Không nên hoang mang về thông tin phenol gây ung thư

(SGGP).- Ngày 14-6, phản ứng trước thông tin cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị phát hiện hàng chục tấn cá nục bị nhiễm chất phenol có thể gây ung cho người sử dụng, TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, về ảnh hưởng của phenol đối với sức khỏe theo các nghiên cứu hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy chất này gây ra ung thư cho con người.
Không nên hoang mang về thông tin phenol gây ung thư

* Phê bình Sở Y tế tỉnh Quảng Trị vì vội vã thông tin

(SGGP).- Ngày 14-6, phản ứng trước thông tin cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị phát hiện hàng chục tấn cá nục bị nhiễm chất phenol có thể gây ung cho người sử dụng, TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, về ảnh hưởng của phenol đối với sức khỏe theo các nghiên cứu hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy chất này gây ra ung thư cho con người.

Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, Viện Quản lý Môi trường Mỹ cũng không xếp phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Nghiên cứu cho thấy liều gây chết 50% sinh vật thử nghiệm (chuột) do phenol gây ra là khoảng từ 300 - 600mg/1kg thể trọng. Hơn nữa, hiện nay theo tất cả các tài liệu như Ủy ban Codex, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… chưa có một cơ quan, tổ chức nào quy định mức giới hạn phenol trong hải sản. Tuy nhiên cũng có một số nghiên cứu của cơ quan thực phẩm châu Âu về hàm lượng phenol ăn vào hàng ngày chịu được của cơ thể người là 0,018mcg/1kg thể trọng/ngày, có nghĩa là mức này an toàn với cơ thể con người.

Phenol là chất rắn không màu

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, phenol là chất rắn không màu, được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên, được sử dụng trong ngành công nghiệp. Chất này có ở nước, không khí, trong nước ngầm. Con người có thể bị phơi nhiễm phenol qua không khí (hít thở) qua đất, nước, thậm chí ngay trong môi trường làm việc. Đối với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt gà rán, thịt ba chỉ rán, thịt hun khói. Ngoài ra, phenol có tự nhiên trong thực phẩm, đặc biệt trong một số trái cây như cà chua, táo, đậu phộng, chuối, cam, ca cao, nho đỏ có hàm lượng cao.

Đối với việc cơ quan chức năng ở Quảng Trị phát hiện hàm lượng phenol trong mẫu cá nục là 0,037mg, TS Nguyễn Hùng Long cho rằng, hàm lượng trên không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Trị và Cục An toàn thực phẩm đang yêu cầu các cơ quan liên quan của Quảng Trị lấy thêm 5-7 mẫu cá nục để kiểm nghiệm thêm. Đồng thời, trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm tiếp theo, Cục An toàn thực phẩm kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị tạm thời dừng lưu thông lô cá nục bị phát hiện có phenol.

Chiều 14-6, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện ngành y tế và nông nghiệp của địa phương vẫn chưa thống nhất việc phenol là chất được hay không được phép có trong thực phẩm nên UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam xem xét, chỉ đạo cụ thể về lô cá nục đông lạnh có hàm lượng phenol 0,037mg/kg mà ngành y tế địa phương trước đó phát hiện tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.

Việc Sở Y tế cung cấp thông tin cho báo chí cùng lúc gửi báo cáo lên UBND tỉnh về kết quả phát hiện chất phenol trong lô 30 tấn cá nục đông lạnh tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc là có phần vội vàng. Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đời sống, tâm lý của nhiều người dân nên khi công bố phải thận trọng, đảm bảo tính chuẩn xác theo yêu cầu khoa học. Tỉnh đã phê bình lãnh đạo Sở Y tế về sự vội vàng này. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức lấy thêm mẫu từ lô cá nục trên đi kiểm nghiệm và niêm phong lô hàng theo quy định trong thời gian chờ xử lý. Đồng thời đang tích cực vận động các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ ngư dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi sự cố cá chết.

Cùng ngày, các thương lái tại cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, cho biết, kể từ sau thông tin phát hiện chất phenol trong cá nục, người tiêu dùng e ngại mua cá biển nên các tàu thuyền không cập cảng cá nữa. Rất mong cấp trên sớm kiểm nghiệm và đưa ra kết luận chính thức để người tiêu dùng yên tâm sử dụng hải sản, giúp bà con ngư dân tiếp tục sản xuất.

MINH KHANG - VĂN THẮNG

>> Vụ chất cực độc trong 30 tấn cá nục: Chờ ý kiến chỉ đạo từ Trung ương

Tin cùng chuyên mục