Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai các đô thị ven biển tại khu vực Nam Trung bộ

Sáng 21-10, Hiệp hội các đô thị Việt Nam phối hợp UBND TP Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị giao ban thường niên cụm đô thị Nam Trung bộ năm 2023 với chủ đề “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai các đô thị ven biển”.

Tham dự hội nghị có Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Kiến trúc sư Trần Hữu Hoàng Phú, Chuyên gia tư vấn quy hoạch; TS. Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; TS. Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam (Bộ Xây dựng), TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu… cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành Nam Trung bộ.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tại hội nghị, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, phát triển đô thị tại một địa phương là kết quả chỉ đạo, điều hành, nỗ lực của địa phương. Một đô thị phát triển tốt thì tỉnh phát triển tốt; nhiều tỉnh, thành phát triển tốt dẫn đến khu vực phát triển tốt, từ đó đóng góp sự phát triển chung của cả nước. Hội nghị là dịp để các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ trao đổi kinh nghiệm, cùng phát triển.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính phát biểu, Việt Nam là một quốc gia biển với chiều dài bờ biển 3.260km, 28 tỉnh, thành có biển và 10 đô thị biển. Các đô thị ven biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Thiên tai ngày càng nhiều rủi ro ảnh hưởng đến đô thị ven biển, do vậy cần có giải pháp quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai đô thị ven biển.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính phát biểu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính phát biểu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Kiến trúc sư Trần Hữu Hoàng Phú, chuyên gia tư vấn quy hoạch chia sẻ, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu và thiên tai trên thế giới. Theo đánh giá về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 1997 - 2016, Việt Nam đứng thứ 5 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu và thứ 8 về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu nhận định, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 3-4oC cho đến cuối thế kỷ này, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dẫn đến gia tăng cường độ thiên tai, biến đổi khí hậu tạo ra thời tiết cực đoan, trong đó gia tăng ngập úng tại các đô thị.

Bên cạnh đó, nguyên nhân trực tiếp gây ngập úng các đô thị do san nền, phát triển đô thị ở vùng thoát lũ, vùng trữ nước, hạ tầng thoát nước đầu tư không theo kịp tốc độ đô thị hóa, điều kiện kỹ thuật không đảm bảo, hệ thống giao thông ngăn cản hướng thoát lũ, vận hành hồ chứa thượng nguồn, tác động biến đổi khí hậu, lượng mưa tăng, thủy triều gia tăng, sụt lún đất.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

TS. Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ngoài ra, các nguyên nhân do quy hoạch quản lý đô thị như thiếu thực thi các quy hoạch không gian và quy định về xây dựng, thiếu thực thi các luật và quy định về quy hoạch vùng, kinh phí không đủ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới cho kiểm soát lũ, ưu tiên phát triển kinh tế so với yếu tố môi trường…

Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập sau đợt mưa lớn vào tháng 10-2023

Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập sau đợt mưa lớn vào tháng 10-2023

TS. Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cần được thực hiện trong tất cả các nội dung quy hoạch, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải...

“Để lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, các địa phương phân tích, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng nội dung quy hoạch để đề xuất giải pháp ứng phó ưu tiên. Chẳng hạn như, trong quy hoạch không gian đô thị, cần xem xét, ưu tiên không gian dành cho tái định cư, để ứng phó với tình trạng các đợt mưa lớn xảy ra nhiều hơn và lượng mưa ngày càng tăng cao gây ra các trận lũ quét, xói mòn, ảnh hưởng đến nhà ở, công trình công cộng…” - TS. Kiến trúc sư Ngô Trung Hải cho biết.

Tin cùng chuyên mục