Người Trung Quốc nhập cư - Nỗi lo mới của Nga ở Viễn Đông

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, ngày 9-8, đã gióng hồi chuông cảnh báo tình trạng người nhập cư Trung Quốc thâm nhập khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga, đồng thời khẳng định Nga sẽ làm hết sức mình để tránh nguy cơ khu vực này rơi vào tay người nước ngoài.
Người Trung Quốc nhập cư - Nỗi lo mới của Nga ở Viễn Đông

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, ngày 9-8, đã gióng hồi chuông cảnh báo tình trạng người nhập cư Trung Quốc thâm nhập khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga, đồng thời khẳng định Nga sẽ làm hết sức mình để tránh nguy cơ khu vực này rơi vào tay người nước ngoài.

  • Nước chảy vào chỗ trũng

Trang web Chính phủ Nga dẫn phát biểu của Thủ tướng Medvedev trước các bộ trưởng có đoạn: “Mục tiêu bảo vệ vùng lãnh thổ Viễn Đông của chúng ta trước sự bành trướng của các nước láng giềng vẫn còn nguyên giá trị... Viễn Đông thật sự là khu vực xa xôi. Thật tiếc vì không có nhiều người sinh sống tại đó”.

Thủ tướng Medvedev khẳng định Chính phủ Nga sẽ hạn chế những dòng di dân quá mức đến những vùng dân cư thưa thớt ở khu vực Viễn Đông, cũng như nhiều vùng khác trên khắp nước Nga. Ông Medvedev cũng đã nhấn mạnh tới “tầm quan trọng của việc không cho phép hình thành những hình thức tiêu cực, như việc xuất hiện những vùng đất do công dân nước ngoài tạo ra” ở Viễn Đông.

Tại khu Viễn Đông, các bảng hiệu được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Nga và Hoa.

Tại khu Viễn Đông, các bảng hiệu được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Nga và Hoa.

Giới chức các địa phương tại Nga từ lâu đã bày tỏ quan ngại tình trạng sụt giảm dân số tại vùng Viễn Đông sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết có thể khiến khu vực này đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về địa chính trị vào một ngày nào đó.

Theo hãng tin Ria - Novosti của Nga, trong bài phát biểu ngày 9-8 mặc dù Thủ tướng Medvedev không chỉ rõ nước nào, nhưng ám chỉ “nước láng giềng” của ông Mevedev là nhằm vào Trung Quốc. Theo các ước tính của các chuyên gia độc lập, lượng người Trung Quốc nhập cư ở Nga, gồm cả người nhập cư bất hợp pháp, là khoảng 600.000 người, tập trung phần lớn ở Viễn Đông (năm 2000, chỉ có 350.000). Trong khi đó, một Trung Quốc đang khát tài nguyên, nằm ở phía Nam, có dân số hơn 1,3 tỷ người và lại đang tăng lên từng ngày.

Theo cuộc điều tra dân số năm 2002, vùng Viễn Đông có dân số 6,7 triệu người (hiện nay đang giảm dần) và họ lại đang có khuynh hướng di chuyển về phần lãnh thổ châu Âu của Nga để định cư. Với diện tích rất to lớn của vùng Viễn Đông, 6,7 triệu người ở đây có mật độ dân số chỉ hơn 1 người trên 1 km², khiến vùng Viễn Đông là một trong những nơi có dân cư thưa thớt nhất thế giới.

Chính phủ Nga đã thảo luận một loạt chương trình tái cấu trúc dân số để tránh suy giảm dân số (mà theo dự báo sẽ chỉ còn 4,5 triệu người vào năm 2015), hy vọng thu hút số dân cư Nga từ các quốc gia lân cận. Trong khi đó, mật độ dân cư tại khu vực phía Trung Quốc giáp với Nga đông gấp nhiều lần. Riêng dân cư của 2 tỉnh Trung Quốc giáp với khu vực Viễn Đông của Nga có tới 110 triệu người. Riêng số người Trung Quốc di dân từ Hắc Long Giang chiếm 80% số người lao động nhập cư ở các TP Vladivostok và Ussuriisk, Blagoveshchensk và Zabaikalsk của Nga. Hiện tượng này được các chuyên gia xem như nước chảy vào chỗ trũng.

Năm 2011, lãnh đạo Nga đồng ý triển khai chương trình hợp tác giữa khu vực Viễn Đông và vùng Đông Siberia với các địa phương của khu vực Đông Bắc Trung Quốc để đến năm 2018 biến khu vực này trở thành đối tác chiến lược. Nhưng theo Reuters, thực tế, các chương trình này là sự hợp tác khai thác các mỏ tại Nga, mà trong đó các nguyên liệu của Nga được chở sang Trung Quốc để chế biến thành phẩm. Người Trung Quốc đang khẩn trương xây dựng các trạm kiểm tra biên giới, cầu đường đến các mỏ ở khu vực giáp biên giới để hỗ trợ việc vận chuyển tài nguyên khai thác từ Nga.

Công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Viễn Đông.

Công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Viễn Đông.

  • Chính sách lấp đầy chỗ trũng

Chính phủ mới của Thủ tướng Medvedev được thành lập hồi tháng 5, lần đầu tiên đã lập Bộ Viễn Đông để thúc đẩy các chính sách của chính phủ đang được thực thi trong vùng. Một trong những chính sách đó là đưa 400 gia đình từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tới khu vực để tăng lượng dân số nói tiếng Nga.

Nga lo sợ sắp tới người Trung Quốc ở Viễn Đông sẽ đông hơn người Nga bản địa, như vậy người Trung Quốc sẽ dễ dàng áp đặt điều kiện, nội quy, điều lệ của mình cho người dân bản địa tại đây. Khi đã định cư lâu dài, họ có khả năng sẽ xin nhập quốc tịch, hưởng các chính sách phúc lợi xã hội của Nga... Nước Nga đứng trước nguy cơ chỉ còn sở hữu khu vực Siberia và Viễn Đông giàu tài nguyên trên danh nghĩa.

Trước viễn cảnh này, bên cạnh các chiến lược quân sự, Thủ tướng Medvedev cho biết các chính sách nhập cư của Nga đến năm 2050 đã được Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn, theo đó tập trung thu hút lao động nhập cư tạm thời nhưng không cho hội nhập vào xã hội Nga một cách dễ dãi. Theo chính sách này, những người thiểu số tại Nga phải hiểu văn hóa nước này và rằng lao động nhập cư phải trải qua các cuộc kiểm tra về tiếng Nga và lịch sử. Ông Putin cũng nói rằng giới chức nên được trao nhiều quyền hạn hơn để kiểm tra các kỹ năng nghề nghiệp của lao động nhập cư.

Theo Cơ quan Dịch vụ nhập cư Liên bang, Nga có hơn 10 triệu người nước ngoài ở Nga, trong đó có 17% là người nhập cư hợp pháp và ước tính khoảng 21% là lao động nhập cư bất hợp pháp, vào Nga không có mục đích lao động. Cơ quan này cũng đã đưa ra dự thảo luật theo đó phạt tù đến 5 năm đối với những hành động tổ chức nhập cư bất hợp pháp.

Theo ông Medvedev, Nga sẽ cải cách triệt để luật nhập cư, tập trung thu hút các chuyên gia có trình độ, như các nhà khoa học, doanh nhân, giáo viên… và không có khung thời gian cho việc cải cách. Ngoài ra, các chuyên gia còn kiến nghị bên cạnh chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng Viễn Đông, đưa người Nga đến khu vực ngày càng đông, Chính phủ Nga cũng nên dời các thủ phủ vùng miền đến vùng Viễn Đông.

Phát biểu ngày 9-8 của Thủ tướng Medvedev là một trong những bình luận mạnh mẽ nhất về những nghi ngờ của điện Kremlin trước làn sóng di dân của Trung Quốc ở Nga, đang đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền của Nga tại những vùng lãnh thổ xa xôi và thưa thớt dân cư như Siberia và Viễn Đông. Những ảnh hưởng của Trung Quốc tại những vùng này ngày càng tăng khi mà các bảng hiệu chỉ dẫn đường phố đều được thể hiện bằng hai ngôn ngữ: tiếng Nga và tiếng Hoa và trở thành nguồn gốc của mọi căng thẳng sắc tộc. 

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục