Đưa đổi mới sáng tạo về cơ sở

Từ nay đến cuối năm, Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM phối hợp các quận, huyện đẩy mạnh 4 chương trình KH-CN trọng tâm của ngành. Trong đó, chương trình đổi mới sáng tạo ở cơ sở được xem là chương trình cốt yếu cần được tập trung triển khai.
Đưa đổi mới sáng tạo về cơ sở

Từ nay đến cuối năm, Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM phối hợp các quận, huyện đẩy mạnh 4 chương trình KH-CN trọng tâm của ngành. Trong đó, chương trình đổi mới sáng tạo ở cơ sở được xem là chương trình cốt yếu cần được tập trung triển khai.

Khơi thông kinh phí hoạt động

Theo hội nghị sơ kết công tác KH-CN 6 tháng đầu năm 2016 vừa được tổ chức, Sở KH-CN cho biết đã phối hợp với các quận, huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra 66 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vàng trang sức, nón bảo hiểm, đồ chơi trẻ em; tổ chức 24 lớp tập huấn, tuyên truyền về KH-CN cho cán bộ các quận, huyện về nhãn hàng hóa, sử dụng điện tiết kiệm, thực hành công cụ năng suất chất lượng, phân biệt hàng gian, hàng giả, hàng nhái…

Trưởng phòng Quản lý KH-CN cơ sở Trần Thu Bích đánh giá, các hoạt động KH-CN cấp cơ sở thời gian qua nhìn chung vẫn “cầm chừng”. UBND TP đã đồng ý cấp kinh phí khoảng 7 tỷ đồng dành phục vụ các hoạt động KH-CN tại quận, huyện. Quyết định kịp thời này đã khơi thông được nguồn kinh phí, vốn khá hạn hẹp và “bị ách tắc” trong 3 năm trở lại đây. Từ đó, nhiệm vụ đặt ra cho các quận, huyện trong 6 tháng cuối năm 2016 phải “chạy nước rút” thực hiện các phần việc của năm. Trong đó, có những nhiệm vụ KH-CN rất nặng nề như: nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH-CN cho cấp cơ sở; thực hiện truyền thông về KH-CN; đẩy mạnh ứng dụng KH-CN tại đơn vị, cơ sở; tăng cường ứng dụng KH-CN, hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN và các tầng lớp nhân dân…

Các nhà sáng chế không chuyên cần thêm nguồn vốn hỗ trợ để thương mại hóa nghiên cứu

Theo ông Trần Thu Bích, trọng tâm mà mọi hoạt động nhắm đến là nâng cao năng suất chất lượng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tại đơn vị, DN . Trong tháng 8-2016, sở dự kiến đưa vào hoạt động 3 cổng thông tin điện tử gồm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và sáng kiến cộng đồng. Đúng như tên gọi, đây là những diễn đàn mở để các cá nhân, đơn vị, DN của thành phố tìm kiếm thông tin nghiên cứu, tìm cơ hội từ các quỹ đầu tư; ngược lại, chính cá nhân, DN cũng có thêm kênh thông tin để đề xuất, yêu cầu các cơ chế chính sách hay công nghệ… Quan trọng không kém là hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về đổi mới sáng tạo, thông qua các buổi tập huấn cho ít nhất 100 giáo viên và 2.000 học sinh, cùng với đó là sớm hình thành 1 điểm thực hành đổi mới sáng tạo trường học dưới hình thức mô hình thí điểm…

Còn nhiều trăn trở

Tại hội nghị, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Chủ tịch UBND quận 4, trăn trở về việc người dân, DN trên địa bàn quận quan tâm nghiên cứu, cải tiến công nghệ mới còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do DN chưa nắm bắt hết các chương trình hỗ trợ của nhà nước. Do vậy, ông Lâm Hùng Tấn mong muốn Sở KH-CN thông tin, hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ phát triển, cải tiến công nghệ sao cho các DN dễ dàng tiếp cận.

Bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về công nghệ thực phẩm an toàn, Phó Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết, trên địa bàn hiện có nhiều cơ sở nuôi trồng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quận đã thực hiện công tác vận động người dân nâng cao ý thức đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm bằng các lớp tập huấn. Song, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn khách quan. Do vậy, bà Thảo đề nghị Sở KH-CN hỗ trợ khảo sát, chuyển giao các phương pháp, cách thức sản xuất an toàn để phổ biến cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Phan Văn Định lại cho rằng, năng lực quản lý về KH-CN của cán bộ tại địa phương hiện còn hạn chế. Trong nhiều trường hợp, quận tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về các cây xăng gian lận. Song, cán bộ đi kiểm tra đo lường cây xăng không có khả năng kiểm tra và chỉ có thể nhờ đến đơn vị chuyên trách của Sở KH-CN. “Sở KH-CN cần tăng cường các lớp bồi dưỡng cho cán bộ phòng kinh tế và các đơn vị liên quan về công tác quản lý KH-CN ở cấp quận, để phục vụ người dân và DN tốt hơn”, ông Phan Văn Định nhấn mạnh.

Trước các thắc mắc và đóng góp từ lãnh đạo quận, huyện, lãnh đạo Sở KH-CN khẳng định ghi nhận và sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương. Tuy nhiên, Sở KH-CN cho rằng, rất cần các lãnh đạo quận, huyện tích cực và chủ động để hoạt động đổi mới, năng cao năng suất chất lượng lan tỏa đến mỗi cá nhân, DN tại địa phương.

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, DN cần có hai yếu tố: công nghệ cứng (thiết bị, máy móc…) và công nghệ mềm (thông tin, đào tạo chất lượng người lao động, trình độ tổ chức quản lý sản xuất…). Tuy nhiên, năng lực công nghệ mềm hiện chỉ đóng góp được khoảng 55% nhu cầu cần thiết để DN nâng cao năng suất chất lượng.

Phó Giám đốc Sở KH-CN TRỊNH MINH TÂM

GIA QUẢNG - THẾ AN

Tin cùng chuyên mục