Làm thủy điện, phải tính kỹ thiệt hơn

Sự an toàn của công trình Thủy điện sông Tranh 2 tiếp tục là tâm điểm của những cuộc tranh luận giữa các cơ quan chức năng trong cuộc họp ngày 20-10 do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) tổ chức nhằm chuẩn bị báo cáo về vấn đề này trước QH. Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đại biểu QH tỉnh Quảng Nam, đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.* Phóng viên:
Làm thủy điện, phải tính kỹ thiệt hơn

Sự an toàn của công trình Thủy điện sông Tranh 2 tiếp tục là tâm điểm của những cuộc tranh luận giữa các cơ quan chức năng trong cuộc họp ngày 20-10 do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) tổ chức nhằm chuẩn bị báo cáo về vấn đề này trước QH. Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đại biểu QH tỉnh Quảng Nam, đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên:
Thưa ông, bên cạnh việc kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc đập thủy điện Sông Tranh 2 ở chế độ đặc biệt; quan trắc lưu lượng thấm mỗi ngày từ 2 - 3 lần... trong hai ngày cuối tuần qua, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức về động đất, sóng thần cho người dân địa phương. Dường như sau rất nhiều khẳng định từ phía các bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam vẫn chưa yên tâm về công trình này?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội Ngô Văn Minh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội Ngô Văn Minh

* Ông NGÔ VĂN MINH: Vừa qua về tiếp xúc với cử tri tôi cũng cảm nhận là mọi lời giải thích vẫn chưa an lòng dân. Đấy là điều rất nguy hiểm. Mà cứ thường xuyên nghe thấy tiếng nổ đùng đùng trong lòng đất vọng ra như thế, người ta lo lắng là phải.

Đoàn ĐBQH Quảng Nam vừa rồi về tiếp xúc cử tri huyện Bắc Trà My có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng tôi cũng có xuống đập xem xét. Nhưng nói cho ngay, mình là “tay ngang”, nhìn thì biết vậy, thấy cũng ổn vậy, nhưng cũng không khẳng định được. Các cơ quan chức năng đều nói đến thời điểm này thì an toàn. Còn chuyện tập huấn ứng phó với động đất, phổ biến kiến thức là rất cần thiết, cũng tốt, nhưng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

* Cá nhân ông nghĩ sao về vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 cũng như tác động môi trường đối với các dự án thủy điện?

* Nói thật, tôi vẫn lo. Vì cho dù có bắt chịu trách nhiệm nặng nề những ai đó đã khẳng định là an toàn, mà sự cố vẫn xảy ra thì dân cũng đã bị thương vong rồi, thiệt hại rồi, đền cách nào? Những người khẳng định công trình an toàn có dám lên đó ở không? Dứt khoát tại kỳ họp QH này, ĐBQH sẽ nêu ý kiến, mà không phải chỉ có ĐBQH tỉnh Quảng Nam đâu! Vấn đề ở chỗ chúng ta làm thủy điện là cần thiết, nhưng phải tính đến việc hài hòa quyền lợi và tính mạng của người dân đối với tác động môi trường của các dự án thủy điện.

* Giới khoa học cũng còn những ý kiến khác nhau. Như PGS-TS Cao Đình Triều của Viện Vật lý địa cầu vừa rồi có nhận xét là động đất ở sông Tranh rất đặc biệt, vì phản ứng nhanh, dồn dập từng đợt, trong khi trước đó ở khu vực này không hề có động đất. Ông Cao Đình Triều khuyến cáo hết sức thận trọng khi vận hành hồ chứa… Nhưng các cơ quan chức năng, đều khẳng định công trình an toàn, thậm chí còn an toàn hơn mức thiết kế?

* Cách nói “đã xử lý chống thấm tốt (cứ cho là thế); đến thời điểm này vẫn an toàn” là chưa đủ. Lẽ ra phải nghiên cứu và công bố từ đầu là đập thủy điện an toàn, khẳng định luôn là động đất kích thích cũng an toàn. Phải như vậy mới yên dân. Cơ quan chức năng nói Báo cáo đánh giá tác động môi trường không yêu cầu đánh giá động đất kích thích, đó là cái dở. Lẽ ra phải công bố trước chúng tôi đã có nghiên cứu và động đất đã được tính toán, trong khả năng chịu đựng thì dân mới yên tâm. Còn rất nhiều vấn đề kỹ thuật khác nữa cũng chưa được làm rõ. Nói “chưa được tích nước” ở đây nghĩa là chưa tích đầy nước (hiện nay đã tích nước đến 161m rồi, chỉ chưa tích thêm 14m nữa mà thôi, để cho 2 tổ máy hoạt động bình thường). Như thế vẫn có mấy trăm triệu m3 nước treo ở đó, vậy sự khác biệt giữa việc tích nước đến cao trình 175m và giữ ở mức 161m là gì?

* Vậy theo ông, thời gian tới cần làm những gì để thực sự an dân?

* Tôi đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phá rừng làm thủy điện. Bộ trưởng nói, nguyên tắc là thủy điện lấy hết bao nhiêu rừng thì phải trồng lại bấy nhiêu. Nhưng làm gì có chuyện anh lấy bao nhiêu hecta rừng là anh làm lại được bấy nhiêu. Không thể có chuyện đó, vì đất đã lấy hết rồi! Ở các địa phương khác cũng vậy thôi.

Bên cạnh những việc đã nói trên, tôi được biết Bộ Xây dựng đang dự thảo các quy định về nhà dân trong khu vực động đất, cần làm xong sớm rồi công bố cho dân. Tích cực thực hiện việc bồi thường cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng; tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung phương án giúp bà con có cuộc sống tốt hơn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phải tích cực hướng dẫn cho bà con phòng tránh lũ, bão nữa chứ chỉ hướng dẫn cho bà con phòng tránh động đất kiểu “ngủ thì phải mở cửa”, hay là cấp tập di dời cho nhanh, tôi nghe chưa được! Động đất xảy ra chỉ trong vài giây… Nhìn rộng ra, việc xây dựng thủy điện ở Quảng Nam còn nhiều vấn đề.

Hiện tại trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đang có 4, 5 công trình thủy điện đang thi công. Mặc dù địa phương đã quyết định dừng những cái chưa thi công, nhưng còn những cái đang thi công thì sao? Thiệt hơn của việc làm thủy điện phải tính rất kỹ. Có nhiều việc nói là vậy nhưng thực hiện là vô cùng khó khăn. 

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục