Nhật Bản gia nhập thị trường vũ khí toàn cầu

Thế giới quan tâm vũ khí Nhật Bản
Nhật Bản gia nhập thị trường vũ khí toàn cầu

Suốt gần 70 năm qua, kể từ khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai, nước này không hề xuất khẩu bất cứ thứ vũ khí nào. Giờ đây, Nhật Bản đang từng bước tham gia vào cộng đồng mua bán vũ khí công nghệ cao toàn cầu bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và khoảng chục quốc gia tiên tiến khác.

Nhật Bản chuẩn bị xuất khẩu thủy phi cơ US-2 sang Ấn Độ. Ảnh: T.L.
Nhật Bản chuẩn bị xuất khẩu thủy phi cơ US-2 sang Ấn Độ. Ảnh: T.L.

Thế giới quan tâm vũ khí Nhật Bản

Nhật Bản có tiếng là một đất nước hòa bình. Tuy nhiên, trên thực tế, ít ai ngờ được rằng Nhật Bản hiện là nước đứng thứ năm trên thế giới về chi tiêu quốc phòng.

Thay vì có một quân đội chính thức, Nhật Bản chỉ gọi là “lực lượng phòng vệ”. Nhưng “phòng thủ” chỉ là thuật ngữ. Trong thực tế, Nhật Bản là một trong những nước có quân đội lớn và mạnh mẽ trên thế giới với số tàu hải quân nhiều hơn Pháp, một đội quân lớn hơn Đức và máy bay chiến đấu nhiều hơn so với Không quân Hoàng gia Anh.

Quốc phòng Nhật Bản kết hợp vũ khí nhập khẩu và các loại vũ khí sản xuất trong nước. Ngành công nghiệp Nhật Bản sản xuất tàu khu trục đẳng cấp thế giới, tàu ngầm và một số xe bọc thép tốt nhất thế giới và nhiều thiết bị quân sự công nghệ cao khác.

Không quân tự vệ của Nhật Bản thậm chí còn “chê” loại tên lửa không đối không của Mỹ AIM -120, thay vào đó sử dụng tên lửa do chính Nhật Bản sản xuất mang tên AAM - 4B, một trong hai tên lửa trên thế giới trang bị một radar điện tử dẫn đường có khả năng gia tăng tầm bắn và mức độ hủy diệt mục tiêu.

Vào cuối những năm 1980, một bản ghi nhớ bí mật lưu hành cho các nhà thầu quốc phòng Nhật Bản dự đoán rằng nếu lệnh cấm xuất khẩu kết thúc, Nhật Bản sẽ chiếm 45% thị trường xe tăng và pháo tự hành của thế giới, 40% thiết bị điện tử quân sự và 60% năng lực đóng tàu hải quân.

Hơn 3 thập niên sau bản ghi nhớ này, có lẽ mọi việc đang trở thành sự thực. Lệnh cấm bán vũ khí bắt đầu được nới lỏng dần với tên lửa. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản và Mỹ đã cùng nhau phát triển phiên bản mới nhất của một hệ thống tên lửa đạn đạo đánh chặn phóng từ biển SM- 3 Block IIA. Đây là một phần kế hoạch của hai nước nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Sau khi xem xét nhiều lần, năm 2011, chính phủ của Thủ tướng lúc đó là Yoshihiko Noda đã quyết định giảm bớt các quy định cho phép bán vũ khí được sản xuất theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương Mỹ-Nhật Bản.

Tokyo cũng đã giảm nhẹ phần nào lệnh tự cấm nói trên với việc thông qua những quy định cho phép các công ty Nhật Bản tham gia những dự án vũ khí với nước ngoài. SM-3 vì thế đã trở thành loại vũ khí đầu tiên của Nhật Bản được xuất khẩu, mở đường cho Tokyo tăng cường hợp tác quốc phòng song phương với các quốc gia khác.

Nhật Bản đã hợp tác phát triển và sản xuất vũ khí với Mỹ và với các nước châu Âu, đồng thời xuất khẩu các thiết bị quân sự vì mục đích hòa bình và nhân đạo, trong khuôn khổ các chiến dịch duy trì hòa bình của LHQ.

Vào tháng 7-2013, Nhật Bản và Anh đồng ý hợp tác nghiên cứu về chiến tranh hạt nhân, sinh học và hóa học. Vào tháng 1-2014, Tokyo và Paris đã ký một thỏa thuận phát triển chung thiết bị quân sự mặc dù hai nước vẫn chưa quyết định loại nào. Nhật Bản cũng đang xem xét việc chia sẻ công nghệ tàu ngầm Soryu lớp diesel rất thành công của nước này với Australia, nước đang trong tiến trình xây dựng đội tàu ngầm của riêng mình.

Sắp tới, Nhật Bản sẽ bán 15 chiếc thủy phi cơ hợp tác với Mỹ US-2 cho Ấn Độ. Đây có thể là hợp đồng vũ khí lớn nhất của Nhật Bản cho tới nay. Tuy những chiếc thủy phi cơ này không được xem là vũ khí, thậm chí chúng còn không được trang bị máy điện đàm quân sự nhưng dù sao cũng có thể gọi đó là máy bay chiến đấu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan tâm đến động cơ diesel 1.200 mã lực trong loại xe tăng mới nhất của Nhật Bản, Type 10. Do tình trạng bất ổn trong nước và hồ sơ nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận này có thể phải đối mặt với sự chống đối trong nội bộ Nhật Bản. Nhưng đó là minh chứng cho sự quan tâm ngày càng tăng của thế giới với vũ khí Nhật Bản.

Khó khăn phía trước

Theo hãng tin Kyodo, đảng Dân chủ tự do cầm quyền đang có ý định nới lỏng lệnh cấm Nhật Bản xuất khẩu vũ khí hay tham gia các chương trình phát triển vũ khí.  Đề nghị có thể sẽ được trình lên liên minh cầm quyền LDP và  đảng New Komeito.  Nhật Bản hy vọng sẽ có thay đổi về quy định xuất khẩu vũ khí trong tháng 3 này.

Tuy nhiên, theo những quy định mới mà chính phủ sẽ thông qua, Nhật Bản sẽ vẫn không được phép xuất khẩu những vũ khí có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới. Trước khi bán vũ khí cho một nước nào, Tokyo cũng sẽ phải bảo đảm không có nguy cơ tái xuất các vũ khí này sang một nước thứ ba.

Vào năm 1967, Nhật Bản đã quyết định tự cấm xuất khẩu vũ khí sang một số nước bị LHQ cấm vận vũ khí và những nước có liên hệ hoặc có thể sẽ có liên hệ với những xung đột quốc tế. Đến năm 1976, Nhật Bản tự cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí. Khi ra quyết định năm 1967 tự cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã theo đúng tinh thần bản Hiến pháp hòa bình năm 1947 do Mỹ áp đặt, với nội dung chính là Nhật Bản từ bỏ “vĩnh viễn” chiến tranh.

Điều 9 của Hiến pháp hiện hành quy định là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không được làm gì khác ngoài việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Thủ tướng Shinzo Abe muốn cải tổ Hiến pháp hiện hành và nhất là sửa đổi điều 9 nói trên. Ông Abe chủ trương nhân danh nguyên tắc phòng thủ tập thể, Nhật Bản sẽ có thể ứng cứu các đồng minh đang gặp khó khăn.

Có điều, hiện giờ, xuất khẩu vũ khí vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm ở Nhật. Kết quả một cuộc thăm dò do hãng tin Kyodo thực hiện gần đây cho thấy là gần 67% dân Nhật chống việc xuất khẩu vũ khí. Nói chung, đa số dân Nhật Bản vẫn muốn duy trì bản Hiến pháp hòa bình hiện nay.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục