Cơn sốt vàng - hệ lụy của những chính sách ngăn chặn khủng hoảng kinh tế

Cơn sốt vàng - hệ lụy của những chính sách ngăn chặn khủng hoảng kinh tế

Giá vàng giao dịch trên thị trường New York phiên ngày 20-2 (tức ngày 21-2 giờ VN), đã đạt mốc 1.000 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3-2008, khi các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường vàng để bảo toàn tài sản. Động thái này xuất phát từ tâm lý lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng lạm phát phi mã toàn cầu dài hạn khi cùng với các gói kích thích kinh tế trước đó của Trung Quốc (586 tỷ USD), Nhật Bản (500 tỷ USD)..., gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 787 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Barak Obama vừa được thông qua, vẫn chưa lấy được niềm tin của giới đầu tư và khiến họ chọn vàng làm nơi giữ tài sản.

Cách cứu vãn kinh tế của Mỹ - sai lầm một thời của người Nhật

Cơn sốt vàng - hệ lụy của những chính sách ngăn chặn khủng hoảng kinh tế ảnh 1

Nỗi lo của các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu công cuộc chấn hưng nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng gói kích cầu khổng lồ trị giá 787 tỷ USD vừa được ký thành luật ngày 18-2.

Tính cả gói kích thích kinh tế này, đến nay Chính phủ Mỹ đã quyết định chi tổng cộng hơn 1.600 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bao gồm cả kế hoạch giảm thuế trị giá 152 tỷ USD được phê chuẩn hồi tháng 2-2008 và gói cứu trợ 700 tỷ USD “bơm” vào hệ thống ngân hàng hồi tháng 10-2008.

Mặc dù chính quyền Obama cam kết sẽ chi một lượng tiền khổng lồ để cứu các ngân hàng, nhưng một số nhà nghiên cứu về suy thoái kinh tế Nhật Bản những năm 1990 nhận định rằng một vụ sụp đổ tương tự đang chờ đợi nước Mỹ.

Cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản những năm 1990 và đầu những năm 2000 có nguồn gốc rất giống với cuộc khủng hoảng ở Mỹ hiện nay: bong bóng bất động sản xì hơi, khiến các ngân hàng phải gánh chịu những khoản nợ hàng ngàn tỷ yên vô giá trị.

Ban đầu, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đánh giá thấp tác hại của sự sụp đổ bất động sản đối với các ngân hàng. Giống như ở Mỹ, chính sách tiền tệ nới lỏng đã kích thích hoạt động đầu cơ chứng khoán và bất động sản cũng như hoạt động cho vay thiếu thận trọng của các ngân hàng.

Nhiều người Nhật nghĩ rằng lãi suất thấp và các chính sách kích thích kinh tế có thể giúp ngân hàng tự hồi phục. Tuy nhiên, cuối năm 1997, chuỗi thất bại liên tiếp trong ngành ngân hàng đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tín dụng trầm trọng.

Trong khi nhiều người Mỹ phê phán kế hoạch vừa công bố hồi giữa tháng 2 của Bộ trưởng Tài chính Timothy F. Geithner vì cho rằng kế hoạch này thiếu cụ thể, thì các chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản cho rằng kế hoạch này có phần e dè - đặc biệt là khi xét tới mức độ khủng hoảng ngành ngân hàng mà chính quyền Obama đang phải đối mặt.

Ban đầu Nhật Bản cũng thực hiện rất nhiều phương sách giống như chính quyền Bush và chính quyền Obama, bao gồm lãi suất thấp, kích thích chi tiêu công... Nhật Bản thậm chí còn dùng vốn tư nhân để mua một số tài sản xấu của ngân hàng, giống như ông Geithner đã đề xuất. Tuy nhiên, cũng giống như Nhật Bản, cho đến nay, kế hoạch của chính quyền Obama luôn né tránh những quyết định khó khăn nhất, như việc quốc hữu hóa ngân hàng và cho phép các ngân hàng sụp đổ do gánh nặng nợ xấu.

Các nhà kinh tế học cho rằng những sai lầm như vậy đã khiến cho hệ thống tài chính Nhật Bản, mãi tới cuối năm 2002 - 6 năm sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra, mới bắt đầu hồi phục trở lại.

Vàng - nơi trú ẩn an toàn của nỗi bất an

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 20-2, thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống, đẩy chỉ số Down Jones mất thêm 1,3% điểm, mức thấp nhất 11 tháng qua, do sự lo ngại chính phủ Mỹ sẽ quốc hữu hóa các ngân hàng.

Mặc dù Nhà Trắng cho biết không quốc hữu hóa, nhưng cổ phiếu của các ngân hàng hàng đầu như Citigroup vẫn giảm mạnh 22,35%, Bank of America giảm 3,56%... Điều này một lần nữa cho thấy Nhà Trắng vẫn chưa rút được kinh nghiệm từ sai lầm của người Nhật những năm 1990, đó là việc cứu trợ ngân hàng sẽ quyết định số phận của cả nền kinh tế, là nên hành động quyết liệt hơn và quốc hữu hóa các ngân hàng.

Mặc dù Tổng thống B. Obama ưu tiên kế hoạch kích thích của mình, nhưng không kế hoạch kích thích nào có thể thành công nếu ngành ngân hàng không được tái tạo. Mãi tới năm 2003, Chính phủ Nhật mới có những hành động hiệu quả để khôi phục kinh tế: kiểm toán các ngân hàng lớn và buộc ngân hàng phải công bố nợ xấu; chi 2.000 tỷ yên để quốc hữu hóa một ngân hàng lớn; và cho phép các ngân hàng yếu kém hơn phá sản.

Kinh tế suy yếu và các chính sách giải cứu kém hiệu quả dẫn đến “cơn sốt” vàng. Chúng ta đang chứng kiến cơn sốt trên các thị trường vàng thỏi. Thống kê cho thấy, chứng khoán toàn cầu đã giảm 8 phiên liên tiếp và tính từ đầu năm 2008 tới nay, giá của thị trường chứng khoán thế giới đã giảm khoảng 54%.

Cùng với đó, việc đồng USD tăng mạnh, đồng EUR bị giảm giá do các thông tin kinh tế ảm đạm của châu Âu... càng làm cho vàng tăng sức hấp dẫn để cất giữ tài sản.

Các chính phủ giảm lãi suất và bơm hàng ngàn tỷ USD vào các nền kinh tế để chống suy thoái đang khiến các nhà đầu tư đồng loạt đổ tiền vào vàng để chống lạm phát. Các quỹ đầu tư vàng thì gia tăng đầu tư cả kim loại vàng lẫn kim loại bạc lên mức kỷ lục.

Quỹ SPDR không ngừng mua thêm vàng và trong ngày 20-2, họ đã đạt kỷ lục lượng nắm giữ của quỹ này lên đến 1.028,98 tấn vàng. Quỹ iShare Trust cũng mua thêm 18,4 tấn bạc để đạt kỷ lục nắm giữ là 7.892 tấn.

Bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu xám xịt, cùng với luồng tiền đầu tư vàng của các quỹ đầu tư lớn đang là nhân tố chính ảnh hưởng đến giá vàng.

Ông John Dobra, giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Nevada, đã chỉ ra gói cứu nguy các ngân hàng Mỹ có thể dẫn đến lạm phát, nhưng lại là tiềm năng đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư vàng và ngành công nghiệp khai thác mỏ kim loại.

Các số liệu gần đây cho thấy giá của 6 công ty mỏ hàng đầu tăng ít nhất là 44% trong giai đoạn từ tháng 11-2008 đến nay. Ông John Dobra đã nói: “Nếu như bạn hỏi tại sao vàng vẫn cứ tăng trong khi những thứ khác đang sụt giảm thì câu trả lời của tôi, đó là do nỗi sợ”.

XUÂN HẠNH (Tổng hợp từ Bloomberg, CNN, Reuters)

Tin cùng chuyên mục