Cuộc chiến thầm lặng của CIA tại Pakistan- Bài 1: Chiến trường của những máy bay tinh xảo nhất

Cuộc chiến thầm lặng của CIA tại Pakistan- Bài 1: Chiến trường của những máy bay tinh xảo nhất

(SGGP-12G).- Khu vực hoang vu Waziristan - nằm ở vành đai khu vực dành cho các bộ lạc dọc đường biên Pakistan với Afghanistan - dường như vẫn là một vùng đất của thời quá khứ: Chỉ có vài con đường nhỏ, điện cực kỳ hiếm. Các cộng đồng bộ lạc người Pashtun vẫn lặng lẽ sinh sống trong điều kiện chẳng khác gì mấy so với tổ tiên của họ từ hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên, vùng đất này hiện đang là một bãi chiến trường của những chiếc máy bay hủy diệt tinh xảo nhất của Mỹ.

Những “con ong” của CIA

Chiến thuật mới này được đánh giá là trò đánh cược của Tổng thống George Bush trong vài tháng cuối của ông tại Nhà Trắng, khi CIA cho triển khai ồ ạt các hoạt động của máy bay không người lái và những vụ không kích tại Pakistan. Những vụ tấn công kiểu này còn được tăng cường hơn khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền.

Một chiếc Predator của Mỹ

Một chiếc Predator của Mỹ

Hiện giờ, những tiếng vo ve nhỏ liên tục của những chiếc máy bay không người lái đã trở thành một âm thanh quen thuộc tại Waziristan, nơi người dân các bộ lạc gọi chúng là “machay” hay ong đỏ. Những đòn tấn công chết người từ những “con ong” này lâu nay đã được biết đến tại khắp các làng xóm trong khu vực các bộ lạc (FATA) của Pakistan.

Mục tiêu chính của chiến dịch có triển khai những “con ong” này là xóa sổ các thành viên trong hàng ngũ lãnh đạo của al-Qaeda, kể cả Osama bin Laden, phá hủy những địa điểm ẩn náu tại FATA của Taliban, của những tay súng thường qua lại khu vực biên giới để tấn công các lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

Với sự kết hợp khả năng do thám bằng hình ảnh kỹ thuật cao cùng với những vũ khí trang bị mạnh mẽ, những “con ong” trên có thể cho phép các thao tác viên sử dụng bàn điều khiển chúng từ rất xa - cụ thể là tại căn cứ không quân Creech gần Las Vegas - có thể dễ dàng theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu kịp thời theo thời gian thực.

Còn một ưu điểm hết sức quan trọng của hình thức tác chiến này là sẽ tránh được nguy cơ người lính Mỹ phải đổ máu, trong khi chi phí cũng rẻ hơn nhiều so với hình thức chiến tranh thông thường.  

Được gì và mất gì?

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu hình thức tác chiến công nghệ cao này có thể giúp người Mỹ giành chiến thắng hay chí ít cũng có được một mức độ hiệu quả đáng kể?

Các quan chức có liên quan tới những chiến dịch này của CIA tuyên bố rằng, có ít nhất 9 trong tổng số 20 nhân vật cao cấp hàng đầu của al-Qaeda được xác định đã bị tiêu diệt bởi những đòn tấn công từ máy bay không người lái, chưa kể hàng chục đối tượng cấp thấp hơn.

Ngoài ra, còn có nhiều căn cứ và nhà cửa được sử dụng làm nơi ẩn náu của họ bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, nhận định của các quan chức chủ nhà tại Pakistan lại cho rằng, phần lớn các cuộc tấn công của những “con ong” đều trượt mục tiêu, tệ hại hơn còn sát hại nhiều người dân vô tội.

Nhật báo The News của Pakistan còn thống kê rằng, khoảng 60 vụ tấn công bằng máy bay không người lái kể từ đầu năm 2006 đến nay đã sát hại tổng cộng 687 công dân nước này so với con số 14 thủ lĩnh al-Qaeda bị tiêu diệt - một tỷ lệ không người Pakistan nào có thể chấp nhận được. Đó là lý do khiến chiến dịch này của CIA chỉ làm tăng thêm tâm trạng chống Mỹ tại Pakistan, đồng thời làm sụt giảm đáng kể uy tín của chính quyền Tổng thống Asif Ali Zardari.

Hơn nữa, nếu như những “con ong” trên được người Mỹ coi là một phương tiện tác chiến kỳ diệu về mặt công nghệ trong cuộc chiến tại Pakistan thì chúng chẳng gây được ấn tượng gì đối với người dân các bộ lạc tại FATA. Ngược lại, chúng chỉ khiến các tay súng thù địch tại đây nghĩ rằng, Mỹ là một “kẻ thù nhát gan” không dám đổ máu trên chiến trường.

“Các tay súng nói rằng, nếu người Mỹ muốn tới và chiến đấu, họ cần phải chiến đấu trong tư thế mặt đối mặt” - đó là phát biểu của viên tướng đã nghỉ hưu Mahmood Shah, người từng là một quan chức hàng đầu của Pakistan tại FATA.

Cũng theo ông này, thường cứ có mỗi một nạn nhân của máy bay không người lái, gia đình của họ lại có những người mới sẵn sàng trả thù, cụ thể là gia nhập vào đội ngũ các tay súng của Baitullah Mehsud, một chỉ huy người Pashtun của Taliban tại Pakistan. “Không hề quá khi nói rằng, mỗi đợt tấn công của máy bay không người lái lại đem lại cho ông ta (ý nói tới Mehsud) từ 3 đến 4 kẻ đánh bom cảm tử”.

>> Bài 2: Những thiệt hại về chính trị

LINH NGA

Tin cùng chuyên mục