Điểm nóng Crimea

Crimea - địa bàn
Điểm nóng Crimea

Từng thuộc Nga, sau đó chính thức về Ukraine, cho đến trước khi bất ổn chính trị bùng nổ ở Ukraine hiện nay thì bán đảo Crimea vẫn không thể chấm dứt được mối quan hệ với Nga. Sự sở hữu chồng chéo từ lịch sử đến hiện tại của Nga đối với Crimea đã khiến bán đảo này trở thành điểm nóng chính trị cả thế giới phải chú ý.

Vùng màu đậm: Lực lượng Ukraine thân Nga. Vùng màu nhạt: Lực lượng Ukraine thân phương Tây.

Vùng màu đậm: Lực lượng Ukraine thân Nga. Vùng màu nhạt: Lực lượng Ukraine thân phương Tây.

Crimea - địa bàn

Cộng hòa tự trị Crimea ở miền Nam của Ukraine, nằm trên bán đảo cùng tên phía Bắc của Biển Đen. Lãnh thổ Crimea từng bị chiếm đóng nhiều lần trong lịch sử. Vào thế kỷ 13, Cộng hòa Venezia và Cộng hòa Genova kiểm soát một phần Crimea. Sau đó, đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) chiếm giữ vào thế kỷ 15-18. Sau khi Nga hoàng Peter Đại đế nhận ra vai trò quan trọng của Biển Đen đối với sự phát triển của nước Nga, ông đã tiến hành cuộc chiến mở đường ra Biển Đen mà mục tiêu là chiếm bán đảo Crimea từ tay đế quốc Ottoman. Thế nhưng cho đến triều đại của Nữ hoàng Catherine Đệ nhị vào năm 1783, Nga mới chiếm được Crimea sau khi vua của xứ Crimea (người được quyền tự trị khá lớn từ Ottoman) chịu theo ảnh hưởng của Nga. Với vị trí thuận lợi ở Biển Đen, bán đảo Crimea là địa điểm chiến lược trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga vào thời đó. Năm 1853, với sự ủng hộ của Anh và Pháp, đế quốc Ottoman mở cuộc tấn công chiếm lại Crimea.

Đầu năm 1954, lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev “tặng” Crimea cho Ukraine để kỷ niệm 300 năm đạt được hiệp ước Pereiaslav. Đây là hiệp ước khẳng định sự gắn bó của Ukraine với Nga. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Crimea chính thức thuộc về Ukraine độc lập. Hiện nay, người gốc Ukraine chiếm 24% dân số ở Crimea, so với gần 60% người Nga và 12% người Tatar.

Từ đó đến nay, tuy cơ quan lập pháp của vùng này không được ban hành luật nhưng Crimea được tự chủ về ngân sách và có hiến pháp riêng từ năm 1999. Về luật pháp, Crimea vẫn thuộc Ukraine. Nga ủng hộ điều này trong một bản ghi nhớ năm 1994, cũng được Mỹ, Anh và Pháp ký. Đây là nước cộng hòa tự trị bên trong Ukraine, có quốc hội riêng. Năm 1995, ngay sau khi một nhóm ly khai thân Nga thắng lợi bầu cử, Ukraine bãi bỏ chức tổng thống Crimea và chỉ bổ nhiệm thủ tướng của Crimea thông qua tham vấn với quốc hội của vùng này.

Giáp giới với Ukraine - Nga, vị trí địa lý nhạy cảm như thế đã đẩy Cộng hòa tự trị Crimea vào tình trạng dễ bị chia tách dưới sự ảnh hưởng của hai phía Đông và Tây. Hiện nay, cảng Sevastopol đang được Nga thuê để đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen. Theo Le Figaro, hiện căn cứ Sevastopol vẫn giữ vai trò chiến lược đối với Nga vì giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực. Ngoài ra, đây cũng là cung đường duy nhất mở ra Địa Trung Hải thông qua các eo biển Dardannelles và Bosphore. Vì thế, sự có mặt tại Sevastopol mang tầm chiến lược trong các kế hoạch đảm bảo an ninh quốc gia Nga từ Biển Đen xuyên suốt qua Địa Trung Hải. Năm 2010, Nga và Ukraine ký thỏa thuận Kharkov, kéo dài thời hạn cho Nga thuê cảng Sevastopol đến năm 2042. Đổi lại, Nga sẽ giảm 30% giá khí đốt bán cho Ukraine, quốc gia có nhu cầu khí đốt rất lớn. Tuy vậy, Ukraine cũng đưa ra yêu cầu khá rắc rối là mỗi lần Nga muốn nâng cấp hay thay tàu ở khu vực cảng Sevastopol đều phải được sự đồng ý của Ukraine. Năm 2008, Nga đầu tư xây một căn cứ mới dọc theo bờ biển Crimea nhưng thuộc lãnh thổ Novorossiysk của mình ở Sochi. Nga muốn chuyển cảng Sevastopol về khu vực này. Với Nga, Crimea có ý nghĩa rất lớn.

Quân cờ bất ngờ của Nga

Tuần qua, ông Sergei Aksenov - lãnh đạo đảng Thống nhất Nga, người được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Crimea (thủ tướng) đã kêu gọi Tổng thống Nga Putin can thiệp để giải quyết tình trạng bất ổn tại đây. Đây là cơ sở để Tổng thống Putin đưa ra những quyết định sử dụng sức mạnh quân sự sau này.

Crimea là trung tâm của xung đột Nga-Ukraine khi tỏ rõ quan điểm thân Nga. Bất ổn lần này có thể dẫn đến viễn cảnh Crimea ly khai. Cộng hòa tự trị Crimea đã lên kế hoạch trưng cầu dân ý vào ngày 30-3 tới để quyết định về việc có nên mở rộng quyền tự trị hay không.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia ngoại giao, trước những bất ổn chính trị gay gắt, chính quyền Kiev cần xác định một số mục tiêu phải giải quyết trước mắt. Thứ nhất, phải đạt đồng thuận giữa hai miền Đông và Tây. Thứ hai, thúc đẩy đàm phán với Liên minh châu Âu và Nga để đảm bảo Ukraine có một cơ chế hòa nhập ổn định vào châu Âu trong bối cảnh mới. Để đạt được 2 mục tiêu trên, trước hết Ukraine phải giảm nhiệt tình trạng hiện nay, không để xung đột lan rộng và diễn biến phức tạp thêm nữa.

Việc Nga triển khai quân đến Crimea theo đúng quy định của Luật Quốc phòng Nga là quân đội Nga được quyền can thiệp để bảo vệ công dân của mình đã làm khơi lại một sự kiện quan trọng năm 2008. Khi ấy, Nga đã gửi quân vào Nam Ossetia - vùng lãnh thổ đòi tách khỏi Gruzia trong cuộc xung đột Gruzia - Ossetia đầu thập niên 1990, sau đó Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Lúc đó các đồng minh của Gruzia là Mỹ và EU chỉ có thể đứng nhìn và “hò hét” mà không có hành động cụ thể nào để bảo vệ Gruzia như họ đã ký kết với nước này. Lần này, giới phân tích cho rằng Nga cần cân nhắc kỹ trước khi động binh ở Crimea vì họ so sánh bán đảo này lớn hơn Nam Ossetia, còn Ukraine lớn hơn Gruzia, sự chia rẽ cũng sâu sắc hơn nên Nga sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Dù Thượng viện Nga đã phê chuẩn cho chính quyền Tổng thống Putin can thiệp quân sự ở Cộng hòa tự trị Crimea nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu lực chính thức. Cả Nga và Mỹ cùng các quốc gia phương Tây đang muốn dùng Crimea để đàm phán. Phân tích những diễn biến vừa xảy ra trên bàn cờ chính trị Ukraine, có thể thấy Mỹ và EU đã bị bất ngờ dù có vẻ như Nga đang yếu thế. Năm ngoái, trong khi EU hân hoan chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại với Ukraine thì bất ngờ nước này chuyển hướng đột ngột sang Nga. Không thể để vuột lợi ích khỏi tay mình, Mỹ và EU quyết tâm giành lại Ukraine bằng cách quyết chi tiền cho phe đối lập tiến hành giành lại chính quyền ở Ukraine. Mọi việc tưởng Nga đã sắp bị “chiếu tướng” thì bất ngờ Nga tung quân cờ Crimea, điều cả Mỹ và EU không lường tới.  Dù Mỹ có chỉ trích gay gắt Nga, nhưng trong mắt Nga thì Mỹ không có tư cách phê phán nước này bởi Mỹ cũng từng tuyên bố chống khủng bố, bảo vệ nhân quyền… để tiến hành chiến tranh và chiếm đóng Afghanistan, Iraq…

Liệu bờ biển Yalta trên bán đảo Crimea, nơi từng chứng kiến lãnh đạo 3 nước đồng minh Mỹ, Anh và Nga  bàn thảo kế hoạch châu Âu hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, sẽ là nơi kết thúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine - mà đằng sau là sự đối đầu giữa Nga và phương Tây?

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

- Căng thẳng tại Ukraine: Mỹ dọa trục xuất Nga khỏi nhóm G8

Tin cùng chuyên mục