Nhận diện tên tội phạm Đức quốc xã tàn độc

Nhận diện tên tội phạm Đức quốc xã tàn độc

Ngày 17-7, các phương tiện truyền thông trên thế giới đồng loạt đưa tin về tung tích của Ladislaus Csizsik-Csatary, cựu sĩ quan của Đức quốc xã bị truy nã gắt gao nhất thế giới hiện nay, chính thức được nhận dạng đang sống an nhàn ở Hungary. Viên cựu sĩ quan phát xít này bị cáo buộc chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 15.700 người Do Thái tại “trại tử thần” Auschwitz trong những năm cuối cùng của Thế chiến 2.

  • Cuộc truy lùng nhiều thập kỷ

Khi cuộc chiến tàn khốc kết thúc, Csatary đã trốn khỏi châu Âu. Y bị Tòa án Tiệp Khắc (giờ là hai nước Cộng hòa Czech và Slovakia) xử tử hình vắng mặt vào năm 1948 vì những tội ác gây ra khi còn là chỉ huy chịu trách nhiệm canh giữ trại tập trung Do Thái vào năm 1941 ở TP Kosice của Slovakia. Csatary nổi tiếng tàn bạo, có thú vui đánh đập các phụ nữ Do Thái bằng roi da và ép buộc họ phải đào mương bằng đôi tay trần. Mùa xuân năm 1944, y đã ra lệnh trục xuất hàng ngàn người Do Thái từ Kassa đến trại tập trung Auschwitz.

Csatary (phải) khi còn là tay sai của Đức Quốc xã.

Csatary (phải) khi còn là tay sai của Đức Quốc xã.

Vào tháng 9-2011, từ thông tin của Trung tâm Simon Wiesenthal - tổ chức chuyên truy tìm tội phạm Đức quốc xã ở Jerusalem (Israel) về Ladislaus Csizsik-Csatary, thời điểm ấy đã 96 tuổi, phóng viên báo The Sun (Anh) đã đến tận nơi ông ta sống là một căn hộ thuộc khu dân cư cao cấp ở thủ đô Budapest của Hungary để điều tra. Điều đáng nói là y đã sống ở đó hơn 17 năm dưới họ tên thật của mình.

Dấu vết cuối cùng giúp các nhân viên tìm ra Csatary là ở hai TP Montreal và Toronto của Canada dưới nhân thân là tay lái buôn các tác phẩm nghệ thuật. Sau khi bị phát hiện và bị buộc tội y vào năm 1995, đến năm 1997, nhà chức trách Canada đã tước quốc tịch của Csatary và chuẩn bị hồ sơ trục xuất. Thế nhưng, ông ta đã kịp trốn đi trước khi thủ tục tố tụng hoàn tất. Trước khi trốn, ông ta có thừa nhận với các nhà điều tra Canada rằng có tham dự vào các vụ thanh trừng người Do Thái nhưng khẳng định với vai trò “rất hạn chế”.

Csatary trên bìa tờ The Sun (Anh).

Csatary trên bìa tờ The Sun (Anh).


Trong danh sách tội phạm Đức quốc xã bị truy tìm còn có cả cựu sĩ quan phát xít người Hungary Karoly Zentai, bị tố cáo bắt giam người Do Thái ở Budapest năm 1944 và tỵ nạn ở Australia từ 60 năm nay, nơi ông ta đã được nhập quốc tịch. Năm 2005, Hungary đã yêu cầu dẫn độ nhưng từ đó đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Theo FranceTV, để chạy đua với thời gian trước khi Csatary chết vì tuổi già, các nhà chức trách đã kết hợp nhiều kênh thông tin khác nhau để truy lùng Csatary. Trong đó, quan trọng nhất là mạng lưới thông tin tình báo đặc biệt liên châu lục Mỹ - Âu. Chiến dịch mang tên “Chiến dịch của cơ hội cuối cùng” được Trung tâm Wiasenthal tung ra từ năm 2002. Đây là dự án chung với Quỹ Targum Shlishi ở Miami, Mỹ. Một trang web riêng về chiến dịch cũng được thiết lập với mục tiêu chính là giúp các chính phủ châu Âu, Mỹ La tinh và Mỹ đưa các tội phạm Đức quốc xã ra xét xử. Bất cứ ai cung cấp thông tin giúp tìm ra những tội phạm còn lẩn trốn đều được khen thưởng. Trong trường hợp Csatary, phần thưởng cho người cung cấp thông tin về y là 25.000 USD.

Các nhà sử học nhận định việc tìm ra Csatary quả là kỳ tích vì những sĩ quan Đức quốc xã trẻ nhất thì năm nay cũng khoảng 92 tuổi (20 là độ tuổi bắt buộc để trở thành sĩ quan phát xít), nên không mấy ai còn sống hoặc có thể dễ dàng nhận dạng. Và cho dù có tìm ra, thì không phải chính phủ nào cũng sẵn sàng hợp tác cho phép dẫn độ tội phạm. Giống như trường hợp của Csatary, dù đã có thông tin từ trung tâm trên từ năm 2011, nhưng đến nay Chính phủ Hungary dường như không có bất cứ động thái nào.
Ngôi nhà Csatary sống yên ổn trong 17 năm tại Budapest.

Ngôi nhà Csatary sống yên ổn trong 17 năm tại Budapest.

  • Sức ép Hungary kết án Csatary

Sau khi tờ The Sun công bố thông tin trên, các nhà vận động truy tìm tội ác chiến tranh đã kêu gọi các công tố viên Hungary bắt ngay Csatary để buộc ông ta phải đối mặt với công lý. Chủ tịch Hội Người Hungary gốc Do Thái Peter Feldmajer nhấn mạnh: “Hàng ngàn gia đình người Do Thái đã đau khổ vì kẻ này. Nếu như ông ta thoát khỏi bàn tay công lý, đó sẽ là điều hổ thẹn cho cả dân tộc Hungary”.

Viện phó Viện Công tố Hungary, tiến sĩ Jeno Varga, chỉ khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục điều tra. Các công tố viên đang nghiên cứu thông tin được cung cấp”.

Tờ Daily Telegraph trích dẫn các nguồn tin cho rằng cuộc điều tra cần phải mất thời gian dài do tội ác đã xảy ra 68 năm trước và ở một khu vực nay chịu sự quản lý của một quốc gia khác. Điều này đã làm những nhà săn tìm tội phạm Đức quốc xã rất thất vọng. Giám đốc Trung tâm Simon Wiesenthal, ông Efraim Zuroff, tức giận nói: “Gã đàn ông này vẫn vô sự và tự lái ô tô được. Khi sức khỏe của Csatary có thể xấu đi từng ngày, chúng ta phải bắt ông ta đền tội”.

Áp lực tiếp tục đè nặng lên Hungary sau nhiều nước châu Âu đã lên tiếng yêu cầu Hungary phải hành động nhanh chóng để kết án Csatary trước khi ông ta qua đời vì nguyên nhân tự nhiên. Tối 16-7, Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã chính thức kêu gọi Hungary bắt giữ Csatary vì những gì ông ta gây ra.

Trung tâm Simon Wiesenthal là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1977 ở Los Angeles (Mỹ) do LHQ công nhận, có nhiệm vụ chuyên truy tìm tội phạm Đức quốc xã chạy trốn hoặc lưu đày.

Trung tâm này được đặt theo tên của kiến trúc sư người Áo Simon Wiesenthal, người đã dành cả đời để “săn” những tội phạm Đức quốc xã. Kể từ năm 1950, với sự trợ giúp của tổ chức này, hơn 6.500 tên Đức quốc xã đã bị truy tố. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục ngàn tên khác vẫn không được tìm thấy. Ngoài ra trung tâm này còn có nhiệm vụ giúp đỡ các gia đình nạn nhân Do Thái và nghiên cứu cũng như lưu trữ những tư liệu về các trại tập trung của Đức quốc xã nói riêng và sự tàn khốc của Thế chiến 2 nói chung.

Auschwitz là trại tập trung lớn nhất của Đức quốc xã, nằm ở Ba Lan, cách thủ đô Warsawa 286km. Năm 1990, Viện Bảo tàng quốc gia Auschwitz - Birkenau cho biết có khoảng 1,1 - 1,6 triệu người đã chết ở trại này, tương đương khoảng 90% số người Do Thái sống ở châu Âu.

(Theo Wikipedia)


 THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục