Tiếng nói phụ nữ ở vùng đất chết

Tiếng nói phụ nữ ở vùng đất chết

Một cô gái đau đớn khi lưỡi dao sắc nhọn cướp đi từng bộ phận trên thân thể mình. Một cô gái đang say mê trình diễn bài hát cô sáng tác dành cho những người phụ nữ đang đối diện với “địa ngục” mỗi ngày. Họ là những phụ nữ trẻ tràn đầy sức sống, luôn khao khát hướng về tương lai để nhìn thấy sự thay đổi - đó là một phần nội dung chương trình truyền hình của Mozhdad Jamalzadah.

Sống trong sợ hãi

Quân Taliban sầm sập đổ về phía ngôi nhà nhỏ bé ở cuối làng, nơi cô bé Aisha 18 tuổi đang co ro sợ hãi khi phải đối diện với sự trừng phạt kinh hãi nhất mà cô không thể tưởng tượng nổi. Vì không thể chịu nổi cảnh đời tủi nhục như nô lệ ở nhà chồng, Aisha đã quyết tâm bỏ trốn, nhưng không thành. Cô bị bắt lại. Không chỉ có gia đình chồng hăm hở đòi “tính chuyện” với Aisha mà cả nhóm Taliban cũng xông vào đòi trừng phạt Aisha đến nơi đến chốn. Một tên chỉ huy nhóm Taliban ở địa phương đứng giữa để phân xử. Sau phần luận tội, hắn thản nhiên để cho chồng Aisha rút chiếc dao sắc nhọn hướng thẳng đến cô bé đang cúi gằm mặt vì bị người anh chồng kèm chặt một bên. Chiếc dao lướt nhanh trên khuôn mặt cô bé và nhanh như một cái chớp mắt, chồng Aisha dùng chiếc dao ấy cắt mất đôi tai của vợ. Aisha đau đớn đến bất tỉnh. Hắn vẫn không buông tha mà còn nhẫn tâm cắt đứt mũi của cô bé.

Mozhdad Jamalzadah với chương trình của mình. Ảnh: Show

Mozhdad Jamalzadah với chương trình của mình. Ảnh: Show

Câu chuyện trên không xảy ra 10 năm trước, khi quân Taliban thống trị Afghanistan mà nó chỉ xảy ra cách đây 1 năm. Ở thời điểm mà Mỹ và đồng minh dường như tỏ ra bất lực với việc giải quyết Taliban ở Afghanistan và cuộc sống của người dân tại đây càng bị đẩy vào hoàn cảnh bi kịch. Quân Taliban ngày càng mạnh và càng tàn bạo. Bóng ma Taliban đang quay trở lại. Nghị sĩ Fawzia Koofi cho rằng quyền lợi của phụ nữ Afghanistan không thể là vật hy sinh trong quá trình tìm kiếm hòa bình tại đây.

Tất cả đang lo lắng Chính phủ Afghanistan trong tương lai sẽ nhân nhượng Taliban và gạt số phận những người phụ nữ khốn khổ này sang một bên, mặc cho sự cuồng tín và sức ép tôn giáo cực đoan lấn lướt. Aisha đã dũng cảm để xuất hiện trên bìa tạp chí Time số ra gần đây. Đối với cô, nỗi đau về thể xác đã khiến cô mạnh mẽ hơn, có thể đối diện với bất cứ sự đe dọa nào. Và cô hiểu, không chỉ có cô, mà hàng trăm, hàng ngàn người phụ nữ khác đang đối diện với bản án khủng khiếp mà họ không may mắn gặp phải.

Theo văn hóa Afghanistan, nếu cuộc hôn nhân ép buộc không có hạnh phúc, người đàn ông có thể cưới người phụ nữ mà anh ta yêu về làm vợ hai. Nhưng các cô gái thì lại không có lối thoát. Họ phải cam chịu số phận đắng cay đến hết đời mình. Một số muốn thoát khỏi bi kịch cuộc đời đã tìm đến cái chết. Một số khác bỏ trốn, có người bị rơi vào động mại dâm hoặc vòng vây của nghiện ngập. Nghèo đói là nguyên nhân thúc đẩy nhiều cuộc hôn nhân trẻ em ở Afghanistan.

Đó có thể do một người đàn ông giàu có trả giá “mua cô dâu” một khoản tiền lớn hoặc chỉ vì cha cô dâu đó chỉ muốn bớt đi một đứa con phải nuôi do nghèo đói và khủng hoảng lương thực. Việc “xử tội” những cô dâu trẻ em ở Afghanistan như Aisha đã làm sáng tỏ một sự thật kinh hoàng. Hành vi mà ở hầu hết các nước sẽ bị coi là phạm tội thì ở nhiều khu vực tại Afghanistan chỉ xem đó là một tục lệ công khai - điều mà chính phủ nước này hoặc không thể hoặc không sẵn sàng đương đầu với nó. Những hy vọng mình sẽ được bảo vệ của các em gái ở đây dường như là điều quá xa xôi và các em đành phải tiếp tục đánh cuộc với rủi may số phận hay phải làm mẹ khi còn đang ở tuổi chơi đùa. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), từ năm 2000-2008, những cô dâu trong 43% cuộc hôn nhân ở Afghanistan là dưới 18 tuổi.

Khát khao tạo kỳ tích

Gần đây, một phụ nữ người Afghanistan tị nạn ở Canada, cô Mozhdad Jamalzadah đã quay trở về quê hương để thực hiện một chương trình trò chuyện trực tiếp trên truyền hình, một phiên bản chương trình của nữ hoàng truyền hình Oprah. Với cách dẫn chuyện khéo léo để không đụng chạm đến những tín đồ Hồi giáo, Mozhdad Jamalzadah đã đưa ra những câu hỏi thảo luận về quyền của phụ nữ để những người theo dõi có thể trao đổi thẳng thắn.

Trong chương trình gần nhất của Mozhdad, một nam khán giả đã kể một câu chuyện khiến mọi người bật cười nhưng không thể không suy nghĩ. Chuyện kể rằng có một nhóm nhà hoạt động nhân quyền đến Afghanistan, họ thấy được rằng những người phụ nữ luôn giữ khoảng cách 6 bước chân khi đi sau chồng của mình. Đây là một hình ảnh quen thuộc, để thấy rằng vị trí của những người phụ nữ trong xã hội Afghanistan.

Aisha với khuôn mặt bị biến dạng sau khi bị chồng cắt mất phần mũi. Ảnh: Aisha

Aisha với khuôn mặt bị biến dạng sau khi bị chồng cắt mất phần mũi. Ảnh: Aisha

Thế nhưng, tại vùng quê Helmand, nơi mà lực lượng Taliban tập trung đông và mạnh mẽ nhất, người ta lại thấy những người phụ nữ đi trước chồng mình đến 6 bước chân! Nghịch lý chăng? Cả khán phòng im lặng trong vài giây rồi vỡ òa khi anh thanh niên tiếp tục câu chuyện kể của mình. Người phụ nữ đi trước người chồng bởi vì cả hai đang đi vào khu vực nguy hiểm, nơi có những quả bom sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào! Thật oái oăm và trớ trêu thay khi người phụ nữ luôn là người phải hy sinh.

Chương trình mà Mozhdad đang thực hiện được phát trên truyền hình Afghanistan vào mỗi tối thứ năm và thứ sáu hàng tuần. Chương trình phát những bài nhạc, trò chơi, một loại hình giải trí đậm chất Mỹ nhưng lồng vào đó là nội dung trao đổi về vai trò người phụ nữ. Đây cũng là cách tiếp cận khéo léo mà những người thực hiện chương trình lựa chọn để không bị can thiệp thô bạo. Sinh ra ở Afghanistan nhưng sau đó phải tị nạn và trưởng thành ở Canada, Mozhdad Jamalzadah, 26 tuổi được biết đến như một ngôi sao ca nhạc nổi tiếng nhất của Afghanistan.

Ca khúc “Afghan girl” (Cô gái Afghanistan) của cô được thu âm ở Canada, nhưng sau khi nó đã được biết đến ở nhiều nơi đã trở về được chính quê hương của nó, đến được với người dân Afghanistan, những phụ nữ đang trông chờ sự giải thoát, sự tự do để được sống đúng nghĩa. Bài hát cũng là thông điệp mà Mozhdad gửi đến nam giới Afghanistan. Đó là câu chuyện về những người phụ nữ dũng cảm, có sức mạnh tinh thần lớn lao, có thể đối mặt với tất cả những gì tồi tệ nhất của cuộc sống này. Trước đây, Mozhdad chưa bao giờ mơ đến một ngày mình sẽ trở thành một ca sĩ, một người nổi tiếng. Theo Mozhdad, tất cả những điều cô làm, cho đến nay chỉ mang một mục đích duy nhất là gửi gắm những lời nhắn nhủ của mình đến mọi người, từ đó có thể giúp đỡ những phụ nữ đồng hương của cô thoát khỏi nỗi ám ảnh bạo lực luôn đe dọa.

Ước mơ của Mozhdad Jamalzadah

Nếu người dân Afghanistan khao khát âm nhạc được trình diễn bởi chính ngôn ngữ của họ thì “Afghan girl” đã đáp ứng được điều đó. Họ đổ xô tìm đến Mozhdad như tìm đến sự thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những người hâm mộ và ủng hộ, Mozhdad còn nhận rất nhiều lời đe dọa trên trang Facebook cá nhân cũng như tài khoản Youtube của mình, nơi cô tải lên những bài hát mà cô viết dành cho người dân Afghanistan. Mozhdad đã dũng cảm đối diện với tất cả những ai yêu thương, căm ghét cô, chỉ với một mục dích duy nhất là cô có thể khiến họ thay đổi trong suy nghĩ. Và Mozhdad đã làm được điều đó, vài người trong số những người chống đối cô đã bắt đầu chịu lắng nghe. Dù số lượng ấy còn rất ít nhưng cũng đủ để Mozhdad tin tưởng, củng cố niềm tin và sức mạnh để cô tiếp tục công việc gửi đi thông điệp chống bạo lực, bảo vệ người phụ nữ Afghanistan của mình.

Có rất nhiều tệ nạn còn tồn tại ở Afghanistan như đói nghèo, giáo dục bị khủng hoảng, bạo lực tràn lan, quyền phụ nữ bị đe dọa, trẻ em bị ngược đãi và những quyền cơ bản khác của con người bị xâm hại. Tuy nhiên, Mozhdad chọn đề tài về phụ nữ và trẻ em để thực hiện. Mozhdad tâm sự: “Tôi không đi thẳng vào vấn đề. Tôi chỉ là người dẫn dắt câu chuyện. Tôi muốn khơi gợi suy nghĩ của mỗi người tham gia chương trình. Như khi tôi nhắc đến quyền phụ nữ chẳng hạn, tôi thường giới thiệu kèm theo đó là những mẩu chuyện vui và ý nhị, khiến khán giả ở dưới bật cười nhưng sau đó là những lời bình luận của chính họ. Ban đầu, họ có thể ngần ngại, nhút nhát khi trao đổi nhưng sau đó, họ có thể thẳng thắn đưa ra ý kiến của mình. Đó là điều mà tôi và những người thực hiện chương trình mong muốn”.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục