Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2009)

Từ Thẩm Púa đến Hồng Cúm

Từ Thẩm Púa đến Hồng Cúm

(SGGP-12G).- Hang Thẩm Púa ở Bản Nôm (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là nơi đầu tiên đặt Sở Chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP). Hồng Cúm là cứ điểm cuối cùng của quân Pháp tại ĐBP bị quân ta tiêu diệt trong đêm 7-5-1954, kết thúc trọn vẹn chiến thắng ĐBP của quân và dân ta. Từ cuộc họp quan trọng đầu tiên ở Thẩm Púa, bàn cụ thể tới cách đánh ĐBP của Sở Chỉ huy chiến dịch cho đến thắng lợi cuối cùng ở Hồng Cúm là đúng 113 ngày.

3 lần dời vị trí Sở Chỉ huy chiến dịch

Từ Sơn La lên, qua huyện Tuần Giáo khoảng 15km, chúng tôi rẽ trái, men theo con suối đi sâu vào vào xã Chiềng Sinh. Đi được khoảng 3km, xe không thể đi tiếp, chúng tôi hỏi những người dân bản Thái về hang Thẩm Púa. Sau khoảng 30 phút lội suối, vượt đồng, chúng tôi đã có mặt ở hang Thẩm Púa.

Hang Thẩm Púa là địa điểm đầu tiên đặt Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ tổng Quân ủy và cũng là nơi dừng chân đầu tiên của Sở Chỉ huy Chiến dịch ĐBP từ 7-12-1953 đến 17-1-1954. Tại đây, Bộ chỉ huy đã đưa ra phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, các đơn vị đã được giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu với thời điểm nổ súng là ngày 20-1-1954...

Du khách tham quan đồi A1 - chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Ảnh: TẤN BA

Du khách tham quan đồi A1 - chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Ảnh: TẤN BA

Ngày 18-1-1954, Sở Chỉ huy Chiến dịch ĐBP dời lên một cánh rừng ở bản Nà Tầu (nay thuộc huyện Điện Biên), cách hang Thẩm Púa khoảng 50km và chỉ còn cách ĐBP khoảng 40km. Tại đây, do nhiều nguyên nhân, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định là sẽ nổ súng vào đêm 26-1.

Và sau nhiều đêm trăn trở, cân nhắc các phương án tác chiến, tại Nà Tấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định và được xem là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của ông: Chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”.

Ngày 31-1-1954, Sở Chỉ huy chiến dịch chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng (cũng thuộc huyện Điện Biên). Đây là khu vực thuộc rặng núi cao phía Đông cánh đồng Mường Thanh. Ở đây, với ống nhòm có thể quan sát được toàn bộ cứ điểm ĐBP cũng như khu vực lân cận. Sở Chỉ huy chiến dịch đóng tại Mường Phăng cho tới khi kết thúc chiến dịch. Các cuộc họp có tính quyết định trong quá trình tiến công tập đoàn cứ điểm ĐBP đều diễn ra ở Mường Phăng, kể cả quyết định mở đợt tấn công đầu tiên vào ngày 13-3-1954. 

113 ngày đêm chiến đấu

Nếu tính tính từ 13-3 đến 7-5-1954, có tổng cộng 55 ngày đêm quân ta chiến đấu từ đợt tấn công đầu tiên vào Him Lam, Độc Lập cho đến khi quân Pháp đầu hàng hoàn toàn. Và nếu tính từ cuộc họp đầu tiên bàn về cách đánh ĐBP của Bộ Chỉ huy chiến dịch ở Thẩm Púa ngày 14-1-1954 đến ngày chúng ta chính thức tấn công 13-3-1954, có tổng cộng là 58 ngày. Tất cả là 113 ngày đêm. Chúng ta đã buộc tập đoàn cứ điểm ĐBP của quân Pháp đang được coi là mạnh nhất Đông Dương, “không thể đánh bại” lúc bấy giờ phải đầu hàng hoàn toàn. Một chiến thắng đã làm “chấn động địa cầu” lúc đó...

Chúng ta thường nhắc nhiều đến sự kiện 5g30 chiều ngày 7-5-1954, khi tướng Pháp De Castries bị bắt sống tại hầm trú ẩn ở cánh đồng Mường Thanh và lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta phất cao trên nóc hầm tướng giặc De Castries là kết thúc Chiến dịch ĐBP lịch sử. Nhưng đó là hình tượng cao nhất, là đỉnh cao của Chiến thắng ĐBP, còn trong thực tế, phải đến 12g đêm hôm đó, cứ điểm cuối cùng của tập đoàn cứ điểm quân Pháp ở ĐBP mới bị tiêu diệt. Đó là phân khu Hồng Cúm của quân Pháp.

Chiều 7-5-1954, khu trung tâm Mường Thanh bị thất thủ, tướng Pháp De Castries đã đầu hàng, địch tháo chạy về khu vực Hồng Cúm để tìm cách sang Lào. Quân ta đã tiến hành truy kích và bao vây chặt lại ở phân khu Hồng Cúm. Quân ta kêu gọi địch đầu hàng, nhưng chúng im lặng. Quân ta siết chặt vòng vây và dùng pháo bắn vào trận địa, công sự giặc. Chúng không thể chống cự, mà chỉ bỏ chạy để tránh pháo. Tuy nhiên phải đến 12g đêm, toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm mới chịu ra hàng, bao gồm cả viên đại tá Lalăng, chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm ĐBP, đặc trách phân khu Hồng Cúm... Đó chính là thời điểm kết thúc trọn vẹn chiến thắng ĐBP kiêu hùng của quân và dân ta sau 55 ngày đêm.

Trong những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi đã tìm đến chiến trường Hồng Cúm xưa. Khác với khu vực cánh đồng Mường Thanh, còn nhiều di tích của chiến thắng cách đây 55 năm, tại Hồng Cúm không còn gì ngoài một khuôn viên nhỏ giữa cánh đồng với 1 tấm bia ghi lại những sự kiện đã xảy ra nơi đây. Cánh đồng lúa đã ngả vàng, sắp được gặt trải rộng, xa xa là những bờ tre xanh và bản làng uốn lượn theo dòng sông Nậm Rốm là những gì đang có ở Hồng Cúm hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa. Và phủ lên chiến trường ác liệt cách đây 55 năm là sức sống mới của người và đất Hồng Cúm nói riêng, của Điện Biên nói chung hôm nay. Bất chợt, chúng tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”....

24g (ngày 7-5-1954), anh Lê Chưởng (Chính ủy Đại đoàn 304) gọi điện thoại báo cáo đã bắt được toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm, trong đó có cả Lalăng, chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng. Tôi ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Bác và Trung ương đã được tin. Ngày mai, chắc bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Geneva, sẽ có một tư thế mới để bước vào hội nghị. Các đồng chí của ta và các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc đều mong đợi tin này hàng giờ... Lá cờ tổ quốc được nhân dân ta nêu cao trên chiến trường lịch sử: Quân đội ta lớn lên nhanh quá. Kế hoạch Nava coi như đã thành mây khói. Cục diện sẽ đổi mới. Điện Biên Phủ xong rồi, nay mai sẽ tiếp tục đánh ở đâu? Niềm vui làm tôi mất gần trọn giấc ngủ đêm hôm đó...

Trích Hồi ký Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục