Khuyến khích, vận động khách hàng sử dụng nước sạch

Một số đơn vị cấp nước trên địa bàn TPHCM hiện đang tìm cách tăng số hộ sử dụng nước sạch sau khi đã được gắn đồng hồ nước. Ở khu vực quận Tân Bình, Tân Phú, bằng cách khẳng định chất lượng nguồn nước, hàng ngàn hộ dân ở các địa phương này đã đóng giếng khoan và chuyển sang sử dụng nước sạch.
Nhân viên Công ty Cấp nước Tân Hòa tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch
Nhân viên Công ty Cấp nước Tân Hòa tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch

Giảm số hóa đơn 0m³


Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tân Hòa (viết tắt Công ty Cấp nước Tân Hòa, thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) cung cấp nước cho hộ dân trên địa bàn các quận Tân Bình và Tân Phú với khoảng 146.000 đồng hồ nước. Hàng năm, trên địa bàn các quận này có 5.000 đồng hồ nước được gắn mới. Nhớ lại những năm trước đây, ông Trần Công Lễ, Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Tân Hòa, cho biết bên cạnh công tác phát triển mạng lưới và gắn đồng hồ nước cho khách hàng, những năm qua đơn vị cũng tập trung kéo giảm tỷ lệ đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ từ 0m³ đến dưới 4m³/tháng.

Theo đó, các quận Tân Bình, Tân Phú có số lượng người dân nhập cư rất cao nên Công ty Cấp nước Tân Hòa phải tập trung nguồn lực, nỗ lực phủ kín mạng lưới cấp nước và gắn đồng hồ đến từng nhà dân. Tuy nhiên, bất cập phát sinh là tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch không nhiều. Ông Trần Hoàng Thanh (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) cho biết, ban đầu gia đình ông sử dụng nước giếng khoan và sau khi được gắn đồng hồ nước nhưng vẫn duy trì thói quen sử dụng nước giếng. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến, thậm chí một số nhà hàng, khách sạn cũng sử dụng nước giếng khoan nhằm tiết kiệm chi phí. “Có thời điểm, số đồng hồ nước có hóa đơn bằng 0m³ của đơn vị lên đến hơn 13.000 cái, chiếm hơn 11%”, ông Trần Công Lễ cho hay. Qua khảo sát, Công ty Cấp nước Tân Hòa ghi nhận ở quận Tân Bình có gần 36.000 giếng khoan, quận Tân Phú khoảng 43.530 giếng khoan. Từ thực tế này, Đảng bộ công ty ra nghị quyết, đặt mục tiêu kéo giảm hóa đơn có chỉ số sử dụng nước từ 0 - 4m³ và giải pháp trọng tâm là tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch. Qua một thời gian thực hiện, số lượng đồng hồ nước có chỉ số sử dụng từ 0 - 4m³ đã giảm mạnh, từ gần 12.120 đồng hồ (năm 2012), giảm còn 8.000 đồng hồ (năm 2013) và tiếp tục giảm sâu qua từng năm. Hiện nay, tổng số đồng hồ nước có hóa đơn bằng 0m³ chỉ còn khoảng 2.900 cái (năm 2017), chiếm hơn 2% trong tổng số đồng hồ nước của đơn vị.

Chất lượng nước - tiêu chí cực kỳ quan trọng

Ông Trần Công Lễ nhận xét, để đạt được kết quả nêu trên là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Công ty Cấp nước Tân Hòa thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, vận động. Trước tiên, đơn vị tổ chức phát tờ thông tin về những tác hại lâu dài cho sức khỏe khi sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng, chủ động tiếp xúc khách hàng tìm hiểu thông tin, xác định nguyên nhân và vận động người dân sử dụng nước sạch theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. 

Trong các đội ghi chỉ số nước, thu tiền nước cũng có riêng phong trào thi đua, lấy kết quả kéo giảm số hóa đơn tiêu thụ bằng không (0m³) làm căn cứ đánh giá hiệu quả công tác. Mặc khác, công ty còn phối hợp với chính quyền địa phương để ghi nhận ý kiến của người dân và cử người họp với các tổ dân phố nhằm ghi nhận đầy đủ ý kiến của khách hàng, như về giá nước, thông tin nước đục bẩn, kịp thời hỗ trợ đăng ký định mức sử dụng nước, tạo điều kiện để khách hàng sử dụng nước với giá tốt nhất và kiểm tra, xử lý tức thì thông tin về nước đục. Nhờ đó, lượng khách hàng sử dụng nước máy ở đơn vị tăng mạnh, khoảng 2 triệu m³/năm.

Tính đến nay, trên địa bàn quận Tân Bình, Tân Phú hiện chỉ còn khoảng 2.900 đồng hồ có hóa đơn tiêu thụ bằng không. Trong đó, phần lớn là những nhà đóng cửa và số ít sử dụng hoặc sử dụng mang tính đối phó, chiếm khoảng 1/3. Ông Trần Công Lễ phân tích, qua thông tin của ngành y tế, hầu hết các mẫu nước ngầm đều có hàm lượng sắt, độ pH, amoni cao hơn mức cho phép nhiều lần, thậm chí có nơi cao gấp vài chục lần so với tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt. “Do đó chúng tôi xác định, việc đảm bảo và duy trì chất lượng nước máy là rất quan trọng, liên quan mật thiết đến việc kéo giảm hóa đơn tiêu thụ nước bằng không”, ông Trần Công Lễ nhấn mạnh.

Hiện Sawaco đang tập trung đầu tư phát triển nguồn và mạng lưới để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân thành phố. Tuy nhiên, trong các khu vực đã có mạng lưới cấp nước sạch, vẫn còn nhiều hộ gia đình (như ở huyện Hóc Môn, quận Gò Vấp, 12…) sử dụng nguồn giếng khoan chưa qua xử lý, không đảm bảo chất lượng. Kết quả giám sát chất lượng nước ngầm (nguồn nước giếng tự khai thác) tại các hộ dân do Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện cho thấy, hầu hết các nguồn nước giếng đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt (theo quy chuẩn của Bộ Y tế) ở các chỉ tiêu pH, sắt và amoniac.

Dùng nước ngầm cho ăn uống không chỉ gây tác hại đến sức khỏe mà việc khai thác nước ngầm không kiểm soát còn làm giảm mực nước ngầm, gây ra sụn lún và gia tăng ô nhiễm nguồn nước ngầm. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao trách nhiệm để bảo vệ nguồn nước ngầm hiệu quả. Cùng đó phải có hình thức chế tài đủ mạnh đối với các hành vi khai thác nước ngầm trái phép hoặc áp mức thuế cao đối với việc khai thác nước ngầm cho công nghiệp, sản xuất, kinh doanh tại các nơi đã có nguồn nước sạch.

Tin cùng chuyên mục