Đối thoại với tiểu thương chợ Tân Bình: Nhiều câu hỏi chờ giải đáp

Ngày 25-9, UBND quận Tân Bình đã tiếp xúc với 300 tiểu thương chợ Tân Bình. Nhiều vấn đề “nóng” đã được các tiểu thương đặt ra và chờ lãnh đạo UBND quận giải đáp.

Ngày 25-9, UBND quận Tân Bình đã tiếp xúc với 300 tiểu thương chợ Tân Bình. Nhiều vấn đề “nóng” đã được các tiểu thương đặt ra và chờ lãnh đạo UBND quận giải đáp.

Vì sao 1m² sạp lên đến 144 triệu đồng?

Mở đầu cuộc trao đổi, tiểu thương Nguyễn Thị Thanh, sạp 18, Khu A1, chất vấn: “Tôi cho rằng việc nâng cấp chợ là hoàn toàn cần thiết, nhưng khi nâng cấp phải nghĩ đến nguồn thu nhập của tiểu thương khi xây dựng chợ mới. Lý do quận đưa ra là do diện tích sạp ở chợ quá nhỏ phải xây dựng chợ 6 tầng, trong khi đó UBND quận xin TP 7.000m² để làm trung tâm thương mại (TTTM) phía trước chợ là không hợp lý. Bởi vì, việc xây dựng TTTM phía trước và làm đường sẽ làm cho diện tích của chợ nhỏ đi. Vậy tại sao quận không giữ lại 7.000m² phía trước để làm chợ mà đi xây TTTM, trong khi trên thực tế các TTTM khi xây dựng lên đều ế ẩm?”.

Ông Vũ Minh Quân, sạp 9C-10C, gay gắt: “Quận bảo xây dựng chợ cao tầng hiệu quả thì lấy số liệu khảo sát, điều tra ở đâu? Nếu chứng minh được việc xây dựng chợ cao tầng có lợi cho dân thì chúng tôi hoàn toàn chấp nhận. Chứ hiện tại chúng tôi chưa ủng hộ xây dựng TTTM và chợ”.

Trong khi đó, tiểu thương Vũ Hoài Nam, sạp 46A, cho rằng: “Về mặt chủ trương tôi hoàn toàn đồng ý với việc xây dựng chợ mới nhưng trên cơ sở phương án đầu tư xây dựng phải hợp lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ phải hài hòa quyền lợi giữa chủ đầu tư và tiểu thương đang kinh doanh tại chợ. Bởi theo phương án giá thuê sạp mà quận đưa ra là 400.000 đồng/tháng x 12 tháng x 30 năm = 144 triệu đồng/m². Trong khi trên thực tế, một mét vuông xây dựng đối với TTTM chỉ khoảng 8 triệu đồng, đó là chưa kể công trình công cộng như đường giao thông, thang máy, thoát hiểm… Chi phí xây dựng đường giao thông cùng lắm là 25 triệu đồng/m² nhưng tại sao quận lại thu của chúng tôi 144 triệu đồng, đề nghị quận làm rõ? Về phương án kiến trúc, theo góc nhìn từ đường Lý Thường Kiệt thì nên để khối nhà thấp tầng phía trước và nhà cao tầng phía sau mới đẹp. Vì vậy, kiến nghị quận nên lập lại phương án đầu tư xây dựng chợ Tân Bình và phương án này cần được sự đồng ý của tiểu thương trước khi triển khai”.

Sẽ xem xét ý kiến của tiểu thương

Trả lời những thắc mắc của tiểu thương tại hội nghị, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết, quận hết sức thông cảm, chia sẻ với những lo lắng, bức xúc của tiểu thương. Lãnh đạo quận xin ghi nhận và báo cáo lại Thường trực Quận ủy và UBND quận để xem xét lại dự án cho phù hợp với quyền lợi của bà con tiểu thương.

Cụ thể, với ý kiến về giá thuê sạp mới quá cao, ông Sơn cho biết đây là giá xây dựng tạm tính ban đầu. Do đó, nếu xây dựng chợ, vấn đề này sẽ được kiểm toán và công bố cho bà con tiểu thương. Về lo ngại của tiểu thương: Chủ đầu tư chỉ có 300 tỷ đồng tiền vốn, có đủ năng lực tham gia dự án không? Ông Sơn cho biết, trước khi tham gia đấu thầu đầu tư dự án, chủ đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, kinh nghiệm và một số vấn đề khác. Hiện nay, để thực hiện dự án phải đăng thông tin tham gia đấu thầu trên báo và phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới thực hiện được.

Được biết, chợ Tân Bình có 3.336 sạp với 2.956 tiểu thương tham gia kinh doanh, do đó, quận Tân Bình sẽ tổ chức liên tục 10 buổi gặp gỡ, trao đổi với bà con tiểu thương, sau đó quận sẽ xem xét là có dừng hay không dừng dự án; nếu xây dựng chợ mới thì bao nhiêu tầng là phù hợp. Về phương án bồi thường 30 triệu đồng là số tiền áp dụng với bà con có đủ điều kiện tái bố trí nhưng không nhận sạp.

“Đây là phương án dự phòng, vì tôi nghĩ tất cả tiểu thương ở chợ đều đủ điều kiện tái bố trí và nhận sạp. Tuy nhiên, quận cũng mở lối ra, đó là nếu tiểu thương vì lý do gì đó mà không nhận sạp thì được quyền sang nhượng với nhau, quận chấp nhận và không can thiệp”, ông Lê Sơn thông tin thêm.

Bi kịch sang nhượng sạp

Tại hội nghị, tiểu thương Đỗ Thị Thu Hà, sạp K21, khu A, bức xúc: Ngày 9-9 vừa qua, tôi sang lại sạp của anh Quân. Anh Quân và tôi ra lăn tay ở Ban quản lý (BQL) chợ Tân Bình. Tại sao quận có quyết định xây dựng chợ mới mà vẫn ký quyết định chuyển nhượng sạp và cấp giấy phép kinh doanh mới cho tôi? Với cách giải quyết như vậy, có nghĩa là làm khổ gia đình tôi vì khi sang lại sạp, tôi phải bán một căn nhà và thế chấp 2 căn nhà khác.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Nga, Trưởng BQL chợ Tân Bình, giải thích: “Từ 1-9 đến nay, tất cả các trường hợp sang nhượng sạp, BQL đều có thông báo về triển khai dự án xây dựng TTTM và chợ truyền thống nên bà con thận trọng trong việc sang nhượng, mua bán. Riêng trường hợp bà Hà, theo như báo lại là khi tiếp nhận hồ sơ, đồng chí Thái Thanh Huyền là người trực tiếp xác nhận hồ sơ cũng đã thông báo cho người mua biết. Về trách nhiệm của BQL, trong thời gian chưa có giấy tờ thông báo của UBND quận về việc không cho phép sang nhượng thì BQL vẫn thực hiện trách nhiệm giải quyết sang nhượng quyền kinh doanh cho bà con”. Với trường hợp của bà Hà, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết sẽ trực tiếp kiểm tra lại và trả lời cho tiểu thương bằng văn bản.

ĐÌNH LÝ

- Xây mới chợ Tân Bình: Quận sẽ lắng nghe ý kiến của tiểu thương

Tin cùng chuyên mục