Khmer Đỏ; Nuon Chea - cánh tay phải của Pol Pot, kẻ đưa ra các chính sách diệt chủng; Ieng Sary - tên thuyết khách chuyên thuyết phục các nhà ngoại giao, sinh viên và Khmer kiều sinh sống ở nước ngoài về nước để rồi giết họ không thương tiếc; Ta Mok - biệt danh Đồ Tể, cựu Tư lệnh quân Khmer Đỏ; Khieu Samphan - nhân vật số 5 của Khmer Đỏ; Ieng Thirith - kẻ đề xuất ý tưởng “cánh đồng chết”, tiến hành chiến dịch thanh trừng nội bộ đẫm máu. Pol Pot và Ta Mok đã lần lượt chết vì tuổi cao vào các năm 1998 và 2006.

Cần bản án thích đáng cho những kẻ chống lại loài người ảnh 2

Xương sọ nạn nhân của Khmer Đỏ được đặt tại Choeung Ek, một trong những cánh đồng chết tại ngoại ô Phnom Penh.

Thời khắc đen tối của Campuchia bắt đầu vào ngày 17-4-1975 khi Pol Pot lên nắm quyền để từ đó đẩy Campuchia vào họa diệt chủng. Trong vòng 4 năm từ năm 1975 đến 1979, đã có 1,7 triệu dân thường đã bị Khmer Đỏ giết hại (trong khi dân số Campuchia lúc đó chỉ vào khoảng 7,1 triệu người).

Những đối tượng nằm trong diện thủ tiêu của Khmer Đỏ là những trí thức bị ảnh hưởng bởi phương Tây, các cựu chiến binh, các công chức bởi họ là những thành phần không đi cùng con đường hướng tới một “Campuchia dân chủ” với Pol Pot. Chúng thủ tiêu các đối tượng “không ưa” vô cùng dã man.

Hàng trăm ngàn người bị xiềng xích, buộc phải đào mồ chôn chính mình. Sau đó, binh lính Khmer Đỏ đánh họ đến chết bằng những thanh sắt, những cái cuốc hay chôn sống. Tất cả chỉ là phục tùng chỉ thị về việc giết chóc của lãnh đạo Khmer Đỏ “không được làm phí đạn dược”. Đầu năm 1976, Pol Pot khởi xướng “Kế hoạch 4 năm” với ý tưởng hiện đại hóa Campuchia bằng việc xóa bỏ giai cấp, xây dựng một xã hội không trường học, không sở hữu tư nhân, không tiền tệ, không tôn giáo.

Tầng lớp trí thức và con em của họ tại thành phố bị đẩy về nông thôn để lao động, phát triển nông nghiệp để tăng sản lượng lương thực. Và thế là đất nước Campuchia đã biến thành những trại lao động cưỡng bức khổng lồ, hàng vạn gia đình trí thức phải về nông thôn để lao động. Tại các trại này, người ta buộc phải lao động đến 12 tiếng mỗi ngày với điều kiện ăn uống hết sức kham khổ. Theo thống kê, đã có khoảng 10.000 người chết do đói và bị tra tấn trong khoảng thời gian đen tối này.

Bất chấp việc thiếu lương thực trầm trọng, Khmer Đỏ đã từ chối những đề nghị viện trợ nhân đạo dẫn đến cảnh hàng triệu người dân vô tội của đất nước này đã phải chết đói. Hơn 9.000 hố chôn tập thể đã được tìm thấy nhưng người ta tin rằng con số này còn phải nhiều hơn gấp đôi. Ngày 7-1-1979, Phnom Penh hoàn toàn giải phóng với sự giúp sức của quân đội Việt Nam sau 4 năm người dân Campuchia phải sống trong địa ngục trần gian.

Năm 1997, Campuchia lần đầu tiên đề nghị sự trợ giúp của LHQ để đưa các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ ra xét xử. Năm 2003, hai bên đạt được thỏa thuận, theo đó Tòa án của LHQ xét xử Khmer Đỏ dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2011 với chi phí lên đến 56 triệu USD. Ngày 20-11-2007: Lần đầu tiên Tòa án Khmer Đỏ mở phiên điều trần với Duch. Ngày 7-2-2008: Nuon Chea (nhân vật quyền lực thứ hai, chỉ đứng sau Pol Pot) xuất hiện trước tòa sau khi hoãn điều trần 3 ngày trước đó (4-2). Ngày 23-4-2008: Phiên nghe điều trần lớn xét xử đối với cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan tại Phnom Penh.

Ngày 21-5-2008: Cựu Bộ trưởng phúc lợi xã hội Ieng Thirith (vợ của Ieng Sary) lần đầu tiên xuất hiện trong phiên điều trần và cố bác bỏ mọi việc làm sai trái của mình. Ngày 30-6-2008: Cựu Ngoại trưởng của Khmer Đỏ Ieng Sary ra trước tòa điều trần và đã bị các thẩm phán cáo buộc phạm các tội ác chống lại loài người.

ANH VĂN (Tổng hợp)


Cần bản án thích đáng cho những kẻ chống lại loài người ảnh 3

Bệnh viện Siêm Riệp, nơi bà Danise Affonco làm việc sau khi được bộ đội Việt Nam giải thoát.

Cần bản án thích đáng cho những kẻ chống lại loài người ảnh 4
Bà Danise Affonco

Tin cùng chuyên mục