Những năm tháng không thể nào quên - Bài 5: Người vẽ mô phỏng hàng rào điện tử McNamara

Những năm tháng không thể nào quên - Bài 5: Người vẽ mô phỏng hàng rào điện tử McNamara

(SGGP-12G).- Chiến tranh đã đi qua mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Trị, hàng rào điện tử  McNamara - “con mắt thần” bất khả xâm phạm chỉ còn là dấu tích hoặc một số hình ảnh, hiện vật được giữ lại trong các phòng trưng bày chứng tích chiến tranh của Mỹ. Nhưng với ông Lê Viết Trinh, nguyên Tổ trưởng Tổ tình báo B8 thuộc Công an vũ trang huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, người đầu tiên vẽ mô phỏng hàng rào điện tử  McNamara trước khi nó được dựng lên gần một năm thì câu chuyện như mới ngày hôm qua.

Hai tháng “nằm trên họng súng”

Trong căn nhà nhỏ nằm nép mình bên dòng sông Tuyến hiền hòa thuộc thôn Bạch Lộc, xã Hải Trung, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vào một buổi sáng đầu mùa hạ, ông Lê Viết Trinh nhớ về những năm tháng không thể nào quên: “Tui tham gia cách mạng từ khi 13 tuổi. Hiệp định Geneva ký kết, con sông Bến Hải trước làng trở nên nổi tiếng khắp năm châu, lúc đó tôi đã mười tám đôi mươi.

Vốn là một cán bộ cách mạng cơ sở hoạt động từ thời kháng Pháp, đến năm 1962 tui được giao nhiệm vụ làm tình báo nội tuyến thuộc Công an vũ trang huyện Vĩnh Linh. Tổ tình báo gồm 5 người do tôi làm tổ trưởng, được cài cắm vào hàng ngũ của địch để tổng hợp tin tức gửi ra cho tổ chức của ta ở bờ Bắc sông Bến Hải.

Từ năm 1966, khu vực giới tuyến có nhiều thay đổi khi một số làng bên bờ Nam sông Bến Hải được giải phóng. Mỹ - ngụy có ý định chuyển trục giới tuyến phân định ranh giới vào Khe Sanh, Cửa Việt thông qua kế hoạch biến khu vực ngoài Dốc Miếu và Cồn Tiên tới sông Bến Hải thành “vành đai trắng” rồi dồn dân. Đặc biệt, Mỹ - ngụy còn bắt tay vào việc xây dựng hàng rào điện tử  McNamara - “con mắt thần bất khả xâm phạm” - “tác phẩm” ngông cuồng của 47 nhà khoa học do Bộ trưởng Quốc phòng  McNamara đứng đầu với số vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD”.

Qua câu chuyện chúng tôi được biết, âm mưu xây dựng hàng rào điện tử  McNamara của Mỹ - ngụy đã được phát hiện từ trước nhưng đến đầu năm 1967 chúng ta mới có được bản vẽ phác thảo hoàn chỉnh về hàng rào điện tử này do ông Lê Viết Trinh vẽ.

Để mô phỏng hàng rào điện tử  McNamara (hình chữ T, lấy đường số 1 làm trục trung tâm, Khe Sanh, Cửa Việt là 2 điểm mút), ông Trinh và đồng đội đã phải chấp nhận “nằm trên họng súng” của địch hơn hai tháng trời.

Tác giả mô phỏng bản đồ điện tử McNamara đầu tiên - ông Lê Viết Trinh hạnh phúc bên người đồng chí, người bạn đời thủy chung son sắt

Tác giả mô phỏng bản đồ điện tử McNamara đầu tiên - ông Lê Viết Trinh hạnh phúc bên người đồng chí, người bạn đời thủy chung son sắt

Ông kể: “Công việc vẽ bản đồ gian nan lắm. Nắm được thông tin từ anh em trong đội tình báo B8 đã khó, vẽ lại càng khó hơn. Mỗi lần vẽ phải có người canh gác để tránh bọn địch phát hiện. Có bữa tui ngồi nghĩ nát óc mới giải  mã được những chi tiết anh em gửi vì thông tin mọi người nắm được ở từng vùng khác nhau.

Hơn 2 tháng vẽ mô phỏng bản đồ tui đã phải liên lạc với cơ sở cách mạng của ta đóng bên bờ Bắc hàng trăm lần bằng hòm thư chết hoặc vượt sông Bến Hải lúc nửa đêm lạnh giá”.

Về cơ bản, bản đồ mô phỏng đầu tiên của ông Trinh và tổ tình báo B8 không khớp từng li với những gì khi hàng rào điện tử  McNamara dựng lên nhưng xét về điều kiện của ta lúc bấy giờ, quả thật việc phát hiện này là hết sức quan trọng. Nhất là bản mô phỏng đã chỉ ra được điểm mạnh, yếu của hàng rào điện tử  McNamara, góp phần giúp quân giải phóng xé toạc “phòng thủ” có một không hai của Mỹ - ngụy vào tháng 3-1972.

Chuyện tình vượt qua ngục tù, bom đạn

Trong lúc cùng ông trở về quá khứ thì một bà lão gần 70 tuổi bước ra từ căn bếp lụp xụp của gia đình. Ông bảo: “Vợ tui đó, tên là Trần Thị Thiển, đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Trung Giang. Hồi trẻ bà ấy đẹp nhất vùng, con trai tán tỉnh nhiều vô kể. Tui với bà ấy quen rồi bén duyên trong nhà lao Quảng Trị.

Năm 1962, cả hai rời nhà lao, vừa làm đám hỏi thì bà ấy lại bị địch bắt. Năm sáu năm trời ở tù bà ấy lo lắng cho tui dữ lắm. Ai vô thăm cũng nhờ khuyên tui đi tìm người nâng khăn sửa gối, chứ bà không biết khi mô về! Mẹ tui vô, bà cũng nhắn tui nên giải quyết chuyện vợ con…”.

Tủm tỉm cười, ông nói tiếp: “Bà ấy nói rứa chứ trong tù vẫn thêu và gửi cho tui một mặt gối hình đứa con trai với hai câu thơ “Hiền Lương nước chảy lững lờ - Có cô thôn nữ duyên thôn chèo đò”.

Hiện chiếc gối đó được lưu giữ như một kỷ niệm về tình yêu son sắt trong chiến tranh bom đạn tại phòng Văn hóa huyện Gio Linh. Người đời đã từng nói “Còn da lông mọc, còn chồi  nảy cây”, ngày bà rời khỏi nhà lao về với tui cũng đến và hai gia đình tổ chức đám cưới. Nhưng xót xa thay, đám cưới mà nhà trai có được đón dâu mô!”.

Thoáng thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông bảo: “Ngay trong lễ cưới, quân của ta đã giết chết tên trưởng thôn ác ôn nên bọn địch xông vào bắt bà vì chúng nghi bà lập kế. Vợ chồng lại phải xa nhau. Bắt bà, bọn chúng chẳng khai thác được gì nên hai tháng sau ngày cưới chúng thả bà ra… Chúng tui tiếp tục hoạt động cách mạng và… 5 đứa con trai lần lượt ra đời”.

Vũ Văn Thắng - Hồng Nhung


Bài 6: Thành cổ và những bức thư thời hậu chiến

Thông tin liên quan

- Những năm tháng không thể nào quên (bài 1 đến bài 4)

Tin cùng chuyên mục