Vụ bê bối chính trường Hàn Quốc: “Công chúa kỵ sĩ”, ngựa và Samsung

“Công chúa kỵ sĩ” Chung Yoo-ra, con gái “bà đồng” Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Park Geun-hye, đã bị bắt tại Đan Mạch ngày 1-1. Chung, 20 tuổi, bị cáo buộc đã nhờ mối quan hệ của mẹ với Tổng thống Park để hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong giáo dục và thể thao, gồm cáo buộc tham nhũng liên quan Liên đoàn Cưỡi ngựa Hàn Quốc (KEF) và Samsung Electronics.
Vụ bê bối chính trường Hàn Quốc: “Công chúa kỵ sĩ”, ngựa và Samsung

“Công chúa kỵ sĩ” Chung Yoo-ra, con gái “bà đồng” Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Park Geun-hye, đã bị bắt tại Đan Mạch ngày 1-1. Chung, 20 tuổi, bị cáo buộc đã nhờ mối quan hệ của mẹ với Tổng thống Park để hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong giáo dục và thể thao, gồm cáo buộc tham nhũng liên quan Liên đoàn Cưỡi ngựa Hàn Quốc (KEF) và Samsung Electronics.

“Mẹ tôi làm hết”

Chung Yoo-ra sống ở Đức, là con gái của Choi với chồng cũ Chung Yoon-hoi, Chánh văn phòng của Tổng thống Park từ năm 1998-2004. Chung bị bắt cùng 4 người khác tại TP Aalborg, Bắc Đan Mạch ngày 1-1 vì cư trú bất hợp pháp. Chung bị cáo buộc nhờ ảnh hưởng của mẹ với Tổng thống Park để được ưu tiên nhập học và đối xử đặc biệt tại Đại học Nữ sinh Ewha nổi tiếng ở Hàn Quốc. Samsung Electronics đã tài trợ 22 tỷ won (18,3 triệu USD) cho đội tuyển cưỡi ngựa Hàn Quốc nhưng thực tế chỉ để huấn luyện cho Chung. Samsung Electronics cũng là nhà tài trợ lớn nhất, với 20,4 tỷ won, cho 2 tổ chức phi lợi nhuận mà Choi kiểm soát. Choi đang bị giam, bị truy tố tội lạm dụng quyền lực và gian lận trong một phiên tòa hình sự mở vào tháng 12-2016.

Korea JoongAng Daily dẫn lời Chung nói với các phóng viên Hàn Quốc trong thời gian nghỉ giữa phiên tòa tạm giam tại tòa án địa phương ở Aalborg ngày 2-1: “Tất cả những gì tôi đã làm là ký các giấy tờ mà nội dung bị che lại. Tôi không biết gì về những hoạt động của mẹ tôi, vì bà và các trợ lý của bà điều hành. Tôi nghĩ mình sẽ bị đuổi khỏi Đại học Ewha. Nhưng mẹ tôi và tôi đã gặp Chủ tịch trường lúc đó là Choi Kyung-hee và giáo sư Ryu Chul-kyun, sau đó tôi được tiếp tục học”. Chung không thừa nhận việc biết Samsung đã tài trợ huấn luyện cho mình: “Mẹ tôi nói Samsung đã quyết định tài trợ cho 6 vận động viên cưỡi ngựa. Tôi chỉ là một trong 6 người. Tôi không biết mình nhận được bao nhiêu hoặc kinh phí từ đâu. Chỉ có mẹ tôi và huấn luyện viên của tôi biết”. Chung phủ nhận việc có quan hệ mật thiết với Tổng thống Park: “Lần cuối cùng tôi gặp bà Park là khi cha tôi làm việc cho bà. Lúc đó tôi là một học sinh tiểu học”. Chung cũng nói không biết Tổng thống Park đã làm gì trong khoảng 7 giờ vắng mặt bí ẩn vào ngày xảy ra vụ chìm phà Sewol năm 2014, làm 304 hành khách thiệt mạng, vụ việc được cho là do chính phủ phản ứng chậm: “Lúc đó tôi đang có thai, mẹ tôi và tôi bất hòa vì điều đó. Tôi sống ở quận Sillim-dong còn mẹ tôi ở quận Gangnam, Nam Seoul. Chúng tôi không liên lạc nên tôi không biết những gì xảy ra trong chính phủ thời điểm đó”.

Tòa án ở Aalborg đã gia hạn tạm giam Chung đến ngày 30-1, dù cô viện lý do không có người chăm sóc con trai 19 tháng tuổi.

Cưỡi ngựa triệu đô

Trong năm 2015, Samsung Electronics đã thỏa thuận tài trợ 22 tỷ won (18,3 triệu USD) cho Core Sports International, công ty do Choi kiểm soát, nhưng thực tế Chung là người thụ hưởng chính. Các công tố viên đang điều tra việc Samsung, cũng là nhà tài trợ và đứng đầu Liên đoàn Cưỡi ngựa Hàn Quốc (KEF), đã dành ưu đãi cho Choi và Tổng thống Park đổi lại các khoản tài trợ. Đặc biệt, các công tố viên đang điều tra các ưu đãi bao gồm việc Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc hỗ trợ gia đình sáng lập Samsung trong vụ bỏ phiếu của cổ đông sáp nhập 2 công ty con Samsung vào năm 2015. “Một phần quan trọng trong cuộc điều tra là xem xét lý do Samsung và KEF tài trợ cho Choi Soon-sil cùng con gái Chung Yoo-ra và chuyển tiền cho các công ty do Choi thành lập hoặc Choi có liên quan”, một quan chức trong Ủy ban Công tố viên đặc biệt nói với Reuters.

Chung Yoo-ra tranh tài cưỡi ngựa Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 17 tại Incheon, Hàn Quốc, ngày 20-9-2014. Ảnh: REUTERS

Reuters đã có một bản sao hợp đồng của Samsung Electronics với Core Sports International vào tháng 8-2015. Hợp đồng này tài trợ cho đội đua ngựa Hàn Quốc tại một cơ sở thể thao ở Biblis, thị trấn nhỏ phía Nam Frankfurt, Đức, nêu: “Samsung mong muốn phát triển một đội cưỡi ngựa, bao gồm huấn luyện ở nước ngoài, các vận động viên để chuẩn bị cho các kỳ Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) và Đại hội Thể thao Cưỡi ngựa (World Equestrian Games) vào năm 2018”.

Samsung Electronics đã chi khoảng 8 tỷ won (6,6 triệu USD) cho đội cưỡi ngựa Hàn Quốc, nhưng thực tế chỉ cho Chung, theo lời khai của tỷ phú thừa kế Samsung Group Jay Y. Lee trong phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 12-2016. Tài trợ của Samsung Electronics bao gồm mua một con ngựa có tên Vitana V với giá 1 triệu EUR (962.000 USD) cho Chung tập luyện. Tỷ phú Lee cho biết có một lý do khiến Samsung bắt buộc phải tài trợ cho đội cưỡi ngựa, tuy nhiên ông không nêu ra: “Tôi được bảo là có những trường hợp không thể tránh. Nhưng tôi thừa nhận rằng hợp đồng này đã được thực hiện không phù hợp và tôi rất tiếc đã không xem xét nó kỹ lưỡng hơn”.

Theo Ủy ban Quốc hội điều tra vụ bê bối của Tổng thống Park, hợp đồng của Samsung Electronics cho thấy, đội cưỡi ngựa gồm 6 vận động viên và 12 con ngựa, nhưng thực tế chỉ có 2 người là Chung và huấn luyện viên Park Jae-hong.

Trong năm 2014, truyền thông Hàn Quốc đã mỉa mai Chung là “công chúa kỵ sĩ”, dù cô đã đoạt một huy chương vàng cưỡi ngựa đồng đội tại Asian Games 2014.

Đại gia tài trợ

Samsung Group và gia đình sáng lập tập đoàn Samsung có mối quan hệ lâu dài với thể thao. Samsung Group là nhà tài trợ chính của Đại hội Thể thao Olympic, cũng tài trợ cho nhiều môn thể thao ở Hàn Quốc trong 20 năm qua, bao gồm bóng đá, bóng chày, bóng rổ và bóng chuyền, nhưng đó là những môn thể thao phổ biến còn cưỡi ngựa lại là một môn chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu, chỉ có 251 vận động viên đăng ký tại Hàn Quốc trong năm 2014, theo KEF.

Samsung Electronics đã ngưng tài trợ cho KEF vào năm 2010 nhưng trở lại tài trợ vào tháng 3-2015 khi Chủ tịch Quan hệ hợp tác của Samsung Electronics là Park Sang-jin đảm nhiệm chức Chủ tịch KEF. Thời điểm đó, KEF đang bị các nghị sĩ và các liên đoàn cưỡi ngựa địa phương tố cáo vì đã cho Chung quá nhiều ưu đãi, bao gồm chọn vào đội tuyển cưỡi ngựa quốc gia, do mối quan hệ của mẹ cô với Tổng thống Park. Từ khi trở lại tài trợ cho đến tháng 8-2016, Samsung Electronics đã chi 2,6 tỷ won cho KEF, theo tài liệu Samsung Electronics nộp lên Quốc hội và được một nghị sĩ chuyển cho Reuters.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết, trong một báo cáo kiểm toán vào tháng 12-2016, KEF đã ký các văn bản giả để Chung hợp thức hóa sự vắng mặt tại trường trung học và đạt thành tích trong các hoạt động tình nguyện mà cô chưa hề tham gia. Chung cũng bị cáo buộc can thiệp vào hồ sơ học tập.

Park Jong-so, một vận động viên cưỡi ngựa kỳ cựu và cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, cho biết nhiều người trong cộng đồng cưỡi ngựa Hàn Quốc thấy khó hiểu khi Samsung Electronics trở lại lãnh đạo KEF. Hwang Young-shik, từng đoạt 2 huy chương vàng Asian Games 2014, gồm một huy chương cưỡi ngựa đồng đội với Chung, hiện huấn luyện cho vận động viên trẻ tại cơ sở riêng, cho biết, câu chuyện Chung đã ảnh hưởng đến thể thao Hàn Quốc. “Các vận động viên trẻ thấy thất vọng. Mọi người trong thế giới đua ngựa giờ đã biết Chung Yoo-ra là ai”, Hwang nói.

Tài trợ của Samsung Electronics cho các quỹ liên quan đến ​​Choi còn bao gồm 1,6 tỷ won cho một quỹ điều hành bởi cháu gái Choi là Jang Si-ho và 20,4 tỷ won cho 2 quỹ được thành lập để hỗ trợ chính sách của Tổng thống Park...

Đến nay, chưa có quan chức nào của Samsung bị truy tố, dù các công tố viên Hàn Quốc đã 2 lần khám xét các văn phòng Samsung từ khi nổ ra vụ bê bối Choi Soon-sil.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục