Bi kịch mang tên Stanford

Sau khi Bernard Madoff, ông trùm tài chính một thời của Mỹ, thú nhận toàn bộ 11 cáo buộc xung quanh vụ lừa đảo trị giá tới 50 tỷ USD bằng “kế hoạch Ponzi”, lấy tiền của nhà đầu tư trước trả cho người sau, giới tài chính Mỹ lại giật mình vì một chuyên gia tài chính nổi tiếng khác, Allen Stanford, tại Texas lại bị buộc tội lừa đảo. Nhiều nhà quan sát tại Mỹ phải cay đắng thốt lên rằng, danh sách các tỷ phú của Forbes đang biến thành danh sách những kẻ phá sản và lừa đảo.
Bi kịch mang tên Stanford

Sau khi Bernard Madoff, ông trùm tài chính một thời của Mỹ, thú nhận toàn bộ 11 cáo buộc xung quanh vụ lừa đảo trị giá tới 50 tỷ USD bằng “kế hoạch Ponzi”, lấy tiền của nhà đầu tư trước trả cho người sau, giới tài chính Mỹ lại giật mình vì một chuyên gia tài chính nổi tiếng khác, Allen Stanford, tại Texas lại bị buộc tội lừa đảo. Nhiều nhà quan sát tại Mỹ phải cay đắng thốt lên rằng, danh sách các tỷ phú của Forbes đang biến thành danh sách những kẻ phá sản và lừa đảo.

Khởi nguồn bi kịch mang tên Stanford được bắt đầu từ năm 1994, khi Allen Stanford cùng với một vài người thân và bạn bè mở một chiến dịch quảng cáo rầm rộ thu hút khách hàng đầu tư vào Stanford Financial Group (SFG). Tại Texas xuất hiện các công ty Stanford Group Company và Stanford Capital Management. Còn tại quốc đảo Antigua and Barbuda, ông ta còn đăng ký thành lập cả một ngân hàng có tên Stanford International Bank (SIB).

Nhờ lãi suất cao (11% - 16% mỗi năm) cùng với các chiến dịch quảng cáo của mình, SIB chỉ riêng trong năm 2005 đã “nhử” được 35.000 khách hàng với tổng số vốn đóng góp 3,8 tỷ USD và đến cuối năm 2007 lên đến 6,7 tỷ USD.

Bi kịch mang tên Stanford ảnh 1

Allen Stanford.

Theo một thanh tra viên của SEC (cơ quan chính phủ chuyên trách giám sát các hoạt động đầu tư và chứng khoán của Mỹ), đang chịu trách nhiệm điều tra vụ của Stanford, trong vài tuần cuối cùng trước khi đổ bể, SIB đã cố gắng thu hẹp hoạt động, đồng thời tìm cách tẩu tán tiền bạc khỏi nguồn vốn đầu tư của mình (riêng trong 2 tuần cuối cùng, SIB đã rút khỏi các tài khoản của mình hơn 178 triệu USD).

Robert Allen Stanford sinh ngày 24-3-1950 tại một thị trấn nhỏ ở Texas. Ông của Stanford từng có một công ty bảo hiểm Stanford Company được thành lập ngay từ năm 1932. Liên quan đến họ Stanford, Allen Stanford đã có lần công khai tuyên bố rằng, tên của Trường Đại học Stanford nổi tiếng tại Mỹ là để tưởng nhớ một cụ tổ của ông ta, một trong những nhà tài trợ chính cho việc thành lập ngôi trường có uy tín tầm cỡ quốc tế này. Kết quả là Ban giám hiệu trường Stanford đã phải phẫn nộ vì “phát hiện” trên, đồng thời dọa sẽ kiện Allen Stanford ra tòa.

Vào những năm kinh tế Mỹ đang phát triển bùng nổ, chuyện kinh doanh của Allen lên như diều gặp gió. Năm 2008, tài sản riêng của Allen Stanford được đánh giá khoảng 2,2 tỷ USD. Tạp chí Forbes đã vài lần đưa ông ta vào danh sách những người Mỹ giàu nhất (năm ngoái ở vị trí 205).

Còn trong danh sách những người giàu nhất thế giới, Stanford đứng thứ 605. Allen Stanford còn có quốc tịch Antigua and Barbuda và không chỉ là công dân của quốc đảo nhỏ bé này, mà ông ta còn là người duy nhất trong số các tỷ phú Mỹ được nhận tước hiệu hiệp sĩ “vì những công lao trước xã hội và sự phát triển kinh tế” của đảo quốc này. Stanford còn có ảnh hưởng và uy tín rất cao tại châu Mỹ Latinh, nơi ông ta cho triển khai cả một hệ thống công ty và ngân hàng rộng khắp.

Với những hào quang ấy, Stanford không thể ngờ được cả sự nghiệp của ông ta đổ bể chỉ vì một bài báo có nhan đề “Tin vịt” được đăng trên tạp chí kinh tế VenEconomia của Venezuela. Trong đó, tác giả của bài báo - nhà phân tích tài chính Alex Dalmadi – đã vạch trần một vài sơ đồ gian lận tài chính trong các công ty của Stanford.

Bài báo này có lẽ đã không gây được ảnh hưởng đáng kể nào, nếu như nó không được tung ra đúng vào thời điểm khủng hoảng tài chính, và nhất là sau vụ của Maddof. Do vừa bị phê phán kịch liệt, giới lãnh đạo SEC không thể làm ngơ trước những thông tin nóng ấy dù Stanford vẫn ra sức cam đoan rằng, tất cả chứng khoán của công ty đều đã trải qua thủ tục bảo hiểm tại Nghiệp đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang.

Linda Chapman Thomsen của SEC tuyên bố sau một thời gian ngắn điều tra: “Stanford cùng đám bạn bè và người thân của mình đã tổ chức một vụ lừa đảo cỡ lớn với những hứa hẹn đầy dối trá và các dữ liệu tài chính giả mạo. Chúng tôi đang hành động nhanh chóng và cương quyết để ngăn chặn hoạt động tội phạm này và cố gắng đảm bảo vốn của các nhà đầu tư”.

Kim tự tháp của Stanford sụp đổ nhanh chóng như một hiệu ứng domino. Chính phủ Panama và Venezuela quyết định nắm quyền kiểm soát Stanford Bank, trước khi mang chúng ra bán đấu giá. Hàng loạt chi nhánh của SIB tại Mexico, quần đảo Virgin, Ecuador, Colombia và Peru đã phải ngừng hoạt động vì làn sóng các nhà đầu tư đến rút tiền. Nhiều nhà đầu tư đã gửi tiền vào 30 chi nhánh khác nhau trên khắp nước Mỹ đã đổ xô tới Antigua để hy vọng rút được tiền tại đây, khiến thủ tướng của đảo quốc này phải kêu gọi mọi người bình tĩnh.

Nếu theo các phương tiện truyền thông đại chúng của phương Tây, đã có tới 140 cựu hay đương kim nghị sĩ quốc hội Mỹ đã từng nhận tiền quyên góp của Stanford. Allen Stanford giờ đây đang hy vọng nhiều mối quan hệ chính trị trong thời gian qua có thể cứu được mình. Được biết là FBI còn đang điều tra khả năng Stanford dính dáng tới hoạt động rửa tiền từ buôn bán ma túy. Vào năm ngoái, chính phủ Mexico đã bắt giữ một chiếc máy bay riêng của Stanford, trên đó có nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động của Cartel Del Golfo – một tập đoàn mafia buôn bán ma túy cỡ lớn tại quốc gia châu Mỹ này. 

THÂN NGỌC LAM

Tin cùng chuyên mục