Nợ công châu Âu gây mâu thuẫn thế hệ

Hậu quả của bùng nổ dân số
Nợ công châu Âu gây mâu thuẫn thế hệ

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và nhiều quốc gia khác ở châu Âu đang phát sinh nhiều mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa người dân với các ngân hàng, giữa miền Bắc giàu có với phía Nam, giữa người giàu với người nghèo. Giờ đây, lại xuất hiện mâu thuẫn mới là giữa thế hệ trẻ và lớp người già.

Cuộc sống khó khăn khiến một số người trẻ Hy Lạp nghĩ rằng người lớn tuổi đang trở thành gánh nặng.

Cuộc sống khó khăn khiến một số người trẻ Hy Lạp nghĩ rằng người lớn tuổi đang trở thành gánh nặng.

Hậu quả của bùng nổ dân số

Trong khi tất cả những mâu thuẫn từ lâu đã được báo chí đề cập, mâu thuẫn thế hệ được xem là một trong những vấn đề lớn nhất của cuộc khủng hoảng nhưng lại hiếm khi được thảo luận. Giới trẻ nghĩ rằng người già đang sống nhờ công sức lao động của giới trẻ. Đó cũng là lý do vì sao người trẻ đã xuống đường để đối đầu với chính cha mẹ của họ. “Que se vayan todos” (Hãy tránh xa họ ra) trở thành một trong những khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình của  hàng chục ngàn người ở Tây Ban Nha. Những người biểu tình đều có một điểm chung: hầu hết họ đều trẻ và xem mình là nạn nhân của cuộc khủng hoảng. Nhiều người còn hô vang: “Tất cả những người già phải ra đi”.

Nói cho cùng, cuộc khủng hoảng đồng eur cũng là một cuộc xung đột giữa các thế hệ “bùng nổ em bé” trong hàng chục năm trước đây, nay những người này đang ở độ tuổi 50, 60. Đối với giới trẻ, những người này đang sống xa hoa từ chính mồ hôi của lớp trẻ đóng góp. Sự mất cân bằng trong tái phân phối thu nhập giữa các thế hệ  khá phổ biến ở châu Âu, nhất là ở Nam Âu. Trong một nghiên cứu năm 2011 về sự công bằng giữa các thế hệ tại 31 quốc gia do Quỹ Bertelsmann tiến hành, Hy Lạp đứng cuối cùng, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đứng lần lượt thứ 28, 24 và 22. Hiện nay, việc phân phối bất bình đẳng thu nhập đang xuất hiện ngày càng cao ở các nước này.

Sự sụp đổ thị trường lao động đã đẩy giới trẻ châu Âu vào cuộc sống khó khăn hơn nhiều so với thế hệ đi trước. Ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, hơn một nửa những người dưới 25 tuổi thất nghiệp, gấp hai lần tỷ lệ của công nhân lớn tuổi. Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn tại nhiều khu vực ở miền Nam Italia, nơi thanh thiếu niên thất nghiệp tăng trên 50%.  Theo luật lao động, người lớn tuổi ở Tây Ban Nha và Italia được pháp luật bảo vệ chặt chẽ nên họ khó bị sa thải. Tuy nhiên, gần một nửa giới trẻ người Italia và 60% người Tây Ban Nha trẻ tuổi đang làm việc bằng hợp đồng lao động tạm thời và họ có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào. Giới trẻ cũng chính là người phải gánh rủi ro từ các kế hoạch giải cứu đồng eur. Giới trẻ chứ không ai khác là những người phải trả những khoản nợ quốc gia từ các quỹ cứu trợ tài chính lên đến hàng trăm tỷ eur.

Ngân hàng và các chính trị gia không phải là những người duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng. Trong con mắt một số người trẻ, nhiều người từ các thế hệ lớn tuổi là những kẻ đồng lõa. Hầu hết các gia đình ở Hy Lạp có một thành viên hưởng lợi từ bộ máy nhà nước cồng kềnh. Bùng nổ dân số ở Tây Ban Nha đã dẫn đến tình trạng thế chấp hàng loạt, đẩy đất nước của họ vào cuộc khủng hoảng nợ. Tại Italia, các chính trị gia như Silvio Berlusconi đã được tái cử liên tục bởi thủ đoạn của họ dường như đáp ứng sự mong đợi của cử tri: người về hưu được hưởng quyền lợi cao nhất.

Vấn đề xã hội mới

Tuy suy nghĩ như thế nhưng xét về khía cạnh đạo đức, những người trẻ tuổi không thể đối xử cay đắng với đấng sinh thành đã nuôi dưỡng họ. Đó là chưa kể những nhà cải cách kinh tế muốn kích động thái độ giận dữ của giới trẻ để lấy lý do cắt giảm lương hưu của người già và tăng tuổi nghỉ hưu thêm vài năm. Gần đây, nhiều tờ báo đã bắt đầu lên tiếng về tình trạng này. Trong một bài báo của nhật báo Đức Die Tageszeitung, nhà văn Italia Leonardo Palmisano đã viết rằng cuộc tranh luận về vấn đề bảo vệ việc làm trong nước không đề cập đến sự bất hợp lý. Người trẻ tuổi có việc làm bấp bênh trong khi người lớn tuổi được các hợp đồng thường xuyên và trợ cấp hưu trí an toàn. Tuy nhiên, nhiều người già đang đau khổ dưới tác động của biện pháp thắt lưng buộc bụng quá mức. Để có được câu trả lời trung thực về cuộc khủng hoảng, nhiều nhà quan sát châu Âu còn cho rằng cần đặt dấu hỏi về trách nhiệm của thế hệ lớn tuổi. Theo tạp chí Spiegel, những xung đột thế hệ đang xảy ra tại Nam Âu chưa được giải quyết có thể xảy ra với nước Đức trong tương lai. Cách đây vài năm, Chính phủ Đức đã thông qua Luật Đảm bảo lương hưu nhằm ngăn chặn việc cắt giảm lợi ích của người cao tuổi, thậm chí có thể giảm lương của giới trẻ. Nhiều người lo rằng sẽ có phản ứng dữ dội từ giới hưởng lương hưu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thế nhưng, luật này đã khiến chính phủ phải tăng thêm chi tiêu lên 18 tỷ EUR, theo nghiên cứu của Viện Kiel. Trong khi đó, một phân tích gần đây trên tạp chí của Viện kinh tế IFO có trụ sở tại Munich đã cảnh báo rằng  phân phối thu nhập giữa các thế hệ ở Đức có nguy cơ sớm trở thành một vấn đề xã hội mới. Báo cáo khẳng định: Sự chênh lệch giữa những ưu đãi dành cho các thế hệ phải được thu hẹp, nếu không tiềm năng xung đột sẽ tăng lên.

Rõ ràng, với lý do phân công lao động và phân phối thu nhập bất hợp lý giữa các thế hệ, các nước châu Âu đang tìm hướng cải cách thị trường lao động qua việc thu nhỏ đặc quyền của người lớn tuổi. Tuy nhiên, giới trẻ châu Âu cũng phải cân nhắc các biện pháp cải cách hệ thống hưu trí vì chính họ có thể là nạn nhân trong nhiều năm sau.

Tại Mỹ, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tài sản hộ gia đình những người trên 65 tuổi đã tăng khoảng 42% kể từ năm 1984. Những người dưới 35 tuổi sở hữu số tài sản ít hơn 68% so với các đồng nghiệp của họ đã làm trong khoảng thời gian giữa những năm 1980. Tuy nhiên, giới trẻ Mỹ xuống đường không phải để phản đối thế hệ đi trước mà phản đối hệ thống kinh tế chính trị đã dẫn đến tình trạng bất công trong xã hội.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục