Sự kiện vịnh Bắc bộ - Sự bịa đặt hào nhoáng

Sự kiện vịnh Bắc bộ - Sự bịa đặt hào nhoáng

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã công bố tập tài liệu hơn 1.000 trang từng thuộc loại tuyệt mật liên quan tới cuộc chiến tranh tại Việt Nam trước đây. Tài liệu cho thấy nhiều nghị sĩ Mỹ đã hoài nghi về tính xác thực của sự kiện vịnh Bắc bộ năm 1964 và cung cấp thêm bằng chứng để chứng tỏ đây chỉ là màn kịch mà chính quyền Mỹ lúc đó cố tình dựng lên để lấy cớ tấn công miền Bắc Việt Nam.

Bằng chứng ngụy tạo

Ngày 5-8-1964, phát biểu trên đài truyền hình Mỹ, Tổng thống Lyndon B. Johnson thông báo, tại vịnh Bắc bộ ngày 2-8 tàu ngư lôi của Bắc Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Mỹ. Ngày 4-8, hai tàu Mỹ là Maddox và Turner Joy lại bị phía Việt Nam tấn công. Ngày 5-8-1964, ngay sau sự kiện thứ 2, hải quân Mỹ trả đũa bằng chiến dịch Mũi Tên Xuyên, ném bom một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại 9 năm bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara (giữa) - người thiết kế chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam - người đã nói dối trước Quốc hội Mỹ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara (giữa) - người thiết kế chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam - người đã nói dối trước Quốc hội Mỹ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Chỉ sau tuyên bố của Tổng thống Johnson vài giờ, dự thảo nghị quyết chuẩn y hoạt động chiến tranh quy mô tại Việt Nam đã được đưa ra Quốc hội Mỹ. Văn bản đó được gọi là “Nghị quyết vịnh Bắc bộ” và được thông qua ngày 7-8, đã trở thành cơ sở khởi đầu sự tham gia toàn diện của Mỹ trong các hoạt động chiến sự chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà không cần tới sự tuyên chiến chính thức.

“Nếu đất nước này bị lừa dối, nếu ủy ban này, quốc hội này bị lừa dối mà lao vào một cuộc chiến tranh khiến hàng ngàn thanh niên mất mạng, hàng ngàn người khác bị tàn tật suốt đời và cũng khiến đất nước này đánh mất vị trí về uy tín và đạo đức trên thế giới thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng”, thượng nghị sĩ Albert Gore đã nói như vậy hồi tháng 3-1968 tại một phiên họp kín của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và đã được ghi lại trong tập tài liệu mới công bố này.

Đó chỉ là một trong số những ý kiến hoài nghi của các thượng nghị sĩ về khả năng bóp méo thông tin về sự kiện vịnh Bắc bộ của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, được trích dẫn trong tài liệu. Tập tài liệu này được nhà sử học của Thượng viện Donald Ritchie soạn thảo dựa trên lời khai của các nhân chứng và ghi chép lại những cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong hai năm 1967 và 1968 (3 - 4 năm sau sự kiện vịnh Bắc bộ).

Trong đó cho thấy Nhà Trắng đã bị các thượng nghị sĩ thời đó phản đối vì họ bị Lầu Năm Góc thông tin sai lệch về sự kiện vịnh Bắc bộ. Trong thời gian đó, sự hoài nghi về sự kiện vịnh Bắc bộ đang lan rộng trong dân chúng Mỹ. Điểm đáng chú ý nữa trong tập tài liệu là nó cho thấy những quan điểm trái ngược của các thành viên trong ủy ban này về các khía cạnh chính trị, xã hội và đạo đức của cuộc chiến Việt Nam do Mỹ gây ra. Tài liệu mật cũng ghi nhận đầy đủ thái độ hối tiếc của một số thành viên của ủy ban này sau khi bỏ phiếu đồng ý leo thang chiến tranh Việt Nam.

Theo các nhà sử học, những bản ghi chép này chứa đầy những lời lẽ giận dữ của các thượng nghị sĩ về chính quyền của Johnson cũng như nỗi thất vọng về sự bất lực của chính bản thân họ vì không thể có tiếng nói trọng lượng trong cuộc chiến ở Việt Nam. “Trong một nền dân chủ, bạn không thể mong chờ những người mà con trai của họ đã bị giết chết và sẽ bị giết chết sẽ chấp nhận việc họ bị lừa dối”, đó là phát biểu tại một cuộc họp diễn ra trong tháng 2-1968 của thượng nghị sĩ Frank Church.

Trong một cuộc họp năm 1968, thượng nghị sĩ Bourke Hicken Lopper phát biểu rằng, ông cảm thấy các thượng nghị sĩ đã trở thành con rối trong tay Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, mối hoài nghi của các thượng nghị sĩ Mỹ về sự kiện vịnh Bắc bộ đã chẳng đi đến đâu vì họ lo ngại việc tiến hành điều tra sẽ càng kích động nước Mỹ thêm. Ông Frank Church cho rằng nếu ủy ban tiếp tục đưa ra những bằng chứng chứng tỏ sự kiện vịnh Bắc bộ chưa bao giờ xảy ra thì “chúng ta đã tự làm mất uy tín của quân đội Mỹ, làm mất uy tín và có thể là hủy diệt hoàn toàn tổng thống”. Theo ông, nếu ủy ban không có đủ bằng chứng để chứng minh cho sự hoài nghi của mình thì các “lực lượng lớn ở đất nước này - những lực lượng có nhiều ảnh hưởng, kiểm soát hầu hết các tờ báo và ủng hộ tổng thống, sẽ không bỏ qua cơ hội làm mất uy tín hoàn toàn ủy ban này”.

Có cùng mối quan ngại, thượng nghị sĩ Mike Mansfield nói: “Các bạn sẽ đưa cho những người vốn không quan tâm đến chuyện này một cơ hội để khai thác và thổi phồng mọi chuyện lên”. Còn thượng nghị sĩ William Fulbright lo ngại nếu các thượng nghị sĩ Mỹ không có tiếng nói trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì “chúng ta sẽ chỉ như một khúc ruột thừa vô giá trị của bộ máy chính quyền”. Chính ông Fulbright đã đề nghị thành lập một ủy ban điều tra về sự kiện vịnh Bắc bộ nhưng không thành công.

Sau khi tập tài liệu được công bố, ông Robert J. Hanyok, nhà sử học thuộc Cục An ninh quốc gia Mỹ, khẳng định: “Đã có những nghi ngờ nhưng chẳng ai muốn tiếp tục làm rõ chúng” có lẽ vì “họ cảm thấy đã đi quá xa”. Còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đương nhiệm, ông John Kerry cũng tỏ ra bất ngờ về những tài liệu mới được công bố này. Ông nói thật khó có thể tin được nhiều “cây đại thụ” trong Thượng viện thời đó lại phải khổ sở và có các cuộc tranh luận mệt mỏi tới vậy về cuộc chiến tại Việt Nam với tất cả những điều phức tạp của nó.

Theo bản báo cáo “Spartans in Darkness” (chiến binh trong bóng tối) dài 500 trang của Hiệp hội Khoa học Mỹ: “Thông tin giải mật cho thấy không những không đúng như Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara tuyên bố với Quốc hội Mỹ, rằng bằng chứng của vụ tấn công là không thể chối cãi, mà trái lại các thông tin tình báo đã chứng minh không có bất kỳ vụ tấn công nào xảy ra trong đêm đó”. Vụ tấn công “đêm đó” là cái đêm mà Mỹ viện cớ 3 tàu phóng ngư lôi của Bắc Việt Nam tấn công tàu khu trục USS Maddox của Mỹ trên vịnh Bắc bộ ngày 4-8-1964, để từ cái cớ ấy Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã thuyết phục quốc hội leo thang chiến tranh Việt Nam.

Không được quên sai lầm

Theo trang mạng History News Network, sự kiện vịnh Bắc bộ không phải là bịa đặt duy nhất của Chính phủ Mỹ để leo thang chiến tranh. Tổng thống Mỹ George W. Bush hồi năm 2003 đã chẳng dùng cái cớ là Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công nước này, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein đó sao.

Bằng cái cớ này, ông Bush cho là an ninh nước Mỹ “ bị đe dọa” để thuyết phục cử tri ủng hộ cuộc chiến. Về vấn đề này, quan sát viên Alexey Lensov viết trên trang web của Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hòa đàm Paris và là Trưởng đoàn tiếp xúc bí mật Mỹ – Việt, người được trao giải thưởng Nobel Hòa bình, rằng: “Ai quên đi sai lầm của mình sẽ không tránh khỏi sự lặp lại”. Người đại diện của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại các cuộc thương lượng với Henry Kisinger, trước lễ ký kết Hiệp định Paris về đình chiến ở Việt Nam, đã trả lời như vậy khi nhân vật đối thoại người Mỹ đề nghị hai nước quên đi mọi chuyện cũ và bắt đầu mối quan hệ từ trang giấy trắng.

Tàu Maddox của Mỹ nổ súng tấn công vào nước ta ngày 5-8-1968.

Tàu Maddox của Mỹ nổ súng tấn công vào nước ta ngày 5-8-1968.

“Tìm cách quên lãng quá khứ là những ai cảm thấy đó điều bất lợi cho mình”, ông Alexey Lensov nhận xét. Có thể thấy, không hề thừa khi chúng ta nhắc nhở cho các thế hệ trẻ về những điều bị quên lãng. Cả về nguyên nhân sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam, cũng như lý do khởi đầu sự xâm lược của Mỹ. Cụ thể, về sự kiện vịnh Bắc bộ mà Mỹ đã sử dụng như lý lẽ để khai màn cuộc chiến tranh trên không chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 3-1968, Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ đã điều tra đầy đủ sự kiện vịnh Bắc bộ và kết luận, sự kiện này được “sáng tác từ đầu đến cuối”. Những bằng chứng mới khẳng định điều này nằm trong các tài liệu thời chiến tranh Việt Nam, vừa được Ủy ban Quan hệ quốc tế Thượng nghị viện Mỹ giải mật vào trung tuần tháng 7-2010.

Ông Alexey Lensov kết luận: Mỹ cần tới sự kiện vịnh Bắc bộ như một lý do để tuyên chiến. Trong lịch sử thế giới đây không phải là trường hợp đầu tiên. Theo ý kiến của một số chuyên viên, sự hy sinh bí ẩn của tàu tuần tra Hàn Quốc Cheonan cách đây không lâu cũng nằm trong số này.

Nhà sử học Makxim Siunenberg người Mátxcơva, chuyên viên về nghiên cứu các mối quan hệ Việt Nam và Mỹ những năm 1950 - 1970 nói: “Ngay từ đầu, sự trung thực của cái gọi là sự kiện vịnh Bắc bộ đã gây nên nhiều hoài nghi chính tại Mỹ cũng như từ các hạ nghị sĩ Mỹ. Vào đầu năm 1968, các tạp chí Esquire và Times đã đăng những tài liệu vạch trần toàn bộ sự dối trá trong nội dung giả thiết chính thức của Mỹ về sự kiện này”.

Cả hai ngày 2 và ngày 4-8-1964, không một tàu khu trục nào của Mỹ đã bị trúng ngư lôi. Sau đó, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara thông báo vào tháng 2-1968, các tàu khu trục Mỹ đã có mặt tại vịnh Bắc bộ với mục đích “khiêu khích hoạt động của các thiết bị radar Bắc Việt Nam, nhằm ghi lại tần số các radar này”.

“Toàn bộ những hành động trên là đáng ngờ” - thuyền trưởng John Gerric, người nắm quyền điều khiển linh hoạt cả hai tàu khu trục, đã thông báo như vậy với ban chỉ huy hải quân Mỹ ngày 5-8. Ông tỏ ra nghi ngờ sự đúng đắn các chỉ số của thiết bị định vị âm thanh trên khu trục hạm.

“Tôi tin rằng, đây chỉ là những thông số ghi lại tiếng ầm của động cơ hai tàu khu trục”, ông tuyên bố như vậy. Bản thân thuyền trưởng Gerbert Ogayer của tàu Maddox đã cho biết, tàu của ông không hề bị tấn công. Ông thú nhận đã nhầm tiếng ồn của động cơ tàu mình với tiếng ồn của tàu phóng ngư lôi. Thuyền trưởng Bartnhart của Turner Joy cũng phủ nhận là khu trục hạm bị tấn công. Trung úy Connell, sĩ quan pháo trên tàu Maddox, nói: “Chúng tôi đã nã pháo loạn xạ. Không có một mục tiêu nào trên màn hình radar. Các máy bay được điều động từ hàng không mẫu hạm cũng không phát hiện thấy đối phương”.

VŨ MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục