“Thủy triều” thất nghiệp ở các nước phương Tây

“Thủy triều” thất nghiệp ở các nước phương Tây

Theo dự báo, tới cuối năm 2009 lượng người lao động thất nghiệp trên thế giới sẽ vào khoảng 210 đến 240 triệu. Những nước có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất thuộc Liên minh châu Âu. Văn phòng việc làm quốc tế cũng cho hay từ nay tới đó thế giới sẽ có thêm 200 triệu người lao động cực nghèo. Hệ thống bảo hiểm xã hội ở các nước hiện nay liệu có thể “đứng vững” trước “làn thủy triều người thất nghiệp”?

Hệ thống bảo hiểm ngày càng kém “hào hiệp”

Nhiều người lao động Nam Mỹ đến Nhật Bản vào cuối những năm 1980, khi nền kinh tế nước này đang phát triển mạnh mẽ, người dân Nhật ngày càng “có tuổi”, nhân công lao động giản đơn thiếu hụt nghiêm trọng.

Những người được Chính phủ Nhật cấp giấy phép lao động lúc ấy phần lớn là “hậu duệ” của người Nhật xưa di cư sang Nam Mỹ vào đầu thế kỷ trước. Từ 4.000 năm 1990, hiện nay số này lên tới 316.000 người, thường làm những công việc gọi là “3K” - kitsui (nặng nhọc), kitanai (bẩn), kiken (nguy hiểm).

Do kinh tế suy thoái, nhiều người trong số họ mất việc làm nhưng không được bảo hiểm, mất nhà và khó tìm được việc làm khác, vì phần lớn không nói tốt tiếng Nhật… 

Cơn khủng hoảng kinh tế tác động đến mỗi nước không giống nhau, nhất là khi người ta chưa biết rõ nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn hay sẽ là một cơn suy thoái kéo dài. Trong hai trường hợp, các giải pháp xã hội nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp sẽ rất khác nhau.

Trong trường hợp “ngắn hạn” thì tỷ lệ thất nghiệp hiện nay thấp hơn những con số từng được biết đến. Ở Pháp, Ủy ban châu Âu dự báo 9,8% năm 2009, so với con số trung bình là 11% từ 1993 tới 1998.

Ở Mỹ, tỷ lệ người thất nghiệp đạt mức kỷ lục 25% vào năm 1933, so với 7,3% dự báo năm nay. Năm 1994, tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha là 24,2%.

Theo giáo sư Jean-Claude Barbier thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Sorbonne (Pháp), “hệ thống bảo hiểm hiện nay phần nào có thể giải quyết được ảnh hưởng của cơn khủng hoảng nhưng không phải cho tất cả mọi tầng lớp lao động, ở mọi nước khác nhau”.

Đan Mạch là một trong những nước có hệ thống bảo hiểm xã hội tốt nhất. Người lao động thất nghiệp ở nước này có thể, trong 4 năm tiếp theo, lãnh tiền trợ cấp hằng tháng tương đương với 82% mức lương cuối cùng, không quá 2.000 euro/tháng.

“Những chính sách xã hội “hào hiệp” như ở Đan Mạch, Đức hay Pháp, sẽ là những chính sách thích hợp nhất có thể “giảm chấn” cơn khủng hoảng”, ông Barbier phân tích. Thế nhưng, những năm gần đây, chính sách bảo hiểm xã hội của các nước ngày càng siết chặt, như ở Anh dưới thời Thủ tướng Thatcher, chính sách cải cách Hartz ở Đức thời Thủ tướng Schroder hay ở Pháp, Tây Ban Nha kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1992…

Ở châu Âu, hệ thống bảo hiểm của các nước thuộc vùng Balte vốn rất yếu kém, giờ đây hầu như bị “phá sản”. Anh là nước đầu tiên, vào năm 1911, thành lập hệ thống bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, nay chỉ còn chi tiêu 0,67% GDP cho thị trường lao động, với các khoản trợ cấp thất nghiệp “trọn gói” không nhiều lắm. Xu hướng chung của các nước là giảm thời gian và giảm số tiền trợ cấp, thúc đẩy người thất nghiệp đi tìm việc làm.

Ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia

“Thủy triều” thất nghiệp ở các nước phương Tây ảnh 1

Người lao động ở Anh tìm việc làm

Liệu tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay có làm đảo ngược xu hướng nói trên? Tình trạng thất nghiệp đang tăng hiện nay đặt lên vai các nhà nước một trách nhiệm nặng nề:

Những người thất nghiệp không được bảo hiểm tốt khiến nhu cầu tiêu thụ giảm đi, làm cho tình trạng suy thoái thêm nặng, tình hình xã hội thêm nguy cơ bất ổn.

Trước làn sóng sa thải ở nước này, ngày 12-1, Thủ tướng Anh Gordon Brown quyết định chi 500 triệu bảng Anh trợ cấp những người thất nghiệp dài hạn. Ở Mỹ, chính quyền nhiều tiểu bang không còn tiền để chi cho việc bồi thường thất nghiệp, nhiều dự án cải cách đang được bàn thảo để người thất nghiệp có thể được hưởng trợ cấp từ những nguồn bảo hiểm khác như bảo hiểm sức khỏe chẳng hạn.

Kể từ mùa hè 2008 đến nay, chính phủ nhiều nước đã tăng cường những biện pháp bảo hiểm thất nghiệp tạm thời, như chế độ “thất nghiệp kỹ thuật” ở Pháp, Đức, Hà Lan hay kéo dài thời gian trợ cấp như ở Nhật Bản, Mỹ…

Nhưng đó vẫn chỉ là những giải pháp tình thế. Cho tới nay, chưa nước nào xem xét lại hệ thống bảo hiểm của mình.

Theo phân tích của một chuyên gia, “những biện pháp trợ giúp người thất nghiệp, kích thích người tiêu dùng của Chính phủ Tây Ban Nha có thể hạn chế được những thiệt hại do cơn khủng hoảng gây ra nhưng chỉ trong thời hạn ngắn, vì hệ thống này vận hành nhờ những khoản chi lớn của nhà nước, về lâu dài sẽ không thể như vậy mãi”.

Thất nghiệp tăng làm tăng tình trạng nghèo khó. Ở Mỹ, hệ thống bảo hiểm được xây dựng từ những năm 1930 đến nay hầu như vẫn không sửa đổi, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng hạn chế, làm tỷ lệ người nghèo tăng lên (cao nhất trong số các nước phát triển).

Nếu khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục kéo dài, vấn đề về thu nhập thay thế, giúp người lao động “chống cự” qua cơn suy thoái, sẽ phải được xem xét…

Theo số liệu thống kê chính thức, cơn khủng hoảng kinh tế thế giới khiến 20 triệu người lao động, trên tổng số 130 triệu người lao động “ngoại tỉnh” ở Trung Quốc bị mất việc làm.

Chính phủ nước này đã ban hành chủ trương siết chặt điều kiện sa thải công nhân ở các doanh nghiệp. Mỗi tỉnh đều có kế hoạch phát triển việc làm, trong đó có việc đào tạo, thực tập, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ngoại tỉnh.

Bộ Thương mại Trung Quốc có chương trình phát triển mạng lưới thương nghiệp ở nông thôn. Nhờ những khoản trợ giúp của chính phủ, 250.000 siêu thị và cửa hàng sẽ được xây dựng từ nay tới 2010, tạo thêm 750.000 chỗ làm mới.

NGUYỄN VŨ (theo Le Monde)
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục