Bình Định đặt tên đại lộ và công viên Nobel ở TP Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định đang giao các ngành chức năng tỉnh này khẩn trương phối hợp, tạo thống nhất về việc đặt tên Đại lộ Nobel và Công viên Nobel tại thung lũng khoa học Quy Hòa, TP Quy Nhơn (Bình Định).

Bình Định đặt tên đại lộ và công viên Nobel ở TP Quy Nhơn

Việc đặt tên đại lộ và công viên Nobel ở Quy Nhơn năm 2024 được đề cập tại văn bản số 808/UBND-VX vừa mới được UBND tỉnh Bình Định ban hành.

Theo đó, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở VH-TT tỉnh này chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành chức năng liên quan thống nhất chủ trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về đặt tên Đại lộ Nobel và Công viên Nobel.

khoa-hoc-quoc-te-16-1597.jpg
Đại lộ Nobel và Công viên Nobel dự kiến đặt ở thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn. Ảnh: DŨNG NHÂN

Trao đổi với PV Báo SGGP sáng 16-2, Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) – đơn vị tham vấn cho ý tưởng đặt tên Đại lộ Nobel và Công viên Nobel Quy Nhơn cho biết, dự kiến đại lộ và công viên Nobel được đặt tại thung lũng khoa học Quy Hòa nơi đặt trụ sở Trung tâm ICISE và Trung tâm Khám phá khoa học - Đổi mới sáng tạo Bình Định và các cơ sở, trung tâm, công viên khoa học công nghệ khác…

khoa-hoc-quoc-te-44-991.jpg
Đại lộ Khoa học trước đó được khánh thành chạy dọc thung lũng Quy Hòa

Hiện, tại Quy Hòa cũng có Đại lộ Khoa học chạy dài nối từ quốc lộ 1D chạy dọc thung lũng đến sát bãi biển do Giáo sư Gerardus’t Hooft (đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999) đặt tên, cắt băng khánh thành năm 2017. Dự kiến, Đại lộ Nobel và Công viên Nobel sẽ nối tiếp đại lộ Khoa Học bên Trung tâm khám phá khoa học, đổi mới sáng tạo Bình Định.

Đại lộ Nobel và Công viên Nobel Quy Nhơn được hình thành từ cơ sở tại Trung tâm ICISE, nơi đón hàng chục ngàn nhà khoa học quốc tế đến nghiên cứu, làm việc, trao đổi học thuật về các lĩnh vực khoa học tiên tiến trên thế giới. ICISE cũng là nơi mời về Việt Nam hàng chục giáo sư đoạt giải Nobel và giải Fields Toán học tương đương Nobel.

“Khuôn viên ICISE hiện có 1 con đường nhỏ lát đá mang tên Nobel bên bờ sông và 1 vườn cây Nobel với 18 cây xanh do các giáo sư đoạt giải Nobel trồng lên. Bên cạnh đó, vườn Nobel cũng là nơi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng các cây xanh tạo thành khu vườn cây rất thơ mộng giữa thung lũng”, TS Trần Thanh Sơn chia sẻ.

khoa-hoc-quoc-te-27-5292.jpg
Các học sinh giao lưu với giáo sư Nobel Vật lý tại Vườn cây Nobel ở ICISE. Ảnh: NGỌC OAI

Theo TS Trần Thanh Sơn, việc đặt tên Đại lộ Nobel, Công viên Nobel có ý nghĩa lưu dấu những “bước chân” các giáo sư Nobel từng đến Quy Nhơn và đến ICISE trong những năm qua. Thông qua đó, đại lộ và công viên sẽ là điểm đến nơi lan tỏa tinh thần yêu khoa học, tôn trọng khoa học đến công chúng, giới trẻ Việt Nam. Từ đó, kích thích tinh thần vượt khó vươn lên chinh phục đỉnh cao khoa học. Việc đặt tên trên cũng tạo dấu ấn riêng biệt, độc nhất cho Quy Nhơn không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Nam Á.

z4581159554117-db9a8d326f5e81925d9ae5533071aafc-7443.jpg
Con đường Nobel nhỏ lát đá trong khuôn viên Trung tâm ICISE. Ảnh: ICISE

Từ khi thành lập năm 2013 đến nay, Trung tâm ICISE đã đón, phục hơn 12.500 nhà khoa học trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ quốc tế đến dự các hội nghị, hội thảo trao đổi học thuật khoa học cấp cao trên các lĩnh vực.

Trong đó, có 18 giáo sư Nobel và 2 giáo sư đoạt giải Fields Toán học tương đương Nobel; bên cạnh đó có 15 giáo sư đoạt giải thưởng cấp cao khác về khoa học. ICSE đã tổ chức gần 200 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao, gần 50 trường khoa học chuyên đề khác cho các nhà khoa học trẻ ở châu Á.

Tin cùng chuyên mục