Đại học Harvard trong sóng gió khủng hoảng - Bài 2: Thay đổi để thích nghi với tương lai

Đại học Harvard trong sóng gió khủng hoảng - Bài 2: Thay đổi để thích nghi với tương lai

“Một trong những điểm mạnh của trường chúng tôi không phải là những gì được giảng dạy ở đây mà là cách giảng dạy như thế nào” - ông Brice Scott, giáo sư quản trị, nói. Với 1/3 số sinh viên là người nước ngoài, Harvard Business School (HBS) là trường quản trị kinh doanh đa dạng nhất nước Mỹ.

Quy trình tuyển chọn sinh viên ưu tiên tính độc đáo và sự khác biệt. Cách giảng dạy trong trường dựa trên việc phân tích hồ sơ, tài liệu những sự việc, trường hợp cụ thể, đồng thời tổ chức các cuộc tranh luận tập thể của sinh viên, tất cả đều nhằm mục đích “mở rộng góc nhìn, tầm nhìn”. Thế nhưng, khi “ra lò”, sinh viên dường như đều “được đúc từ cùng một khuôn”. Đấy cũng chính là một trong những điểm mà HBS bị “chê trách” nhiều nhất…

“Quan điểm đồng nhất về thế giới”

Có thể thấy sinh viên HBS khi vào trường rất khác nhau nhưng khi ra trường thì hầu như ai cũng cùng chung cách nghĩ. Simon Johnson, giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts ở Boston tóm tắt: “Hơn bất cứ một trường nào khác, Harvard phát triển một quan điểm chung nhất về thế giới, có lợi cho sự thăng tiến của tầng lớp tinh hoa”. Liệu có phải tại “cái nhìn” của Harvard có nhiều tương đồng với cái nhìn của những người thuộc tầng lớp tinh hoa này?

Cơn khủng hoảng hiện nay và việc chính quyền của Tổng thống Obama nắm quyền lãnh đạo đất nước có thể khiến mọi sự không còn như trước. Nhiều giáo viên, sinh viên Harvard cho biết sẵn sàng ủng hộ sự thay đổi. Sức ép của thực tế vốn mạnh hơn những ý tưởng lý thuyết.

Ở thư viện Baker Library của HBS

Ở thư viện Baker Library của HBS

“Tháng 4, hiệu trưởng cho triệu tập tôi, ông muốn có một chương trình hành động trong trường hợp xảy ra nạn suy thoái - Jana Kierstead, người có nhiệm vụ theo dõi sự nghiệp của các sinh viên sau khi ra trường, kể - Số chỗ làm việc được đề nghị với các sinh viên tốt nghiệp năm nay giảm 30%, là điều chưa hề xảy ra”. Bởi thông thường, sinh viên Harvard luôn được chờ đón sẵn tại cửa.

Tháng 9, sau cuộc phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers, ngân sách làm việc của bộ phận mà Jana Kierstead phụ trách được khẩn cấp tăng gấp đôi. Số người dẫn dắt sinh viên (hướng nghiệp, tìm việc làm) tăng từ 32 lên 40 người. Việc một số nhà lãnh đạo tương lai vất vả tìm việc là điều hiếm thấy. Tuy Kierstead đã giải quyết được 80% trường hợp nhưng còn 20% vẫn chưa có việc làm, chuyện chưa có tiền lệ ở Harvard…

Thay đổi để thích nghi với tương lai 

Nhà trường sẽ thay đổi thế nào để thích nghi với thị trường lao động ngày mai? Cho tới tận giờ, 70% sinh viên tốt nghiệp HBS đều chọn lĩnh vực dịch vụ tài chính hay consulting (tư vấn, cố vấn), là những ngành mang lại mức lương cao. Nhưng số chỗ làm này đang giảm.

Bà Deirdre Leopold, giám đốc bộ phận tuyển sinh, nói: “Sinh viên của chúng tôi cần nhận thức được rằng họ phải nghĩ nhiều hơn tới việc thành lập doanh nghiệp của mình, đi vào những ngành như sức khỏe hay môi trường - những ngành có mức lương thấp hơn, ít được họ quan tâm hơn”.

Liệu các sinh viên có sẵn lòng làm chuyện này? Do nguồn gốc gia đình (hầu hết xuất thân từ tầng lớp khá giả), phần lớn sinh viên không biết tới cuộc khủng hoảng, nhiều người trong số họ chẳng mấy quan tâm. Vì vậy, ít có khả năng sự thay đổi sẽ đến từ phía sinh viên. Nhưng về phía cán bộ giảng dạy, cuộc tranh luận diễn ra khá sôi nổi.

“Chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn để cùng với sinh viên suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm, về những nguy cơ mang tính toàn cầu, không chỉ riêng trong lĩnh vực tài chính không thôi. Cần quan tâm nghiên cứu quan điểm của người tiêu thụ, xem xét những gì xảy ra ở nơi khác. Người lãnh đạo của chúng ta còn thiếu kinh nghiệm quốc tế” - giáo sư Tufano phát biểu.

Tóm lại, HBS cần thay đổi để thích nghi với thị trường lao động (người lãnh đạo) trong tương lai, học lại cách coi trọng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. “Khó nhất là việc thay đổi hướng tuyển chọn sinh viên và các bài giảng - ông Light nói - Sẽ có nhiều sinh viên nhắm tới các tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước”. Ông cũng cho biết, năm học tới HBS sẽ có môn học về điều tiết tài chính.

Trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp - chìa khóa của sự thay đổi?

“Dự báo, chuẩn bị trước, đó là lý do tồn tại của (trường) chúng tôi. Nếu không, chúng tôi không thể tự cho rằng mình là người đào tạo ra những nhà lãnh đạo của ngày mai” - giáo sư Tufano nói. “Tìm kiếm một nhà lãnh đạo (leader) là công việc rất phức tạp. Chừng nào chúng tôi còn thành công trong việc này thì chúng tôi vẫn sẽ là những người đi trước” - Hiệu trưởng Light tiếp lời.

Ngày 5-6, một sinh viên của trường, Maxwell Anderson, đã khởi xướng việc vận động các bạn đồng học của mình cùng ký tên vào bản cam kết “làm việc với tinh thần trách nhiệm và đạo đức” trong sự nghiệp sau này.

Rakesh Khurana, giáo sư Harvard, cũng nói tới việc “cộng đồng những người giảng dạy cần suy nghĩ một cách thật sâu sắc về vấn đề đạo đức nghề nghiệp”. “Sinh viên của chúng tôi thật sự xuất sắc. Sự tự tin của họ vào chính bản thân rất cao - giáo sư Guillen phân tích - Người ta truyền bá cho họ những giá trị tinh hoa, lặp đi lặp lại rằng họ sẽ là những người nắm quyền quyết định trong tương lai, đào tạo nên những con người từ rất sớm đã tự coi mình là những ông vua. Từ đó, việc họ bị xa rời thực tế là điều dễ hiểu. Hệ thống này nhất thiết phải thay đổi”. Có lẽ vận mệnh tương lai của HBS nằm ở chỗ này….

Các “cựu sinh viên” Harvard có thể kế đến: George W. Bush (cựu tổng thống Mỹ), Michael Bloomberg (thị trưởng New York, người sáng lập công ty tài chính cùng tên), Henry Paulson (cựu tổng giám đốc Goldman Sachs, cựu bộ trưởng ngân khố), Frank Carlucci (cựu bộ trưởng quốc phòng, tổng giám đốc quỹ đầu tư Carlyle), John Thain (tổng giám đốc Merrill Lynch khi xảy ra khủng hoảng), các tổng giám đốc nhà băng John Weinberg (Goldman Sachs), Jamie Dimon (JP Morgan Chase), Richard Fisher (Morgan Staley), các tổng giám đốc Rick Wagoner (General Motors), Jeffrey Immelt (General Electric), Roy Bostock (Yahoo!), James McNerney (Boeing), Donald Carty (Dell)…

 NGUYỄN VŨ (theo Le Monde)

>> Bài 1: “Đầu vào” khác biệt, “đầu ra” đồng nhất

Tin cùng chuyên mục