Căn phòng Hổ phách bây giờ ở đâu?

Sự biến mất bí ẩn
Căn phòng Hổ phách bây giờ ở đâu?

Ngày 18-7, hãng tin Nga RIA-Novosti đưa tin các chuyên gia tìm thấy trong những mái vòm bí mật của pháo đài cũ kỹ Konigsberg ở Kaliningrad là một mảnh kim loại có khắc chữ Đức “những kho báu Hổ phách” từng được dùng để đóng lên các thùng gỗ lưu giữ hổ phách mà quân Đức đã để tại lâu đài trong chiến tranh. Đài truyền hình địa phương phỏng đoán, có thể mảnh kim loại này đã bị rơi trong lúc quân Đức chuyển các thùng gỗ đi qua hầm mộ của lâu đài. Avenir Ovsyanov, một chuyên gia khảo cổ chuyên về bảo tồn văn hóa vùng Kaliningrad nói rằng ông hy vọng trong lúc dọn dẹp đống đổ nát họ sẽ tìm thấy thêm những chi tiết có thể dẫn đến việc phát hiện ra nơi mà kho báu hổ phách đã từng được lưu giữ hoặc có thể hiện nay chúng vẫn được chôn đâu đó bên dưới lâu đài.

Sự biến mất bí ẩn

Căn phòng Hổ phách nguyên bản trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Căn phòng Hổ phách nguyên bản trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

Các nhà nghiên cứu Nga mới đây đã tìm thấy một vài đồ vật củng cố thêm cho giả thuyết rằng căn phòng Hổ phách nổi tiếng có thể đã bị chôn đâu đó bên dưới thành phố Kaliningrad của Nga do bom đạn đã san bằng nó trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Căn phòng Hổ phách là món quà của vua Phổ Friedrich Wilhelm I tặng cho Nga hoàng Peter Đại đế của Nga vào năm 1716 và nó đã bị phát xít Đức cướp năm 1941 rồi sau đó biến mất một cách bí ẩn. Và cuộc truy tìm căn phòng này trở thành cuộc truy tìm kho báu lớn nhất thế giới.

Một góc bản sao căn phòng Hổ phách hiện đặt tại viện bảo tàng Tsarskoye Selo.
Một góc bản sao căn phòng Hổ phách hiện đặt tại viện bảo tàng Tsarskoye Selo.

Căn phòng Hổ phách nặng 16 tấn, và từng được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, được trang trí hoàn toàn bằng những bức tường hổ phách, gương và đá quý. Căn phòng Hổ phách được đặt trong Cung điện Catherine (tên của hoàng hậu của Nga hoàng Peter Đại đế) nằm ở ngoại ô Leningrad (nay là Saint Petersburg).

Năm 1941, Đức quốc xã chiếm đóng thành phố Leningrad và chúng đã tháo dỡ toàn bộ căn phòng, đóng gói đưa về lâu đài Konigsberg ở Kaliningrad, nơi mà Đức quốc xã cũng đang chiếm đóng. Chúng đã lập hẳn một viện bảo tàng trong tòa lâu đài ấy để trưng bày kho báu ở đó.  Nhưng căn phòng này bỗng dưng biến mất hoàn toàn không để lại dấu vết gì từ khi kết thúc chiến tranh vào năm 1945.

Chỉ có hai chi tiết nhỏ của họa tiết trang trí căn phòng ấy sau đó tình cờ được tìm thấy ở Đức và được hoàn trả về cho Nga vào tháng 4-2000. Đó là một bức tranh ghép bằng các viên pha lê màu và chiếc tủ nhỏ. Nhưng các chuyên gia cho rằng những chi tiết này đã bị đánh cắp và đưa về Đức trước khi cả kho báu được mang về Kaliningrad.

Năm 1979, ở viện bảo tàng Tsarskoye Selo trong Cung điện Catherine, ngoại ô Saint Petersburg các nhà phục hồi di sản Nga đã xây dựng một bản sao giống như thật của căn phòng này theo những bức ảnh còn lưu giữ. Toàn bộ chi phí thực hiện do tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và Ruhrgas của Đức tài trợ. Năm 2003 căn phòng này được chính Tổng thống Nga lúc bấy giờ, ông V.Putin và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cắt băng khánh thành. 

Câu chuyện về sự biến mất bí ẩn của căn phòng này đã được thêu dệt bằng nhiều giả thuyết. Phía Nga cho rằng quân Đức đã kịp chôn giấu kho báu ở Kaliningrad hoặc đưa nó ra khỏi Nga trước khi Hồng quân Liên Xô chiếm lại thành phố này, hoặc trong chiến tranh thành phố bị phá hủy hoàn toàn có thể cả kho báu cũng bị phá hủy.

Một quyển sách từng xuất bản ở Anh lại đưa ra một giả thuyết khác đổ lỗi cho Hồng quân Liên Xô trong vụ mất tích này. Theo sách, năm 1946, ông Anotoly Kuchumov, người bảo quản Cung điện mùa Hè ở Saint Peterburg đã được cử đến Kaliningrad để điều tra về căn phòng trên. Trong quyển sách các chuyên gia Anh đã viết rằng năm 1945 quân Đức không kịp chuyển kho báu về bang Saxony của Đức như kế hoạch và chính Hồng quân Liên Xô đã đốt trụi kho báu mà không hề biết khi họ chiếm lại thành phố Kaliningrad. 

Nhưng ông Leonid Arinshtein, cố vấn của chủ tịch Quỹ Văn hóa Nga đã bác bỏ giả thuyết trên. Ông viết một bức thư gửi đến hãng tin RIA-Novosti của Nga kể rằng ông đã đến thành phố vào ngày 8-4-1945, trước khi có hỏa hoạn ở trong thành phố. Và ông tin rằng ông là một trong những người cuối cùng nhìn thấy kho báu, cũng theo ông thực tế đó chỉ là một phần còn lại.

“Đúng là tòa lâu đài đã bốc cháy 2-3 ngày liền trước khi Hồng quân chiếm hoàn toàn thành phố. Và cũng đúng là những bức tường hổ phách được bảo quản trong những thùng gỗ đặt bên dưới tầng hầm của lâu đài. Một người Đức giữ kho đã nói với tôi vào ngày 8-4-1945”. Ông  Leonid Arinshtein viết thế. Ông khẳng định kho báu đã bị tiêu hủy trong vụ cháy đó nhưng không phải Hồng quân đã đốt nó mà chính là do các máy bay ném bom của quân Anh và Mỹ đã đốt cháy những cánh rừng ở ngoại ô Kaliningrad. Trước đó, Hồng quân đã phải chiến đấu ròng rã 3 tháng trời ở vùng Đông Phổ và bị thiệt hại rất lớn nên không thể dập tắt được đám cháy. Theo ông thì vụ cháy đó đã lan vào trung tâm thành phố và thiêu hủy tòa lâu đài cùng kho báu.

Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích gay gắt các tác giả quyển sách và cho rằng đó là âm mưu hòng viết lại lịch sử, đổ tội cho nhân dân Liên Xô trong việc phá hủy những kiệt tác văn hóa của nhân loại.

Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục

Có thể nói cho đến giờ, các nhà khảo cổ học của Nga lẫn Đức vẫn không ngừng tìm kiếm tông tích của căn phòng này. Và đã có hơn 100 giả thuyết về sự mất tích bí ẩn cũng như dấu tích của căn phòng huyền thoại này. Cứ vài năm, thông tin về căn phòng lại rộ lên khi người ta có thêm phát hiện mới. Rất tiếc những thông tin ấy chỉ là vài “mảnh nhỏ”, chứ không mang lại cơ sở gì to tát nhằm giúp tìm ra nó.

Alfred Rohde, người Đức, giám đốc viện bảo tàng của lâu đài Kưnigsberg, người phụ trách vật báu này ở Kưnigsberg và cũng là người có thể cho biết căn phòng Hổ phách đã biến mất đi đâu thì đã qua đời cùng với vợ của ông ngay trong năm 1945. Người bác sĩ viết giấy khai tử cho vợ chồng Rohde (chết vì bệnh thương hàn) thì đã biến mất. Chính vì thế mà có nhiều lời đồn đãi là cái chết của Rohde có nhiều bí ẩn.

Theo nhiều bài tường thuật thì Erich Koch nguyên là lãnh đạo đảng bộ Đảng Đức Quốc Xã của tỉnh Kưnigsberg (tên gọi của Kaliningrad dưới thời Đức quốc xã), đã cho mang căn phòng Hổ phách cùng với nhiều báu vật nghệ thuật khác đã được mang ra khỏi Kưnigsberg. Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Erich Koch bị bắt giam trong nhà tù Ba Lan và bị tuyên án tử hình. Thế nhưng bản án này không được thi hành vì Chính phủ Liên Xô muốn khai thác những hiểu biết của ông ta về căn phòng Hổ phách kia. Nhưng những lời khai của Erich Koch rất lộn xộn lúc thì ông ta khai nó ở chỗ này lúc thì chỗ khác nên cũng không giúp người ta tìm ra căn phòng này. Cũng có ý kiến cho rằng ông ta cố tình đánh lừa mọi người về những hiểu biết của mình về kho báu nhằm cứu lấy mạng sống của ông ta.

***

Vào năm 2008, báo Tấm Gương của Đức đưa tin món quà vua Phổ tặng Sa hoàng có thể đang được các nhà săn kho báu phát hiện ở bên dưới lòng đất gần biên giới Đức với CH Czech. Báo Tấm Gương nói rằng những tay săn kho báu đã phát hiện những mảnh vàng được cho là thuộc căn phòng Hổ phách nằm trong một cái hang động nhân tạo sâu khoảng 20m dưới làng Deutschneudorf. Trưởng làng còn nói ông chắc chắn đến 90% đã tìm ra căn phòng quý giá đó và nó có thể là một phần của những căn phòng xây như mê cung mà phát xít Đức đã dùng để cất giữ những kho báu cướp được trong chiến tranh. Nhưng việc tìm ra kho báu có lẽ rất khó khăn bởi họ sẽ phải dùng thuốc nổ vì mê cung được xây trong lòng một mỏ đồng và bạc.

Bộ Văn hóa Nga ngay lập tức lên tiếng yêu cầu nếu như căn phòng được phát hiện thì nó phải được trả về cho Nga vì đó là tài sản của nước Nga đã từng bị phát xít Đức cướp đi. Để bảo vệ lập luận của mình Nga cho biết chính Nga đã trao trả nhiều di sản của Đức mà Hồng quân đã mang về nước sau năm 1945. Nhưng ông Mikhail Shvydkoy, người đứng đầu cơ quan bảo tồn văn hóa Nga nói ông nghi ngờ việc có người đã tìm ra kho báu bởi vì hổ phách là nhựa thông hóa thạch thường mục nát khi ở trong bóng tối quá lâu.

Bà Tatiana Zharkova, thư ký báo chí của viện bảo tàng Tsarskoye Selo, nơi có bản sao của căn phòng Hổ phách cũng loại bỏ khả năng căn phòng được tìm thấy vì bà cho rằng theo thiết kế căn phòng không hề có một gram vàng nào, những thanh kim loại quý được dùng trong cấu trúc của nó cũng không phải là vàng.

Căn phòng Hổ phách rộng 55m² được kiến trúc sư người Đức Andreas Schluter thiết kế khi ông đang trùng tu Lâu đài thành phố Berlin. Ông cũng được cho là người đầu tiên trong lịch sử dùng hổ phách trong trang trí nội thất. Tiếng đồn về căn phòng Hổ phách đến tai Peter Đại đế và ông ước muốn có căn phòng này để trang trí ở viện bảo tàng Kunstkamera của mình bằng mọi giá. Sau khi vua Phổ tặng ông món quà vô giá này, ông đã đặt căn phòng tại Cung điện Catherine như món quà cho người vợ yêu quý của mình.

Căn phòng đã được trùng tu 5 lần, lần đầu tiên vào năm 1770 theo lệnh của Nữ hoàng Catherine. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô đã không sơ tán căn phòng này mà chỉ che phủ bằng giấy carton. Tuy nhiên nó không hề bị bom đạn phá hủy cho đến khi bị quân Đức cướp đi.

Những dấu tích mới tìm thấy ở Kaliningrad mở ra hy vọng rất lớn cho các nhà nghiên cứu lịch sử. Nó cũng khẳng định giả thuyết của Nga là căn phòng vẫn còn nằm đâu đó bên dưới thành phố Kaliningrad và quân Đức chưa kịp chuyển nó ra khỏi Nga. Dù căn phòng không phải là di sản thời cổ đại nhưng mang giá trị lịch sử rất lớn, đặc biệt đánh dấu mối quan hệ thân thiết giữa người Nga và người Đức từ những thế kỷ trước.

VIỆT KHOA (Theo RIA-Novosti)

Tin cùng chuyên mục