Edward Snowden - Ẩn hiện khó lường

“Đuổi hình bắt bóng”
Edward Snowden - Ẩn hiện khó lường

Đến ngày 27-6, tung tích của “Kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden vẫn là điều bí ẩn dù được cho rằng chưa rời khỏi nước Nga. Ý định sắp tới của Snowden là gì, chính xác nơi trú ẩn của cựu điệp viên CIA tại sân bay Sheremetyevo hiện ở đâu là những câu hỏi khiến giới truyền thông quốc tế phải “hụt hơi” tìm lời giải đáp trong những ngày qua.

Các phóng viên chực chờ ở sân bay để theo dõi tông tích của Snowden.

Các phóng viên chực chờ ở sân bay để theo dõi tông tích của Snowden.

“Đuổi hình bắt bóng”

Thường ngày, sân bay Sheremetyevo vốn dĩ đã tấp nập nay lại còn đông đúc hơn bởi sự xuất hiện của một lực lượng phóng viên quốc tế với camera và máy ảnh luôn chực chờ “tác chiến”. Họ kiên nhẫn chờ đợi từ đầu tuần nhưng kết quả thu được hoàn toàn chỉ là con số không dù đã vận dụng hết các kinh nghiệm lẫn kỹ năng làm báo. Chỉ cần một thông tin về Snowden bị rò rỉ, nhóm phóng viên này vội vàng lao tới nhưng thất vọng vẫn hoàn thất vọng.

Olga Denisova, phóng viên Đài phát thanh Tiếng nói nước Nga, than thở: “Y như chúng tôi đang chơi trò đuổi hình bắt bóng”. Cô và hàng chục phóng viên khác đã chịu chung hoàn cảnh trớ trêu khi ngồi trên chặng bay 12 giờ, từ Mátxcơva đến Havana (Cuba), nhằm đưa thông tin về vụ trốn chạy của Edward Snowden vào ngày 24-6 nhưng cựu điệp viên CIA không hề xuất hiện. Tình huống này giống trong phim hình sự Hollywood, nhân vật chính không xuất hiện, trong khi các diễn viên phụ, hàng chục phóng viên của các hãng thông tấn nổi tiếng lên chật ních máy bay.

Theo lời tường thuật của một phóng viên hãng AFP, ban đầu, Snowden được chờ đợi là hành khách cuối cùng lên máy bay. Một số phóng viên đã đợi ở cửa vào máy bay như diều hâu đợi thỏ ra khỏi hang, bất chấp yêu cầu của các nhân viên an toàn bay không làm cản trở lối ra vào. Không từ bỏ hy vọng, một số nhà báo bàn bạc có thể Snowden đã lên máy bay trực tiếp chứ không qua cầu thang máy bay, trong khi những người khác nói anh ta đang ẩn trốn ở khoang lái. Chiếc máy bay cất cánh chậm 30 phút so với lịch trình, nhiều người mới bắt đầu thừa nhận rằng Snowden có lẽ không lên máy bay. Ngay cả không có hành khách, 2 chiếc ghế trống ở hàng 17 vẫn nhận được những ánh mắt tò mò, những lần chụp ảnh thường xuyên từ các phóng viên. Nhưng sau chút kích động lúc đầu, đến khi chiếc máy bay hạ cánh ở Havana nhiều người đã thất vọng não nề.

Tới Havana trắng tay, các phóng viên trên chuyến bay vẫn nói họ vẫn phải có mặt vì dù sao phải tường thuật lại vụ mất tích bí ẩn của Snowden. Tuy nhiên, đa số họ đều cho rằng mình đã bị lừa. Dù thế, các phóng viên vẫn quyết định quay lại bám trụ ở Sheremetyevo, số ít tiếp tục ở lại Havana và chẳng ai bỏ cuộc vì thông tin về Snowden hiện nay rất đắt giá. Anna Nemtsova, phóng viên thường trú Mátxcơva của báo Newsweek và cộng tác viên của Đài truyền hình NBC, nói. “Tôi sẽ ở đây vài ngày để đảm bảo anh ấy không đến đây trong chuyến bay tiếp theo”.

Washington lo lắng

Các cơ quan thông tấn Nga dẫn nguồn tin giấu tên, cho biết Snowden đang ở khu vực quá cảnh của sân bay, nhưng các phóng viên không thể tiếp cận được, do khu vực này luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Một số phóng viên đã bị mời ra ngoài khi cố xâm nhập vào khu vực trên. Mọi hướng truy tìm được khoanh vùng tại khách sạn Air Express, sát khu vực sân bay, nơi cung cấp những phòng nghỉ tạm thời để hành khách có thể thuê trong một vài giờ. Nhưng khi đến nơi và dò hỏi, các phóng viên chỉ nhận được sự từ chối xác nhận thông tin của Air Express. Mặc dù được Tổng thống Nga Putin khẳng định sẽ không trục xuất về Mỹ nhưng Snowden cũng không thể rời Mátxcơva do hộ chiếu đã bị hủy. Ít nhất trong 3 ngày tới vẫn chưa có chuyến bay nào rời thủ đô nước Nga có tên Snowden.

Nhiều hãng thông tấn lớn đều đưa ra nhận định chung rằng Snowden được bảo vệ rất kỹ trong vụ đào thoát lần này. Tất cả đều nhờ sự dàn xếp của một lực lượng hậu thuẫn chính là WikiLeaks. Mọi thông tin hầu như đều bị ém chặt và không có cách nào tiếp cận được cựu điệp viên CIA sau khi anh này đến Nga. Hiện nay, chính quyền Washington đang tức giận vì cả Hồng Công (Trung Quốc), Nga, Cuba, Venezuela, đều “mở cửa” cho Snowden đào thoát. Ngày 27-6, Chính phủ Ecuador sau thời gian cân nhắc đã đưa tuyên bố chính thức sẽ xem xét đơn tị nạn của Snowden trong 2 tháng.

Theo tờ Time, quyết định “đối đầu” với Mỹ trong vấn đề bắt giữ Snowden đã khiến nhiều chuyên gia suy đoán, dường như mong muốn lớn nhất của chính phủ Mátxcơva trong thời điểm này là có được những bí mật mà cựu điệp viên đang nắm giữ. Theo đó, những chương trình do thám của giới mật vụ Mỹ từng được cựu nhân viên CIA này công bố trước 2 tờ báo lớn là Guardian và Washington Post chỉ là món khai vị cho một “bữa tiệc” thông tin khổng lồ. Glenn Greenwald, một nhà bình luận của Guardian, người đầu tiên được tiếp cận với nguồn thông tin của Snowden, cho rằng hàng ngàn tài liệu mật Snowden đang sở hữu, nếu được công bố, sẽ làm tê liệt khả năng giám sát của Mỹ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều khiến Washington lo ngại nhiều nhất là sự hợp tác giữa Snowden và ông chủ WikiLeaks Julian Assange - nhân vật tung ra hàng ngàn bức điện tín của Mỹ. Sự liên kết chặt chẽ của hai nhân vật này sẽ khiến ngành tình báo Mỹ phải đứng ngồi không yên trong thời gian dài.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục