Nhật ký tháng Tư

Bài 1: Nơi ấy tôi về
Nhật ký tháng Tư

Bài 1: Nơi ấy tôi về

Đơn vị dừng chân ở một ngôi làng nằm cạnh ngã ba sông. Làng có nhiều dừa lắm. Dừa mọc hai bên đường, quanh nhà và dọc cả bờ sông nữa. Chiến tranh liên miên, sự tranh chấp giữa ta và địch mỗi lúc diễn ra một quyết liệt, nên bà con bỏ nhà chạy hết ra đồng, dựng lán, ở tạm. Hàng ngày, người lớn thay nhau về trông nhà, cho heo, gà ăn. Có lẽ thế, dừa chín già mà không ai hái. Mình cứ đứng ngắm mãi một cây dừa lửa, thấp mà trĩu quả. Những trái dừa nhỏ xinh, bầu bĩnh đủ cho bàn tay vuốt ve. Tự nhiên trong đầu mình lóe lên một ý nghĩ tinh nghịch. Tuổi trẻ thế đấy. Năm nay đã gần 25 tuổi rồi còn gì. Thế mà đã đi qua cuộc kháng chiến đúng 5 năm. Năm năm ấy sao mà nhiều ấn tượng đến thế.

Ngày 26 tháng 4 năm 1975

Chụp tại Lộc Ninh (11-1971). Ảnh: NGUYỄN ĐỨC CHÍNH
Chụp tại Lộc Ninh (11-1971). Ảnh: NGUYỄN ĐỨC CHÍNH

Nhớ lại, cách đây gần 20 ngày, đang đánh địch lấn chiếm ở Bình Châu, trung đoàn được lệnh hành quân cấp tốc về hướng Ba Thu. Nghe cấp trên quán triệt nhiệm vụ, không rõ lắm, nhưng biết chắc đây là thời cơ lớn.

Trước hành quân, máy bay địch từ Tân Sơn Nhất kéo lên dội bom. Một quả bom nổ mạnh ngay cạnh hầm. Mình ngất đi, tỉnh lại thấy máu trào ra ở miệng, ở mũi và ở tai. Mình có cảm giác tất cả các lỗ chân lông trên người đều rớm máu. Một mảnh bom chém ngang balô, xé nát cuốn nhật ký mà mình đã cần mẫn ghi từ lúc còn hành quân dọc dãy Trường Sơn. Ngay cả chiếc đèn pin cũng bị cưa đôi như người ta lấy dao cắt ngang đòn bánh tét.

Chuyện đó không có gì lớn. Cái làm mình quan tâm hơn, đau xót hơn là sự ra đi của Ân. Ân là người Hà Nội, có dáng cao, da trắng, đôi mắt thật sáng vừa bổ sung từ A (miền Bắc) vào. Hôm đi nhận quân về, thấy cậu có dáng thư sinh, mặc quân phục vải Tô Châu thật đẹp, mình đề nghị cấp trên xếp cậu ta vào đội tuyên truyền đặc biệt. Thế mà bây giờ, Ân đã hy sinh do vướng mìn của địch. Lúc đó là 21 giờ 45 phút ngày 3-4-1975, tại Bình Châu, huyện Tuyên Nhơn, tỉnh Kiến Tường.

Mắt mình nhòe đi. Có lệnh hành quân. Thôi, vĩnh biệt Ân nhé. Mình ghi rõ ngày này để kết thúc chiến tranh, nếu còn sống trở về, sẽ kể lại giây phút cuối cùng của Ân cho gia đình cậu ấy…

Có giọng phụ nữ cuối làng. Mình nằm như dán vào công sự, súng đã lên đạn. Bí mật là yếu tố bất ngờ, gần như quyết định thắng lợi. Một lúc sau anh Lại, trưởng ban dẫn về một cô gái, đầu đội nón tai bèo, cổ quàng khăn rằn, vai mang AK, tóc dài.

Anh Lại giới thiệu đó là giao liên chỗ chị Sáu, Huyện ủy Thủ Thừa dẫn đường cho bộ đội tác chiến. Con gái Long An đẹp thật. Mình thầm nhận xét và đưa mắt nhìn cô gái. Cô gái bối rối trước ánh nhìn của mình. Tuổi trẻ có ngôn ngữ riêng. Thế đấy.

Chiều, anh Lại đi họp từ trung đoàn về, phổ biến: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Khẩu hiệu in sẵn được phát cho từng người để dán lên mũ, lên ngực áo, lên ba lô: “Khí thế như Mậu Thân, tấn công như Đồng Khởi, quyết tâm cắt đứt lộ 4, giải phóng thị xã Tân An, giải phóng Sài Gòn”. Thế là rõ rồi. Không giấu giếm gì nữa. Đấu tranh, đây là trận cuối cùng…

Ngày 30 tháng 4 năm 1975

Tin chiến thắng dồn dập báo về. Nằm ngoài trận địa, trong tiếng hú như xé trời của đạn pháo, mình cứ ôm chặt chiếc radio. Ở phía Đông, Quân đoàn 4 đã đập tan tuyến phòng thủ chiến lược Xuân Lộc, dọc quốc lộ 1 qua suối Nước Trong, về giải phóng Biên Hòa.

Ở phía Bắc và Tây Bắc, quân đoàn chủ lực số 1 hành quân thần tốc từ Bắc vào qua Phước Long, Đồng Xoài đang tiến đánh căn cứ Huỳnh Văn Lương (Lái Thiêu). Quân đoàn 2 đảm nhiệm hướng Đông Nam, từ tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ Long Bình, cầu Xa Lộ; Quân đoàn 3 sau khi giải phóng căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) dọc quốc lộ số 1 (cũ) đang tiến công vào Ngã tư Bảy Hiền.

Ở hướng Tây Nam, Binh đoàn 232, trong đó có đơn vị mình, bao gồm Công trường (sư đoàn) 9, Công trường 5, Công trường 8 cùng các trung đoàn bộ binh và binh chủng phối thuộc đang hình thành thế bao vây cùng 4 cánh quân ép sát Sài Gòn.

Mặc dù tình hình trên toàn miền, quân ngụy đang tan rã, nhưng trên từng hướng cụ thể vẫn còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp. Bộ đội ta vẫn hy sinh, đổ máu. Đơn vị mình được giao cắt lộ 4, tiến công giải phóng thị xã Tân An; lần thứ nhất không thành, đành chuyển sang thế bao vây. Bây giờ thì khí thế khác hẳn. Mặc cho pháo địch cứ chụp trên đầu, thế ta như chẻ tre. Bọn mình ào lên, chẳng đào hầm nữa, xông thẳng ra lộ 4 tiến vào thị xã.

Dọc lộ 4, hàng binh nhiều quá, súng đạn trang bị được xếp thành từng đống, còn quần áo lính ngụy thì vất ngổn ngang. Phần lớn những người lính của chế độ cũ chỉ giữ lại trên người chiếc quần (có người chỉ mặc quần cộc), còn áo có gắn quân hàm, quân hiệu và số quân thì ném lại dọc đường.

Phó Chính ủy Mão đang nói chuyện với cả ngàn hàng binh. Ông đứng trên gò đất cao. Bây giờ mình mới có dịp nhìn rõ. Chiến dịch kéo dài, thức trắng nhiều đêm nên người ông mỏng như tờ giấy, đôi mắt trũng sâu, hai gò má nhô ra... Chỉ có nụ cười vẫn thế.

Một người phụ nữ chừng trên tuổi 50 có dáng giống mẹ mình. Bà nắm chặt tay mình mừng rỡ. Như chuẩn bị từ trước, bà ấn vào tay mình gói quà: - Các con vất vả quá, cầm cái này mà bồi dưỡng cho lại sức. Nhớ đến thăm má nhé.

Mình vội cảm ơn rồi cùng đơn vị hành quân vào thị xã. Thị xã rợp cờ, hoa. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, đất nước thống nhất. Niềm khát vọng của biết bao thế hệ Việt Nam nay trở thành hiện thực. Bỗng mình nhớ đến mẹ ở quê. Mẹ ơi, con đã về đây. Con sẽ trở về đúng như lời hẹn ước. Kết thúc chiến tranh, nước nhà thống nhất, con sẽ trở về với mẹ.

Ngày 26 tháng 4 năm 1985

Mình cùng Trung đoàn trưởng Đoàn Văn Tính xuống thăm chùa Sa Môn. Ngôi chùa đã có từ bao đời nay, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của dân làng Sa Môn. Ấy thế mà trước tháng giêng năm 1979, khi bọn Pôn Pốt còn ngự trị ở đây, ngôi chùa trở nên hoang tàn, xơ xác. Những bức tượng Phật cổ kính, linh thiêng đã bị bọn Pôn Pốt đập phá hoặc lấy đi. Chúng còn biến chùa thành nơi nhậu nhẹt, trác táng và cấm cố, hành hạ dân lành. Cùng với bộ đội tình nguyện Việt Nam, Đoàn 55 do anh Tính làm chỉ huy trưởng đã về giải phóng bà con ra khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt.

Lo cứu đói, xây dựng cuộc sống mới cho dân, các anh còn dựng lại chùa. Anh Tính cho biết, tiện đường đi công tác các anh dùng xe vận tải quân sự chở hàng chục khối gỗ, hàng trăm tấm tôn về giúp dân làng Sa Môn dựng lại chùa.

Và, bây giờ chùa Sa Môn với những mái cong, cổ kính, tượng Đức Phật từ bi và quảng đại đã được phục chế. Dân làng Sa Môn và cả Khum Bơ Ao này lại kéo đến chùa làm phước. Tiếng trống Lâm Thôn dập dìu. Những cặp trai gái Campuchia trang phục dân tộc rực rỡ lại bước vào điệu lâm thôn giàu chất dân ca. Một cô gái Campuchia có đôi mắt nâu ném cái nhìn thật sắc sang mình. Cô gái đang múa mà ánh nhìn cứ xa xăm, da diết quá. Mình hỏi đoàn trưởng Tính điều ấy. Anh Tính bật mí, cô đang thầm yêu một anh chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Quân tình nguyện thì có kỷ luật sắt, còn tình yêu mãi mãi không biên giới. Tôi nghĩ thế. Thầm chia sẻ với cô.

Ngày 30 tháng 4 năm 1985

Thoắt cái từ đất bạn, mình đã trở về ngôi làng nằm cạnh ngã ba sông. Cách đây đúng 10 năm mình đã hành quân chiến đấu qua đây. Mình muốn tìm lại dấu vết căn hầm xưa cạnh cây dừa lửa có những chùm quả bầu bĩnh để đủ hai bàn tay con trai vuốt ve. Và, cô gái giao liên Thủ Thừa đã dẫn đường cho đơn vị mình vào giải phóng thị xã Tân An nữa.

Mới có 10 năm thôi mà trời đất đổi thay nhiều quá. Khó khăn còn lớn lắm. Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, chúng ta lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh mới, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền, vì nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.

Thêm một lần nữa, bà con ngôi làng cạnh ngã ba sông này, cùng nhân dân cả nước lại thắt lưng buộc bụng cho tiền tuyến. Bao trai tài, gái đảm lại phải gác ước mơ riêng ra trận.

Hôm đến thăm chùa Sa Môn, cách đây ít ngày mình có gặp một chiến sĩ tình nguyện Việt Nam ở Thủ Thừa. Cậu chiến sĩ trẻ ấy nhà ở đúng ngôi làng cạnh ngã ba sông. Biết mình sắp về nước và sẽ đến thăm lại chiến trường cũ, anh lính trẻ viết thư nhờ mình đưa cho ba mẹ. Anh còn gói cả mấy cục đường thốt nốt mà bà con phum Sa Môn cho gửi về làm quà.

Mình đi dọc bờ sông vừa như để tìm nhà anh chiến sĩ trẻ, vừa như để tìm cô gái giao liên mười năm trước. Dòng sông vẫn thế, chỉ khác thuyền ghe tấp nập và nước sông như có vẻ lớn hơn. Bất giác, trong đầu mình lóe lên một tứ thơ. Mình chọn đúng ô đất nơi đã đào hầm cách đây 10 năm để ghi lại cảm xúc. Bài thơ Nơi ấy tôi về đã ra đời như thế đấy.

Chiếc xuồng ba lá chao nghiêng/Như là cánh võng chung chiêng giữa trời/Bàn chân tôi vẫn bồi hồi/Bước lên mặt đất một thời tôi qua/Cái làng dừa giữa ngã ba/Dòng sông ấm áp ngân nga mái chèo/Sóng xô, ánh mắt trong veo/Của em, cô gái sớm chiều tôi mong/Tháng Tư cái nắng ong ong/Tán dừa che kín nỗi lòng riêng chung/Tôi đi giữa ngã ba sông/Tìm căn hầm với một bông cúc vàng/Mười năm, con nước lớn ròng/Mà sao vẫn giữ tiếng lòng cho tôi/Căn hầm xưa, đất giấu rồi/Chỉ còn ánh mắt em cười trao duyên/Bàn chân tôi bước chung chiêng/Con thuyền - cánh võng của miền đất xa/Cái miền đất ấy tôi qua/Bạn tôi ngã xuống giữa mùa nước lên/Để cho cái dáng bình yên/Của dòng sông với chung chiêng mái chèo/Tôi về bạn chẳng về theo/Nhìn sông nhớ dáng thân yêu bạn bè.

Bài 2: Sức sống Lộc Ninh

Chiếc trực thăng đưa mình ra bãi Cạn, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cách thị xã Cà Mau hơn 100km. Từ trên máy bay nhìn xuống, nhà dàn như một hạt vừng giữa chiếc bánh đa khổng lồ. Chiếc trực thăng Mi8 mang số hiệu 7850 lượn một vòng quanh dàn rồi từ từ hạ cánh trên đỉnh chòi.

Ngày 30 tháng 4 năm 1995

Phục kích (Du kích vùng ven Sài Gòn - Gia Định, 1972). Ảnh: DƯƠNG THANH PHONG

Phục kích (Du kích vùng ven Sài Gòn - Gia Định, 1972). Ảnh: DƯƠNG THANH PHONG

Để tránh sự cố kỹ thuật có thể xảy ra, các chiến sĩ lái máy bay của Đoàn C17 anh hùng không tắt máy. Như thế, mình biết cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra nhanh chóng. Mình theo Đại tướng, Bộ trưởng xuống trò chuyện với các chiến sĩ. Nằm giữa đại dương, cuộc sống của những người lính ở đây thật nhiều khó khăn, thiếu thốn và còn cả thử thách khắc nghiệt nữa.

Dàn trưởng tên là Bồng, một sĩ quan trẻ quê ở Hà Tây cho mình biết nơi đây cách bờ biển Cà Mau 61 hải lý. Dù xa đất liền, nhưng được sự quan tâm của cấp trên, đời sống anh em ngày càng được cải thiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Bồng nói, hai tháng anh em mới được đọc báo, nhưng bù lại các anh có dàn ăng- ten parapol nên tin tức cập nhật lắm.

Thực phẩm chủ yếu là đồ khô, anh em tận dụng mặt bằng trồng thêm rau tươi. Mình đã tận mắt nhìn các luống rau cải, rau dền và cả ớt nữa. Ở đất liền người ta thường nói rẻ như rau. Rau ở nhà dàn giữa đại dương mênh mông này lại khác, quý như vàng. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, Bộ trưởng nhận ra anh chiến sĩ mà ông đã gặp cách đây ít lâu ở đảo Trường Sa. Đó là Nguyễn Ngọc Nhiên, 27 tuổi, quê ở Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Cuộc gặp gỡ bất ngờ đầy thú vị. Nhiên cho biết, anh em ở đây cả năm mới về đất liền một lần nên nhớ nhà lắm. Mình biết, có nhớ nhà bao nhiêu, nhưng vì nhiệm vụ canh giữ bầu trời và thêm lục địa của Tổ quốc, các anh cũng bám trụ, đoàn kết bên nhau xây dựng mái ấm giữa đại dương bao la này.

Ngày 10 tháng 4 năm 2000

Còn hơn nửa tháng nữa mới chính thức kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, thống nhất đất nước. Nhưng ngay từ tháng ba, cuộc hành trình đến ngày kỷ niệm lớn đó đã bắt đầu. Từ Buôn Ma Thuột đến Khánh Hòa, Bình Định... khắp nơi tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày quê hương giải phóng. Lòng mình trào dâng cảm xúc. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng tư, mình cố gắng sắp xếp trở lại những nơi mà mình và đồng đội đã đi qua trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nghĩ thế, lòng mình tràn dâng cảm xúc. Chưa bao giờ mình thấy Lộc Ninh đẹp đến thế. Không hiểu sao, khi nhìn những chùm pháo hoa nổ tung lên trời bầu trời đêm đầy huyền diệu, mình cứ nghĩ đến khuôn mặt đồng đội - những người đã ngã xuống cho mảnh đất này mãi mãi tươi xanh.

Mới đây, mình xuống Long An để thăm lại ngôi làng cạnh ngã ba sông ấy. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nông thôn mới ở giai đoạn đầu. Từ nghị quyết của Đảng đến hiện thực cuộc sống là cả một quá trình, không thể nôn nóng được. Mình nghĩ rằng, nghị quyết phải đi vào cuộc sống và ngược lại cuộc sống phải đi vào nghị quyết.

Nói có vẻ lý luận, nhưng điều mình muốn nhất vẫn là ngôi làng nằm giữa ngã ba sông, cùng với những làng khác trên đất Long An này đời sống bà con nông dân được cải thiện hơn nữa. Vẫn là dòng sông ấy, hàng dừa ấy và cả những người dân đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương ấy, nhưng từ ánh mắt và gương mặt của họ, mình đã thấy có điều gì mới lạ, tự tin lắm.

Cách đây mấy ngày tại căn cứ Đồng Dù cũ, mình cùng thiếu tướng Lưu Phước Lượng, Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn Cửu Long dự đêm lửa trại của gần 3.000 sinh viên các trường đại học TP Hồ Chí Minh với các chiến sĩ trẻ Đoàn S9. Khi quê hương giải phóng (30-4-1975), phần lớn các chiến sĩ trẻ này chưa ra đời. Họ biết về cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc chủ yếu qua sách vở và các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đêm giao lưu ấy, mình đã có dịp trò chuyện với các chiến sĩ trẻ. Rất may, mình gặp một anh lính quê ở ngay ngôi làng nằm cạnh ngã ba sông. Khi biết mình đã từng có mặt ở đó trong chiến dịch Hồ Chí Minh cách đây 25 năm, anh chiến sĩ vui lắm, cứ quấn quýt bên mình, hỏi han đủ chuyện. Anh chiến sĩ trẻ tâm sự, đã nghe ba mẹ kể lại, trong kháng chiến chống Mỹ có một đơn vị bộ đội hành quân qua đây. Nhiều chú bộ đội đã ngã xuống giữa ngôi làng nằm cạnh ngã ba sông này trước ngày toàn thắng. Một tấm bia tưởng niệm các chú ấy được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong làng. Bây giờ được gặp lại người trong cuộc, anh lính trẻ hạnh phúc lắm, nhất định tới đây anh sẽ kể cho ba mẹ nghe.

Mình vui lây trước sự hồn nhiên của anh lính trẻ. Niềm tin bắt đầu từ đó. Vạn sự khởi đầu nan, mình tin với cách suy nghĩ ấy, anh lính trẻ quê ở ngôi làng nằm cạnh ngã ba sông trên đất Long An sẽ trở thành chiến sĩ tốt, một sĩ quan tương lai.

Thoáng đó đã 25 năm rồi. Mái đầu xanh của anh lính trẻ vừa từ trong rừng bước ra ngày ấy nay đã thành muối tiêu. Nhưng kỷ niệm trong lòng thì cứ ắp đầy, xanh mãi.

Ngày 27 tháng 4 năm 2002

Dân công hỏa tuyến chuyển khẩu đội pháo hạng nặng qua đoạn bùn lầy Cà Mau. Ảnh: VÕ AN KHÁNH (st)

Dân công hỏa tuyến chuyển khẩu đội pháo hạng nặng qua đoạn bùn lầy Cà Mau. Ảnh: VÕ AN KHÁNH (st)

Duyên may, sau khi dự liên hoan Chân dung trẻ miền Đông Nam bộ diễn ra tại tỉnh Bình Phước, đúng ngày kỷ niệm lần thứ 30 giải phóng Lộc Ninh, mình có mặt tại mảnh đất đầy kỷ niệm này. Bao nhiêu cảm xúc cứ dâng lên trong lòng mình. Lộc Ninh khác xưa nhiều quá. Những ngôi làng mang tên những con số với những người dân, phần lớn là phu cao su từ thời Pháp thuộc bây giờ đã thành những khu phố sầm uất, tấp nập người, xe và tràn ngập hàng hóa.

Đã có đường rải nhựa vào tận các lô cao su, nhưng đất đỏ thì vẫn thế. Người ta có cảm giác đất đỏ là gam màu đặc trưng của Lộc Ninh. Mình tha thẩn đi trong đêm pháo hoa và hội chợ ẩm thực, tự tạo cho mình cái cảm giác của anh lính trẻ cách đây đúng 30 năm, lần đầu đặt chân lên mảnh đất đầy huyền thoại này. Đúng vậy, cách đây 30 năm, mình là một chiến sĩ trẻ của Sư đoàn 5 - đơn vị được giao đảm nhiệm hướng chủ yếu tấn công vào chi khu quân sự Lộc Ninh.

Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh, mở ra một cục diện mới cho chiến trường. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cô gái làng bảy, làng ba ngày ấy trong đêm tiếp đạn bây giờ ở đâu? Trong đêm pháo hoa rực rỡ, mình cứ nhìn mãi, xem có gặp một gương mặt quen quen nào đó? Nhưng chỉ thấy một rừng cờ, hoa và sự tương phản, hài hòa như mùa xuân và mùa đông, ấy là gương mặt đầy sức sống của lớp thanh niên trẻ mang tên Chân dung miền Đông Nam bộ - sức sống mới và các cựu chiến binh, ngực đầy huân chương mà nụ cười đến rơi nước mắt, vì hạnh phúc. Các cụ hạnh phúc là phải: bởi nhiều lẽ.

Theo mình, trước hết, con đường các cụ chọn, dù còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng thế hệ con cháu đã tiếp tục chọn và khẳng định đó là con đường duy nhất đúng hiện nay để bảo vệ giá trị làm người và bảo vệ thành quả cách mạng, máu xương mà biết bao thế hệ ông cha đã đổ xuống.

Có lẽ thế, nên chuyện nghĩa tình không thể nào quên được. Nhớ lại cách đây không lâu, mình có dịp theo hai đồng chí trung tướng, chỉ huy quân đội ta trở lại chiến trường cũ. Dù đang đảm nhiệm các cương vị trọng trách của Đảng và quân đội, nhưng khi trở về chiến trường cũ, gặp lại đồng đội và nhân dân - những người một thời đã cưu mang, nuôi dưỡng mình thì các anh vẫn nhỏ bé như ngày nào. Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đứng lặng hồi lâu trước tấm ảnh má Sáu Ngẫu, người mà cách đây đúng 27 năm đã trao cho anh tấm bản đồ để đánh vào chi khu quân sự Lái Thiêu và cô du kích có dáng người như tiểu thư lên xe bọc thép dẫn đơn vị anh vào chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Má Sáu không còn nữa. Nhưng cô du kích dẫn đường năm xưa thì vẫn còn đây. Sau mấy chục năm phục vụ trong một đơn vị kinh tế của tỉnh, giờ đây về nghỉ vì lý do sức khỏe, cô du kích năm xưa vẫn thế, gia tài chỉ có trái tim đầy ắp tình yêu thương đồng đội và kỷ niệm một thời đánh giặc. Thắp nén nhang lên bàn thờ má Sáu và nhìn sang người đồng đội đã dẫn đường cho đơn vị trong chiến dịch cuối cùng của cuộc chiến tranh, Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu không sao cầm được nước mắt. Mình đã nhận ra điều ấy.

Cũng giống như suy nghĩ của Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu, Trung tướng Phan Trung Kiên (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) trở về chiến trường cũ với tâm huyết xây dựng hai khu dân cư không kém gì đô thị cho bà con đồng bào dân tộc - nơi cách đây gần 30 năm, bà con tự nguyện giao ngôi làng, nhà cửa của mình cho cách mạng để làm căn cứ của Quân ủy Miền và Bộ Chỉ huy các LLVT giải phóng miền Nam.

Có thể phương pháp triển khai nhiệm vụ giữa các ông có khác nhau. Nhưng cái tâm của hai vị tướng này đều giống nhau ở chỗ lấy nhân dân làm nền, vì nhân dân mà phục vụ. Rồi đây hai khu dân cư mới sẽ mọc lên bên cánh rừng đã từng che chở, nuôi giấu các vị tướng lĩnh lừng danh của quân đội ta. Sự xuất hiện ấy sẽ góp phần tôn vinh vẻ đẹp huyền diệu của vùng đất đã đi vào lịch sử, đầy huyền thoại này.

Trần Thế Tuyển

Tin cùng chuyên mục