Gia tăng xung đột giữa con người và tự nhiên. Bài 2: Những “tị nạn khí hậu” đầu tiên ở Maldives

Gia tăng xung đột giữa con người và tự nhiên. Bài 2: Những “tị nạn khí hậu” đầu tiên ở Maldives

(SGGP-12G).- Các hoạt động khác nhau của con người là nguyên nhân làm khí hậu trái đất ấm lên và khiến nước biển có xu hướng dâng cao. Hành động là của tập thể nhưng những hậu quả đầu tiên lại đổ lên đầu một số lượng nhỏ dân cư trên quần đảo Maldives bé nhỏ ở Ấn Độ Dương.

Nguy cơ luôn rình rập

Nhìn từ xa trên cao, đảo Malé giống như một chiếc đĩa nặng nề, lập lờ ngang bề mặt biển Ấn Độ Dương. Những con sóng đập vào bờ kè bê tông bao quanh hòn đảo rồi tan ra thành những chùm bọt. Chỉ khoảng 2km² nhưng có đến 70.000 người chen chúc bên trong. Hiện tại, con đập nhân tạo vẫn đứng vững, che chở cho thủ đô của Maldives. Nhưng người dân Maldives đang tự hỏi con đập này có thể đứng vững được trong bao nhiêu thời gian nữa?

Thủ đô Malé của Maldives

Thủ đô Malé của Maldives

“Đừng quá ngây thơ và hãy chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất” - Bộ trưởng Môi trường Maldives Mohammed Aslam cảnh báo như vậy. Kịch bản xấu nhất là trong tương lai, quần đảo này sẽ chìm nghỉm dưới mặt nước biển dưới tác động của tình trạng nước biển dâng do sự ấm lên của khí hậu.

Mối lo của các nhà chức trách Maldives bắt đầu lớn dần kể từ khi một số nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) rung hồi chuông cảnh báo.

Trên thực tế, từ hơn hai thập kỷ qua, người dân Maldives đã trải qua những biến cố đặc biệt. Năm 1987, một đợt sóng thần đã nhấn chìm một phần đảo Malé và khiến người dân chịu một cú sốc tâm lý nặng. Tiếp đó, hiện tượng El Nio năm 1998 khiến nhiều dãy san hô bị biết mất: 90% dãy san hô nằm dưới độ sâu 15m đã bị chết.

Gần đây nhất, tháng 12-2004, cơn sóng thần gây thiệt hại lớn, phá hủy 2 hòn đảo, buộc người dân ở 6 hòn đảo khác phải sơ tán, gần 4.000 người (trên 280.000 dân) phải chuyển nơi ở.

Theo Shiham Adam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về biển Malé, sở dĩ quần đảo dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết là do địa hình của quần đảo: 80% diện tích có bề mặt đất nằm ít nhất dưới 1m so với mực nước biển. Nếu những dự đoán của IPCC chính xác, nhiều đảo san hô của Maldives sẽ không còn tồn tại lâu nữa.

Mối đe dọa đối với quần đảo Maldives càng lớn bởi một đặc trưng khác, đó là sự chật hẹp của các hòn đảo. 96% các hòn đảo có diện tích dưới 1km². Kết quả là có tới 47% dân cư sống ở khoảng cách 100m cạnh bờ biển, tức là nằm sát đường ranh giới nguy hiểm khi có sự cố xảy ra.

“Chúng tôi không có vùng đất liền nào để trú ẩn. Trong trường hợp khủng hoảng, leo lên cây dừa là giải pháp duy nhất của chúng tôi”, Ahmed Abdullah Saeed, Tổng Biên tập của báo Haveeru viết giọng pha chút mỉa mai.

Chưa có giải pháp dài hơi

Hiện tại, Maldives đề ra một số phải pháp ngắn hạn, chẳng hạn như lấn biển lấy đất. Đáy biển nông cho phép Maldives mở rộng các hòn đảo hiện có, thậm chí là tạo ra những hòn đảo mới. Ngành du lịch Maldives - thu hút khoảng 600.000 khách mỗi năm - giúp Maldives có thể thực hiện những dự án như vậy.

Nhưng các hoạt động như xây dựng đê chắn sóng bằng bê tông, khai thác cát, sử dụng thuốc nổ để thi công ở vùng đá san hô ngầm… khiến hệ sinh thái vốn đã dễ bị tổn thương càng dễ bị đảo lộn. Cùng với sự ấm lên của nước biển, những hoạt động xây dựng khiến các bờ biển bị xói mòn và làm các dãy san hô bị tổn thương nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các hoạt động đánh bắt thiếu thân thiện, như việc đánh bắt quá mức loại cá song - loại vật đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng các dãy san hô - cũng khiến các dãy san hô dễ bị hủy diệt. Shiham Adam nhắc lại điều mà mọi người điều biết: “Nếu không có san hô, sẽ không còn những hòn đảo”.

Một giải pháp khác là tăng cường các biện pháp phòng vệ tự nhiên bằng cách trồng cây bên bờ biển. Người dân đảo Kandholhudhoo còn nhớ cơn sóng thần năm 2004 chỉ với độ cao 2,5m nhưng đã để lại hậu quả tai hại.

Trong số các nguyên nhân, phải kể tới việc những cây sú vẹt ở vùng bờ biển đã bị phá. Do không có vật cản, lớp đất trồng đã bị sóng biển cuốn đi. Hàng rào cây sú vẹt được dựng lên đúng cách sẽ là bức tường tự nhiên giảm thiểu sự tấn công từ bên ngoài đối với hòn đảo.

Tuy nhiên, về lâu dài, không mấy người Maldives tin rằng các biện pháp này có thể chống lại nhịp độ dâng cao của nước biển. Tổng thống Maldives Mohamed Anni Nasheed được bầu tháng 10-2008, sau khi nhậm chức, đã thông thông báo thành lập một quỹ nhằm mua đất từ các nước láng giềng.

Thông báo này có hai mục đích: Cảnh báo cộng đồng quốc tế về nguy cơ của biến đổi khí hậu và đồng thời, tìm kiếm một vùng đất mới cho người dân Maldives - những người có nguy cơ trở thành người “tị nạn khí hậu” trong tương lai. Mặc dù vậy, ý tưởng này vẫn còn khiến nhiều người nghi ngại do những rắc rối về pháp lý liên quan đến việc mua đất ở nước ngoài.

Quần đảo Kiribati ở Thái Bình Dương hiện cũng phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng 5mm mỗi năm từ năm 1991, khiến nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn. Tổng thống nước này Anote Tong tuyên bố, không có giải pháp thay thế, Kiribati sẽ biến mất. Hiện chính quyền quần đảo Kiribati cũng đang tìm kiếm những vùng đất mới, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính gây cản trở tiến trình này.

Hà Vy (theo Le Figaro)

>> Bài 1: Cuộc chiến chống động vật hoang dã ở Sumatra

>> Bài 3: Bài học về phát triển bền vững ở Brazil

Tin cùng chuyên mục