Nhà lãnh đạo Kim Jong-il và chương trình hạt nhân gây tranh cãi

Tham gia chính trị từ nhỏ
Nhà lãnh đạo Kim Jong-il và chương trình hạt nhân gây tranh cãi

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il vừa qua đời ngày 17-12 sau một cơn đau tim. Suốt 17 năm cầm quyền, ông được thế giới chú ý nhiều nhờ những nỗ lực giải quyết khủng hoảng lương thực trong nước cũng như những vụ căng thẳng giữa Triều Tiên với phương Tây và đồng minh liên quan đến vấn đề hạt nhân.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và con trai Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và con trai Kim Jong-un.

Tham gia chính trị từ nhỏ

Theo tài liệu của Liên Xô để lại, nhà lãnh đạo Kim Jong-il sinh ra tại làng Vyatskoye, gần Khabarovsk vào ngày 16-2-1941. Đây là nơi cha ông, Chủ tịch Kim Nhật Thành chỉ huy tiểu đoàn số 1 gồm các binh sĩ tình nguyện Triều Tiên và Trung Quốc. Tiểu đoàn này thuộc lữ đoàn số 88 Hồng quân Liên Xô. Thế nhưng, theo tiểu sử chính thức thì nhà lãnh đạo này chào đời ngày 16-2-1942 tại một trại quân sự mật ở núi Baekdu thuộc khu vực Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên. Sử sách CHDCND Triều Tiên ghi rằng, ông được sinh ra trong một túp lều và khi ông ra đời, trên bầu trời hiện ra chiếc cầu vồng rực rỡ cùng một ngôi sao chói sáng.

Năm 1945, thế chiến thứ hai kết thúc, chế độ phát xít Nhật sụp đổ tại Triều Tiên. Chủ tịch Kim Nhật Thành trở về Bình Nhưỡng vào tháng 9-1945 và đến cuối tháng 11, Kim Jong-il được đưa về Triều Tiên trên tàu của Nga. Gia đình của ông sống trong một tòa nhà từng là văn phòng của quân Nhật Bản.

Kim Jong-il đã tham gia vào các hoạt động chính trị, trong đó có Liên minh trẻ em và Đoàn Thanh niên dân chủ, tham gia các nhóm nghiên cứu học thuyết Mác Lênin và văn chương. Vì vậy, đến năm 16 tuổi, ông trở thành phó bí thư Đoàn Thanh niên dân chủ của trường.

Ông theo chương trình chống chủ nghĩa bè phái, đồng thời nỗ lực tham gia chương trình giáo dục lý tưởng cho các bạn trong trường. Theo một số tài liệu được Wikipedia công bố, nhà lãnh đạo Kim Jong-il cũng từng học khoa Anh ngữ Trường Đại học Malta đầu những năm 1970 trong các dịp nghỉ hè tại đây theo lời mời của Thủ tướng Malta Dom Mintoff.   

Sự nghiệp lãnh đạo

Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng Lao động Triều Tiên năm 1980, nhà lãnh đạo Kim Jong-il được bầu vào Bộ Chính trị, Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân ủy) và giữ chức Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Đến năm 1982, ông được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhân dân Triều Tiên.

Thời gian này, ông được gọi là “Lãnh đạo kính mến” bên cạnh “Lãnh đạo vĩ đại” Kim Nhật Thành. Lúc này, người dân CHDCND Triều Tiên xem ông là nhà lãnh đạo tương lai của họ. Ngày 24-12-1991, ông được bầu làm tư lệnh các lực lượng vũ trang Triều Tiên và kể từ năm 1992, Chủ tịch Kim Nhật Thành công khai cho biết con trai ông đã đảm nhiệm tất cả các vấn đề quốc nội của CHDCND Triều Tiên.

Đến năm 1992, truyền thanh nhà nước Triều Tiên bắt đầu gọi ông Kim Jong-il là “Người cha kính mến” thay cho “Lãnh đạo kính mến”. Ngày 9-4-1993 ông được bầu giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ngày 8-7-1994, Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời. Nhưng đến ngày 8-10-1997, ông Kim Jong-il mới chính thức đảm nhiệm chức vụ Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên. Năm 1998, Thường vụ Quốc hội Nhân dân Triều Tiên ra nghị quyết gọi Chủ tịch Kim Nhật Thành là “Chủ tịch suốt đời”, vì thế Kim Jong-il được gọi là nhà lãnh đạo cho dù ông nắm chức vụ cao nhất trong đảng và trong quân đội (hiện là quân đội lớn thứ tư thế giới về mặt quân số với 1,1 triệu quân). Từ năm 1993 đến khi mất, ngoài vị trí đứng đầu Đảng Lao động Triều Tiên, quân đội, ông liên tục được bầu vào các khóa của Quốc hội nhân dân Triều Tiên.

Căng thẳng vì hạt nhân

Ông Kim Jong-il tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước đúng vào giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế, khi đối tác thương mại chính là Liên Xô đã tan vỡ. Hoạt động ngoại thương của Triều Tiên gần như không còn gì và nước này lâm vào cảnh cạn kiệt nhiên liệu cho các nhà máy. Thảm họa thiên nhiên cũng liên tiếp tàn phá mùa màng của Triều Tiên khiến hàng trăm ngàn người dân bị thiếu ăn. Chính ông Kim đã nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp, đặc biệt từ nước láng giềng Trung Quốc. Cố gắng này được phản ánh qua nhiều chuyến thăm Trung Quốc cho đến tận những năm cuối đời của ông. Đặc biệt, hai chuyến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải năm 2000 và 2001 của ông đã dẫn tới việc Triều Tiên bắt đầu cho phép doanh nghiệp tư nhân ra đời trên quy mô nhỏ.

Sự nghiệp lãnh đạo của ông Kim cũng gắn liền với các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân gây chấn động. Năm 1993, ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa tầm trung Rodong-1. Đến năm 1994, Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và bắt đầu tiến trình làm giàu uranium.

Năm 1994, Mỹ và CHDCND Triều Tiên ký kết “thỏa thuận khung”, theo đó CHDCND Triều Tiên chấp nhận giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lại sẽ nhận viện trợ 2 lò phản ứng hạt nhân phát điện. Đây có thể xem là bước đi đột phá trong quan hệ Mỹ-CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, đến năm 2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush cáo buộc CHDCND Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân dẫn đến việc nhà lãnh đạo Kim Jong-il tuyên bố CHDCND Triều Tiên có quyền sỡ hữu vũ khí hạt nhân vì nước này cho rằng, đó là cần thiết để đối trọng với vũ khí hạt nhân của Mỹ đặt tại Hàn Quốc.

Năm 2003, Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên của IAEA, một lần nữa tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vì cho rằng đã không nhận được lò phản ứng hạt nhân phát điện như Mỹ cam kết. Từ tháng 8-2003 đến tháng 9-2007, CHDCND Triều Tiên tham gia đàm phán 6 bên (cùng với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản) về vấn đề hạt nhân. Từ đó đến nay, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi đàm phán 6 bên.  

CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm hàng loạt tên lửa từ năm 1993 đến năm 2009 và đặc biệt là 2 vụ thử vũ khí hạt nhân vào ngày 9-10-2006 và 25-5-2009. Các vụ thử nghiệm này gây lo ngại đặc biệt với Hàn Quốc, Nhật Bản, những nước láng giềng của CHDCND Triều Tiên. Hai miền Triều Tiên cũng đã có nhiều vụ chạm súng trên vùng biển Hoàng Hải giáp ranh hai nước. Đỉnh điểm căng thẳng gần đây nhất là vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc vào ngày 26-3-2010 gần đảo Baengyeong trên biển Hoàng Hải. Tàu chở 104 thủy thủ, trong đó có 46 thủy thủ thiệt mạng. Phía Hàn Quốc cho rằng nguyên nhân tàu chìm là do ngư lôi của CHDCND Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng đã cực lực bác bỏ. Kéo theo vụ này, hàng loạt các cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc cũng đưa đến các tuyên bố căng thẳng từ CHDCND Triều Tiên.

Điểm sáng trong quan hệ CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc

Với “Chính sách Ánh dương”, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã tới Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ ngày 13 đến 15-6-2000. Hai bên đã ký tuyên bố chung lịch sử. Cuộc gặp này đã giúp hai nhà lãnh đạo cùng được trao giải Nobel Hòa bình. Đến tháng 8-2000, sau hơn 50 năm xa cách, những thân nhân các gia đình Triều Tiên ly tán trong chiến tranh được đoàn tụ.

Ngoài ra, khu công nghiệp chung giữa hai miền Triều Tiên mang tên Kaesong nằm trong lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên đi vào hoạt động. Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra từ ngày 2 đến 4-10-2007. Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Roh Moo-hyun đã tới Bình Nhưỡng đàm phán với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il. Hai bên đã ký tuyên bố hòa bình, kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán quốc tế nhằm thay thế hiệp định ngừng bắn trên bán đảo Triều Tiên bằng hiệp ước hòa bình.

Khánh Minh tổng hợp

Tin cùng chuyên mục