Huyễn hoặc thương hiệu Arsenal

Huyễn hoặc thương hiệu Arsenal

Chúng tôi đến sân Emirates Stadium vào giữa tháng 4-2007, khi London đang ấm nắng xuân. Cả một hàng dài du khách từ khắp nơi đang kiên nhẫn chờ đến lượt mình vào tham quan sân vận động lộng lẫy và hiện đại bậc nhất thế giới, đặc biệt tham quan khu bảo tàng của CLB. Chỉ cần bước chân vào một thoáng, nhìn ngắm những kỷ vật đã được gìn giữ cả trăm năm, đắm mình trong truyền thống một thời hào hùng của CLB này, ai cũng tự khắc hình dung được lý do vì sao cái tên Arsenal tới bây giờ vẫn được hâm mộ đến thế.

        Từ tinh thần ngày xưa

Đúng kiểu phớt tỉnh Ănglê, nhân viên phụ trách ở đó thản nhiên để cho mọi người tự mình tìm tòi. Nhưng chỉ cần nghe thấy một câu hỏi, anh ta lập tức vồn vã trả lời bằng dáng điệu như một đứa con đang hãnh diện kể về truyền thống dòng tộc. Đứng chính giữa gian phòng là một bức tượng uy nghi của cố HLV Herbert Chapman (1878-1934), người đã đưa Arsenal thành công rực rỡ đầu tiên vào thời kỳ những năm 1925-1933 và rất nổi tiếng với tuyên bố “tôi sẽ biến Arsenal thành CLB vĩ đại nhất thế giới”. Chiếc mũ Chapman thường đội, chiếc gậy ông từng cầm trên tay, chiếc ghế bành bằng gỗ sồi ông thường ngồi, những tấm huy chương và những chiếc cúp ông đạt được... vẫn còn nguyên vẹn, như thể Chapman vẫn đang sống ở đó đến tận hôm nay để đón mọi người bằng gương mặt đôn hậu.

Bức tượng Herbert Chapman trong Khu bảo tàng Arsenal.

Bức tượng Herbert Chapman trong Khu bảo tàng Arsenal.

Mà đâu chỉ có Chapman, những người cùng thời hoặc thậm chí trước cả thời Chapman cũng còn đang ở đó. Có tấm bảng lớn khắc tên đầy đủ 11 cầu thủ trong trận đấu với đội Erith vào ngày 8-1-1887, trận đầu tiên cái tên Arsenal xuất hiện. Có những trang giấy ố vàng của cuốn sách in những nội quy CLB phát hành ở mùa bóng 1891-1892. Có quần áo và giày thi đấu thuộc về một số cầu thủ ở đầu thế kỷ 20. Và tất nhiên, có cả những lời kể theo cách riêng của Arsenal về hoàn cảnh ra đời CLB, kèm theo những bằng chứng hùng hồn về khát vọng vươn lên của Arsenal qua những giai đoạn khó khăn nhất.

Arsenal được các công nhân tại xưởng đạn dược Woolwich thành lập vào năm 1886, với tên gọi Royal Arsenal. Sau 7 năm, họ bắt đầu tham gia giải bóng đá Anh ở bảng hạng nhì và đợi thêm 9 năm nữa mới được lên hạng nhất. Đó là những năm mà theo lời kể thì London vẫn còn khó khăn và tương lai mịt mờ như màn sương dày đặc của những mùa đông bất tận. Arsenal quả thực đã lâm vào tình trạng phá sản năm 1910. Nhưng bất chấp hoàn cảnh đó, Arsenal vẫn được duy trì bằng một lòng quyết tâm mà sau này đã được Eddie Hapgood - thủ quân huyền thoại trong những năm 1930 - đúc kết lại như sau: “Bất cứ khi nào khoác chiếc áo Arsenal lên người, ai cũng phải tự cảm thấy cần nỗ lực làm sao cho mọi chuyện ổn thỏa, làm sao cho Arsenal phải hơn tất cả đối phương. Người ngoài gọi đó là “không khí Arsenal”, còn chúng tôi gọi là tinh thần đội bóng”.

Những lời tâm huyết ấy được đắp nổi trên bức tường ở đầu cầu thang dẫn vào khu bảo tàng của Arsenal trong sân Emirates, ai đi qua cũng đều nhìn thấy. Nó đã hun đúc cho những thắng lợi kể từ thời Herbert Chapman trở đi và tạo nên một Arsenal nổi tiếng khắp thế giới như bây giờ. Trong lịch sử hiện đại của giải vô địch Anh, chưa có đội nào đăng quang mà không hề thua, dù chỉ một lần như Arsenal mùa bóng 2003-2004. Đó là thế hệ của Vieira, Bergkamp, Thierry Henry, Pires, Ljungberg, Winterburn..., những người đã cùng đương kim HLV Wenger tạo nên một Arsenal hoàn toàn khác trước, tài hoa hơn và nghệ thuật hơn.

        Đến trận đấu ngày nay

Buổi tối hôm ấy, 17-4-2007, chúng tôi xem trận Arsenal-Man.City. Chiếc vé có giá 46 bảng Anh (mỗi bảng lúc đó bằng 32.000 đồng). Số tiền ấy mua được gần nửa tạ táo ngon, 15 chiếc quần jeans không tồi ở siêu thị Tesco hoặc 15 chiếc đồng hồ có in logo của đội... West Ham United. Với Emirates Stadium, 46 bảng ấy chỉ đủ cho một chỗ trong “block” số 123 ở tít tầng 2, sau khung thành. Tức không phải chỗ ngồi lý tưởng để bao quát tốt mọi diễn biến của trận đấu dưới sân.

Nhưng lạ thay, đâu phải khán giả nào của Arsenal cũng cần bao quát tốt! Bên cạnh những đợt sóng hò reo khi đọc tên cầu thủ, khi Arsenal tấn công, khi Arsenal ghi bàn hoặc khi thắng chung cuộc 3-1, vẫn có những cậu choai choai chỉ lo tán dóc với nhau, lâu lâu mới đứng phắt dậy một lần để hùa với chung quanh hò la cho có tụ. Chen giữa những gương mặt bồn chồn mỗi khi đối phương phản đòn, vẫn có những cặp nhân tình đắm đuối nhìn vào mắt nhau nhiều hơn nhìn trận đấu. Và tất nhiên, cũng không thiếu những tay xăm mình bặm trợn từ đầu chí cuối chỉ hướng xuống khu khán đài dành cho đội khách nhằm om sòm những lời thô tục khiến các bà mẹ trẻ phải vội vã bịt 2 tai đứa con lại.

Hóa ra những con người ấy đến sân Emirates Stadium không chỉ để xem Arsenal tấn công đẹp mắt như thế nào (sự thật Arsenal hôm đó đá không hay) và ghi bao nhiêu bàn ra sao. Trận đấu này đối với họ chỉ như một cuộc hẹn hò, một chuyến đi chơi, một nơi để thét-gào-cười-nói, nhằm trút bỏ mọi mệt nhọc sau một ngày làm việc. Cũng giống như công viên Hyde Park nổi tiếng ở London có dành chỗ cho mọi người đến gào la xả stress vậy. Để rồi khi trận đấu kết thúc, từng dòng người lại thong thả ra về mà trong lòng nhẹ bỗng. Trước trận đấu hối hả bao nhiêu thì bây giờ lại bình yên khoan khoái bấy nhiêu.

Theo đó, Arsenal không còn là bóng đá nữa, mà đã trở thành một sinh hoạt không thể tách rời khỏi đời sống văn hóa của cả một cộng đồng dân cư. Để được như vậy, nhiều người bảo do Arsenal sở hữu một sân bóng quá đẹp, quá hiện đại, với mọi cơ sở vật chất-dịch vụ đều đạt tiêu chuẩn 5 sao. Nhiều người khác lại bảo do Arsenal tiếp thị quá tốt, mọi cửa hàng vật phẩm lưu niệm đều chất lượng cao, ở bất cứ đâu cũng có CLB người hâm mộ và năm nào Arsenal cũng chịu khó đi du đấu mùa hè để “chào hàng”.

Không, nghĩ như thế thì thật đơn giản. Từ cậu bé con xúng xính chiếc áo đỏ đến những anh chàng to lớn mất nửa hàng răng cửa vì một trận hooligan nào đó, tất cả đều giống như người phụ trách Khu bảo tàng Arsenal: họ rất tự hào khi được làm một CĐV của CLB này. Họ sống với Arsenal, họ đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau cho doanh thu của CLB. Để được như thế, điều cốt yếu nhất ở đây là Arsenal đã rất biết cách gìn giữ truyền thống-lịch sử và truyền thụ những giá trị ấy qua bao thế hệ. Qua đó, cái tên Arsenal đã ăn sâu vào trong máu, khắc sâu vào tâm can và tồn tại như một tín ngưỡng đối với cả một cộng đồng...

Di sản Highbury

Trong gần 20 năm đầu tiên kể từ khi ra đời, Arsenal chủ yếu thi đấu trên sân Manor Ground ở Plumstead. Ban đầu, sân bóng ấy... trống trơn, mấy năm sau mới có khán đài. Nhưng dù có trang bị thế nào chăng nữa, vị trí tương đối bị biệt lập vẫn khiến Arsenal ít có khán giả hơn các CLB khác. Điều này đã dẫn đến những khó khăn lớn về tài chính và tới 1910 Arsenal đã đến sát bờ vực phá sản. Lúc bấy giờ, may mà 2 nhà doanh nghiệp Henry Norris và William Hall đã mua lại Arsenal, cứu thoát CLB này. Năm 1913, ngay sau khi Arsenal rớt xuống hạng nhì trở lại, Henry Norris đã quyết định dời đến sân Highbury cho có nhiều khán giả hơn. Và như chúng ta đã biết, Highbury đã trở thành ngôi nhà hạnh phúc của Arsenal trong hơn 90 năm, trước khi chuyển đến Emirates Stadium (chỉ cách Highbury chừng 500m) vào mùa bóng 2006-2007.

Theo một số tài liệu, sân Emirates Stadium đã ngốn khoảng 450 triệu bảng Anh tiền mặt bằng cộng với đầu tư xây dựng (gánh nặng ấy vẫn còn đeo bám Arsenal đến bây giờ). Đây là một trong những sân bóng hiện đại nhất thế giới, với ghế ngồi sang trọng, phòng thay đồ, phòng họp báo... đều y như khách sạn 5 sao. Tuy vậy, chính Highbury mới là nơi chứng giám những khoảnh khắc thắng lợi lịch sử nhất của CLB. Cùng với thời kỳ Highbury, Arsenal đã 13 lần vô địch Anh, 10 lần đoạt Cúp FA, tức chỉ đứng sau Man.United và Liverpool về thành tích thi đấu. Bởi thế, dù sân cũ Highbury đã được đập bỏ để làm nhà ở cho cộng đồng nhưng dãy mặt tiền vẫn được chính quyền giữ lại như một di sản văn hóa. Quả nhiên, chúng ta xưa nay vẫn thường nói vui rằng người Anh bảo thủ, nhưng kỳ thực họ rất biết cách bảo tồn.

Những cột mốc lớn

Tên tuổi Arsenal gắn liền với một loạt những cái đầu tiên. Họ là đội phía Nam đầu tiên tham gia giải bóng đá Anh vào năm 1893. Ngày 22-1-1927, trận đấu với Sheffield United ở Highbury là trận đầu tiên được truyền thanh trực tiếp. Sau đó 10 năm, ngày 16-9-1937, trận cầu biểu diễn giữa đội hạng nhất và đội dự bị Arsenal cũng trở thành trận bóng đá đầu tiên trên thế giới được truyền hình trực tiếp. Gần đây hơn, trận đấu giữa Arsenal và Man.United tháng 1-2010 cũng là trận đầu tiên được trực tiếp đến công chúng bằng truyền hình 3D. Tuy nhiên, với người hâm mộ Arsenal, tự hào nhất vẫn là kỷ lục vô địch với thành tích bất bại trong mùa bóng 2003-2004. Trong kỷ nguyên Premier League, Arsenal là đội đầu tiên và duy nhất cho đến nay đạt được kỷ lục đó.

Thành tích thi đấu của Arsenal từ trước đến nay như sau: 13 lần vô địch Anh (1930–31, 1932–33, 1933–34, 1934–35, 1937–38, 1947–48, 1952–53, 1970–71, 1988–89, 1990–91, 1997–98, 2001–02, 2003–04); 10 lần đoạt Cúp FA (1930, 1936, 1950, 1971, 1979, 1993, 1998, 2002, 2003, 2005); 2 lần đoạt Cúp Liên đoàn (1987, 1993); 12 lần đoạt Charity/Community Shield (1930, 1931, 1933, 1934, 1938, 1948, 1953, 1991, 1998, 1999, 2002, 2004); vô địch Cúp C2 châu Âu (1993–94); vô địch Cúp hội chợ (sau này là Europa League) 1969-70.

Hành trình phương Đông

Chiếc huy hiệu đầu tiên của Arsenal ra đời vào năm 1888, với hình ảnh 3 họng súng đại bác chĩa thẳng lên trời - tức hướng lên phương Bắc. Vì nét vẽ hồi ấy, nếu không để ý 3 chiếc đầu sư tử ở bên dưới, người ta dễ tưởng lầm 3 khẩu đại bác ấy là... 3 cái ống khói. Theo thời gian, 3 khẩu đại bác chỉ còn lại 1 và không quay lên trên mà quay ngang. Có thời kỳ nó quay sang phải, có thời kỳ lại sang trái và rồi lại sang bên phải như bây giờ. Tại sao như vậy? Người phụ trách khu bảo tàng của Arsenal giải thích: Nhà tài trợ hiện nay của Arsenal là Hãng hàng không Emirates của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Theo quan niệm của họ, bên phải tức hướng đông trên bản đồ. Hướng Đông là hướng mặt trời mọc, tức là hướng tốt.

TIẾN MINH

Tin cùng chuyên mục