Mặt trái của những con đập thủy điện

Mặt trái của những con đập thủy điện

Đầu tháng 6 vừa qua, các quan chức ngành thủy lợi của 5 nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã tổ chức hội nghị bàn về tác hại của các công trình thủy điện đối với môi trường sinh thái của sông Mêkông. Những lo ngại về tình trạng thiếu nước, sự tuyệt chủng của các động vật quý hiếm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm triệu người trên lưu vực những con sông do những con đập thủy điện gây ra đang hiển hiện trước mắt.

Chính sách biến những con sông thành “những bình ắc quy khổng lồ”

Năm 1949, Trung Quốc (TQ) chỉ có tổng cộng 22 đập lớn trên toàn quốc. Trong hơn nửa thế kỷ qua, TQ bắt đầu xây dựng hơn 85.000 con đập thủy điện trên tất cả các dòng sông lớn với quy mô khác nhau. TQ đã từng tự hào với những đập cao nhất thế giới, hồ chứa nước lớn nhất thế giới và tạo ra nhà máy điện công suất lớn nhất thế giới. TQ có tất cả các loại đập thủy điện, từ đập hình cung, đập bằng đất, đập trọng lực cho tới đập nhiều tầng và đập bê tông.

Mệnh danh là bức “Trường thành” trên sông Dương Tử cao hơn 180m, đáy rộng gần 120m, dài gần 2,5km với trị giá 16,6 tỷ USD. Hồ chứa nước do con đập này tạo ra dài tới 640km và rộng 112km, có thể chứa tới 18,9 tỷ m³ nước, tương đương 1/5 lượng nước ngọt mà nước Mỹ sử dụng hàng năm.

Bộ Thủy lợi TQ cho biết sẽ xây thêm ít nhất 20 đập dọc sông Dương Tử để khai thác 60% tiềm năng thủy điện của con sông này từ nay đến năm 2030.

Đập Tiểu Loan.

Đập Tiểu Loan.

Đập Tiểu Loan mới hoàn thành trên sông Mêkông là đập thủy điện cao nhất thế giới với chiều cao tới 292m, bằng tòa nhà 100 tầng, có thể cung cấp đến 4.000MW điện, ước tính sức chứa của con đập khổng lồ này tương đương với toàn bộ các hồ chứa nước của vùng Đông Nam Á.

TQ sẽ xây dựng 15 con đập dọc theo phần sông Mêkông nằm trên lãnh thổ nước mình. Hai đập đầu tiên là Mạn Loan với sức chứa 920 triệu m³ nước và Đại Triều Sơn có sức chứa 890 triệu m³ nước, đã được hoàn thành năm 1993 và 2002, có tổng công suất phát điện gần 3.000MW, tương đương với sản lượng điện của khoảng 3 nhà máy điện hạt nhân lớn.

Theo thống kê, đến nay TQ đã và đang tiến hành kế hoạch xây dựng 8 nhà máy thủy điện có công suất lớn trên lưu vực sông Mêkông thuộc tỉnh Vân Nam: Manwan, Dachaoshan, Jinghong, Xiaowan, Ganlanba, Gongguoqiao, Mengsong và đập Nuozhadu.

Năm 2009, Lào đã hoàn thành đập Nam Theun II, đập lớn nhất nước, với công suất phát điện 1.070MW, được dự đoán sẽ mang về cho quốc gia này khoảng 1,9 tỷ USD trong vòng 25 năm. Một đập thủy điện khác với công suất 1.410MW do Petrovietnam đầu tư với trị giá 1,7 tỷ USD sẽ mang lại cho Lào nguồn thu mới khoảng 2,6 tỷ USD trong 25 năm tới.

Với tham vọng xuất khẩu điện sang các nước trong vùng, Lào đang thực hiện chương trình xây 50-60 nhà máy thủy điện trên cả nước. Trên dòng chính sông Mêkông, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ Lào đã ký kết các thỏa thuận xây dựng 6 đập thủy điện gồm Pạcpèng, Luổngphạbang, Xaynhạbuly, Pạlai, Bảncơm và Đônsahông.

Campuchia đang xúc tiến việc xây dựng các đập thủy điện Sambor trên dòng chính của sông Mêkông tại tỉnh Kratie. Cuối năm 2006, chính phủ Campuchia và Công ty China Southern Power Grid Co. của TQ đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu tính khả thi của hai công trình thủy điện trên đất chùa Tháp.

Thứ nhất là đập thủy điện có công suất 2.600MW chắn hết lòng sông, có công suất 3.300MW. Đập thủy điện này có hồ chứa dự kiến chiếm đến 880km² và phải di dời chỗ ở của trên 5.000 người. Đập thứ hai, nhỏ hơn, chỉ chắn một phần lòng sông với hồ chứa khoảng 6km², công suất 465MW.

Được gọi là con đập thép, đập Bản Kiều được xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ trước tại tỉnh Hà Nam (TQ), sau đó được các kỹ sư Liên Xô gia cố lại. Thế nhưng vào năm 1975, con đập này đã bị cơn bão Nina tấn công với lượng mưa lớn, lên tới 63 inches.

Đập Tam Hiệp.

Đập Tam Hiệp.

Con đập Thạch Mạn Than ở thượng nguồn sông Hoài đã bị vỡ trước, tạo ra một bức tường nước khổng lồ dội vào đập Bản Kiều. Nửa giờ sau, đập Bản Kiều đã bị đổ sụp và cột nước cao tới 6m, với tốc độ chảy gần 30 dặm một giờ, cuốn phăng 60 con đập khác dọc đường đi, khiến hơn 200.000 người thiệt mạng, giao thông bị phá hủy hoàn toàn, làm hàng triệu người bị cô lập.

Kể từ khi hồ Tam Hiệp bắt đầu trữ nước vào năm 2003, đập Tam Hiệp được gọi là “Vạn Lý Trường Thành” trên sông Dương Tử đã gây ra nhiều trận địa chấn trong khu vực hồ chứa. Năm 2003, “có tới 1.000 trận động đất cỡ nhỏ xuất hiện ở hồ chứa Tam Hiệp, trong đó có trận rung động mạnh 2,1 độ richter”.

Tháng 10-2006, khi nước ở hồ chứa đạt cao 156m so với mực nước biển thì xảy ra một trận động đất mạnh nhất ở tỉnh Hồ Bắc trong vòng hai thập kỷ qua, làm rung chuyển cả những vùng gần đập Tam Hiệp với độ mạnh 4,7 độ richter, khiến 5.860 người phải rời nhà lánh nạn.

Tan nát một dòng sông

Với chiều dài 4.350km, trải qua biết bao thế kỷ, dòng sông Mêkông hiền hòa đã đem lại miếng cơm manh áo, sự trù phú, thịnh vượng cho hàng trăm triệu người sống dựa vào con sông này. Sông Mêkông đã tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, những đồng bằng màu mỡ nhất hành tinh.

Tại Campuchia, sông Mêkông đã góp phần hình thành nên Biển Hồ, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, dài 160km, rộng 30km, một kỳ quan về sinh thái hiếm có của thế giới. Nơi sinh sản của rất nhiều loài cá từ sông Mêkông theo dòng Tonle Sap bơi về vào mùa nước lớn - nguồn lợi thủy sản khổng lồ.

Mêkông là một trong những lưu vực sông có lượng cá lớn nhất thế giới, với 1.245 loại cá đã được phát hiện và phân loại, đứng thứ nhì, sau con sông Amazone. Có nhiều loại hiếm quý như cá heo irrawady dolphin, loại cá catfish khổng lồ, cá bông lau nặng đến 300kg…

Hàng năm, sản lượng cá đánh bắt được ở vùng hạ nguồn từ 1 - 1,3 triệu tấn, giữa nguồn 0,9 - 1,2 triệu tấn và thượng nguồn khoảng 60.000 tấn.

Sông Mêkông đã tạo đồng bằng sông Cửu Long giàu có về lúa gạo - một vựa lúa của Việt Nam, có khả năng cung cấp lúa gạo cho cả nước và đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lúa gạo thứ hai trên thế giới.

Ngoài ra, Mêkông đã trở thành thủy lộ giao thông quan trọng, là cầu nối văn hóa và là con đường thương mại nối giữa các nước trong khu vực có dòng sông chảy qua…

Dòng sông Mêkông với những cảnh quan hùng vĩ dọc cùng với nét văn hóa độc đáo, phong phú của cộng đồng dân cư đã đem lại nguồn thu lớn cho ngành công nghiệp không khói của các quốc gia trong khu vực.

Trong cơn khát năng lượng, cơn khát vốn đầu tư để phát triển - những lợi ích trước mắt, các quốc gia đang xâu xé dòng sông này. Đặc biệt là khai thác những con sông thành những bộ máy phát điện khổng lồ bằng những đập thủy điện khổng lồ trên sông, đã và đang ảnh hưởng to lớn đến môi trường sinh thái của các hệ động thực vật gắn với dòng sông; tạo ra những thách thức và đe dọa tới nguồn sống lâu dài của hàng chục triệu người dân sinh sống hai bên bờ Mêkông.

Theo các chuyên gia môi trường, việc xây dựng các con đập thủy điện trên sông Mêkông sẽ dẫn đến hàng loạt các nguy cơ như: hồ địa chấn, động đất, ô nhiễm môi trường; phá hủy tài nguyên rừng: để có được các con đập, người ta phải phá hủy nhiều khu rừng lớn, làm biến dạng cuộc sống hoang dã, làm thay đổi nơi sinh sống của hàng chục ngàn dân cư nghèo hai bên bờ sông, chủ yếu là dân tộc thiểu số; nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, ngành nông nghiệp sẽ bị thiệt hại, du lịch sút giảm

Tuy nhiên cho đến nay những nỗ lực để có hợp tác để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá mà Mêkông đem lại vẫn còn xa vời bởi  cái lợi trước mắt của một vài quốc gia.

TÂM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục