Gian lận để vào đại học Mỹ - Con đường thênh thang?

Hồi đầu tháng, trường đại học danh tiếng Harvard của Mỹ điều tra vụ gian lận thi cử gây rúng động dư luận. Vụ việc liên quan đến 125 thí sinh bị nghi ngờ trao đổi đáp án trong quá trình thi cử. Tuy chưa có kết luận cuối cùng về kết quả điều tra nhưng đây được cho là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Đại học Harvard.
Gian lận để vào đại học Mỹ - Con đường thênh thang?

Hồi đầu tháng, trường đại học danh tiếng Harvard của Mỹ điều tra vụ gian lận thi cử gây rúng động dư luận. Vụ việc liên quan đến 125 thí sinh bị nghi ngờ trao đổi đáp án trong quá trình thi cử. Tuy chưa có kết luận cuối cùng về kết quả điều tra nhưng đây được cho là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Đại học Harvard.

  • Gian lận tràn lan

Hãng tin Global Post của Mỹ có bài viết khá nhạy cảm “Người châu Á gian lận tràn lan để vào đại học Mỹ”. Bài viết khai thác khía cạnh tiêu cực từ nhóm người trẻ châu Á không có thực lực nhưng vì gia đình có điều kiện kinh tế tốt nên những vị phụ huynh sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn để con mình có tên trong danh sách sinh viên của một trường đại học danh giá.

Điểm đến của những cậu ấm, cô chiêu châu Á thường được chọn là Mỹ. Dù hiện nay xu hướng thế giới cho rằng đây là “thế kỷ châu Á” nhưng chính người châu Á, phần lớn là sinh viên ở Thượng Hải, Singapore hay Seoul (những nơi có số trường đại học hàng đầu thế giới ngày càng nhiều) lại chọn trời Tây để gửi con du học, chính là xuất phát từ nhu cầu học để có tấm bằng càng danh giá càng tốt.

Trong một lớp học thạc sĩ của đại học Harvard, sinh viên châu Á chiếm đa số.

Trong một lớp học thạc sĩ của đại học Harvard, sinh viên châu Á chiếm đa số.

Theo Global Post, con đường để một cô/cậu tú chạm ngõ một trường đại học Mỹ mà không dùng đến tài năng của mình là khá thênh thang. Các công ty môi giới chào mời những đối tượng này bằng những bài tiểu luận viết thuê bằng tiếng Anh chuẩn, cùng bộ học bạ được làm giả, kèm theo hàng loạt chứng chỉ, bằng khen… cũng không phải hàng thật. Bên cạnh đó là những sinh viên giỏi sẵn sàng được thuê để đi thi hộ trong kỳ thi SAT (kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh vào đại học 4 năm tại Mỹ).

Tại châu Á, nhất là ở Trung Quốc, một ngành thương mại cực kỳ sinh lời nổi lên như một hiện tượng xã hội, đó là môi giới nhập học. Tùy vào nhu cầu cụ thể của từng gia đình, đối tượng muốn nhập học mà giá cho dịch vụ này dao động từ 5.000 - 15.000 USD.

Theo tờ US News & World Report, nếu học sinh được chấp nhận vào một trong 10 trường hoặc 30 trường giỏi nhất, nhân viên môi giới có thể được thưởng từ 3.000 - 10.000 USD. Ông Tom Melcher, Chủ tịch Zinch China (chi nhánh của Công ty Tư vấn Zinch có trụ sở tại California), đồng thời là tác giả của một quyển sách về cách chọn trường ở Mỹ chia sẻ: “Con tôi cần GPA, là điểm trung bình bậc trung học phổ thông cao, nhưng điểm số của nó không đủ tiêu chuẩn. Tôi biết, những nhân viên môi giới sẽ lo được chuyện này”.

Khảo sát do Zinch China thực hiện đối với 250 sinh viên Trung Quốc đang theo học ở các trường Mỹ đã chỉ ra, tình trạng gian lận trong ứng tuyển nhập học đại học của sinh viên Trung Quốc rất phổ biến. Khoảng 90% thư tiến cử gửi đến các trường đại học nước ngoài là giả, 70% tiểu luận được viết thuê và 50% bảng điểm phổ thông đã qua “xử lý”.

  • Kẽ hở đầu vào

Tăng trưởng kinh tế nhanh tại Trung Quốc và nhiều nơi khác tại châu Á đã làm bùng nổ lượng sinh viên muốn đảm bảo con đường công danh của mình với một tấm bằng của phương Tây. Người Trung Quốc hiện chiếm hơn 1/5 số sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đại học Mỹ.

Theo Viện Giáo dục quốc tế (IIE), gần 158.000 học sinh Trung Quốc đang theo học tại Mỹ, tăng 300% so với con số giữa những năm 1990. Sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc chiếm khoảng một nửa số sinh viên nước ngoài học tại Mỹ. Sinh viên Việt Nam chiếm 13%, Malaysia 8%. Đây là số liệu thống kê năm ngoái.

Trong khi đó, suy thoái kinh tế Mỹ đã làm kiệt quệ lượng tiền thu từ thuế - nguồn cung cấp huyết mạch cho nhiều trường đại học Mỹ. Nhiều trường đã phải viện đến giải pháp thu học phí, vốn không được người dân ủng hộ. Nhưng các trường đã quay sang “chiêu dụ” những sinh viên nước ngoài giàu có, bởi những gia đình này rất hào phóng, không quan tâm đến mức chi tiêu ăn ở và học phí, thậm chí cả những khoản ngoài quy định của nhà nước đắt đỏ đến bao nhiêu.

Dale Gough, Giám đốc giáo dục quốc tế tại Siêu tổ chức giáo dục Mỹ (AACRAO), cho biết: “Sinh viên quốc tế được xem là một nguồn thu nhập và việc đón nhận sinh viên ồ ạt đã bùng nổ trong hai năm qua”.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, tính đến các khoản chi phí ăn ở và học phí đắt đỏ, sinh viên nước ngoài đóng góp 2,1 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Theo ông Dale Gough, có rất nhiều lý do khiến người ta thờ ơ với những đơn nhập học giả mạo. Một trong những lý do lớn nhất là vì họ cho rằng những học sinh lừa đảo sẽ khó qua được những học kỳ đầu tiên, chưa kể đến việc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp vô cùng khắt khe.

Tuy nhiên, điều mà Dale Gough cũng như những người làm giáo dục của Mỹ quan tâm là: các tiêu chuẩn lỏng lẻo của các trường đại học và sự chăm bẵm vào các khoản tiền kếch sù từ học phí nước ngoài sẽ có thể hủy hoại uy tín của một tấm bằng Mỹ. Ông Dale Gough nhấn mạnh: “Nếu nhiều sinh viên lừa đảo là những người khôn khéo và họ cứ thế tiếp tục lừa thành công thì đây phải chẳng là điều bất công đối với các sinh viên Mỹ sao? Và cũng là bất công cho các sinh viên nước ngoài chơi đúng luật nữa”.

Nok, cô nữ sinh người Thái Lan vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, một trong những ứng cử viên châu Á cho một suất học ở Mỹ, nói rằng: “Ở Thái Lan, bạn phải trải qua một bài kiểm tra lớn và điểm số đó sẽ quyết định bạn được vào trường nào. Nhưng ở Mỹ thì khác. Họ muốn biết một bức tranh toàn cảnh. Tất cả các bài kiểm tra. Mọi thứ về cuộc đời bạn. Vì thế, sinh viên theo học ở Mỹ rất giỏi và đó là một vinh dự”. 

NHƯ QUỲNH (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục