Phát triển du lịch bền vững, cách nào? - Bài 1: Du lịch tự phát, phá nát… thế mạnh!

LTS: “Cảnh đẹp thì khách chỉ đến một lần cho biết, nhưng nếu dịch vụ tốt sẽ níu chân du khách quay trở lại…” - Đó là tôn chỉ làm du lịch của tất cả các quốc gia. “Rừng vàng, biển bạc” của Việt Nam là một thế mạnh phát triển du lịch. Thế nhưng, quy hoạch du lịch hiện nay vẫn còn manh mún, nhiều nơi làm du lịch theo kiểu tự phát, ăn xổi ở thì, chưa tạo được sự liên kết, đồng lòng từ phía người dân. Chặt chém, chèo kéo du khách... vẫn là vấn đề nan giải hiện nay… Phải chăng đó là lý do dịch vụ du lịch của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% GDP, trong khi ở các nước trong khu vực con số này lên đến 10% GDP. Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững, nâng chỉ số đóng góp của ngành du lịch cho GDP là vấn đề “nóng” được đặt ra…
Phát triển du lịch bền vững, cách nào? - Bài 1: Du lịch tự phát, phá nát… thế mạnh!

LTS: “Cảnh đẹp thì khách chỉ đến một lần cho biết, nhưng nếu dịch vụ tốt sẽ níu chân du khách quay trở lại…” - Đó là tôn chỉ làm du lịch của tất cả các quốc gia. “Rừng vàng, biển bạc” của Việt Nam là một thế mạnh phát triển du lịch. Thế nhưng, quy hoạch du lịch hiện nay vẫn còn manh mún, nhiều nơi làm du lịch theo kiểu tự phát, ăn xổi ở thì, chưa tạo được sự liên kết, đồng lòng từ phía người dân. Chặt chém, chèo kéo du khách... vẫn là vấn đề nan giải hiện nay… Phải chăng đó là lý do dịch vụ du lịch của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% GDP, trong khi ở các nước trong khu vực con số này lên đến 10% GDP. Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững, nâng chỉ số đóng góp của ngành du lịch cho GDP là vấn đề “nóng” được đặt ra…

Tuy hàng vạn danh lam thắng cảnh của Việt Nam đẹp nức lòng du khách, thế nhưng, do tổ chức kém, nhiều du khách chỉ đến một lần cho biết và không quay trở lại. Trong khi đó, ngành du lịch Thái Lan, chỉ với những điểm tham quan nho nhỏ như sở thú, lặn biển ngắm san hô, hay tham quan vườn sầu riêng, măng cụt… đã thế, những điểm này cách xa nhau hàng trăm cây số nhưng được tổ chức liên kết, hệ thống nên du lịch giá rẻ Thái Lan luôn thu hút được du khách quốc tế.

Thế mạnh từ rừng vàng biển bạc, nhưng…

Nói đến thiên nhiên các vùng Đông Bắc, Tây Bắc Việt Nam, không ai không khát khao được một lần tận mắt ngắm nhìn núi rừng trùng điệp, ruộng lúa bậc thang vàng rực, hoa ban, hoa cải trắng trời. Từ Hà Nội du khách có thể hướng về vịnh Hạ Long với phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Hướng lên Tây Bắc có Sapa, Điện Biên với những phong cảnh núi rừng hùng vĩ. Ở mỗi địa phương có những món ngon riêng như bí trời ngọt mát, gà chạy bộ thơm ngon. Rồi đến vùng Đông Bắc du khách không thể bỏ qua một tuyệt tác của thiên nhiên là động Nhị Thanh (Lạng Sơn); ở Pắc Pó, Cao Bằng có hang Cốc Bó bên dòng suối Lênin trong vắt, xanh lung linh như mây trời. Đến Bắc Kạn, du khách có thể thả mình đong đưa trên mặt hồ Ba Bể yên bình, ăn cá nướng tươi ngon. Đến Cao Bằng thì tìm về Bản Giốc với những dòng thác cao như nước đổ từ mây xuống rừng…

Cả dãy miền Trung của Tổ quốc là mặt biển thơ mộng, cát trắng mịn. Những du khách châu Âu quanh năm sương mù, băng tuyết không thể kìm lòng để trải mình trên bờ cát trắng, tắm mình dưới ánh nắng chói chang. Hàng loạt các đảo nhỏ như Cù Lao Chàm (Hội An - Đà Nẵng) có bãi biển đẹp không thua gì bãi biển Bali (Indonesia), có san hô đầy màu sắc và cá lội tung tăng. Du khách có thể dùng ống lặn để bơi cùng cá, ngắm san hô. Với hơn 1.700km giáp biển, Việt Nam có bờ biển trải dài từ các tỉnh miền Trung đến Nha Trang, Phan Thiết… Xuống miền Tây của Tổ quốc, du khách sẽ được tận hưởng những món hải sản ngon tuyệt, đặc sản của cây thơm trái lạ trù phú…

Thác Bản Giốc

Nói đến Việt Nam, du khách người Pháp Eric Versault sau hành trình xuyên Việt đã trầm trồ: Việt Nam có tất cả những “đặc sản” về thiên nhiên lẫn ẩm thực. Phong cảnh tuyệt đẹp và đặc sắc… Nhưng ông tỏ ra tiếc nuối, Việt Nam chưa khai thác được thế mạnh du lịch của mình. Cách thức tổ chức những điểm đến du lịch còn nghèo nàn. Và điều mà du khách lo lắng khi đến Việt Nam là tình trạng bán giá chặt chém khiến du khách lo ngại. Chị Nguyễn Khánh Ngọc (Quảng Ngãi) nói, chị rất thích tham gia những chuyến du lịch khám phá, mua sắm, thế nhưng điều đáng ngại nhất là cứ hễ thấy khách du lịch hoặc người vùng miền khác đến mua là bán giá “cắt cổ”! Mới đây thôi, chị đi du lịch đến chợ Đông Kinh - Lạng Sơn, nhìn hàng hóa thấy ham, nhưng giá cả thì không kiểm soát được. Tiểu thương ở đây hét giá gấp 3 lần giá bán bình thường nên dù trả giá nào cũng bị “hớ”! 

Tương tự, một du khách người nước ngoài nói với chúng tôi, anh ngại vô chợ Bến Thành vì không biết trả giá thế nào cho phù hợp. Do vậy, anh chỉ vào chợ cho biết, nhìn ngắm các loại hàng hóa chứ không dám mua. Anh Adam - một du khách người Anh ở khu phố Tây - quận 1, sau khi vào chợ xem giá phải gọi điện thoại hỏi người bạn từng đến Việt Nam tư vấn cách trả giá, cuối cùng anh mua được chiếc áo thun với giá 100.000 đồng, trong khi trước đó người bán “hét” 840.000 đồng!

Khách du lịch đến với thắng cảnh Ninh Bình. Ảnh: Lã Anh

Và… manh mún!

Ngoài ra, do việc phát triển du lịch ở một số vùng miền còn tự phát, manh mún, chưa được tổ chức liên kết, thống nhất nên không tạo được sự hấp dẫn đối với du khách. Ví dụ như tour du lịch sông nước miền Tây, nghe quảng cáo đây là vùng đất trù phú, cây thơm, quả ngọt, sông nước hữu tình. Thế nhưng, khi tham quan tuyến du lịch sông nước Bến Tre, “chúng tôi hoàn toàn thất vọng, hành trình là đi vào làng, ăn dĩa trái cây với vài miếng dưa hấu, mít, nghe vài bài ca cổ, rồi xuống ghe, đi ra thuyền rồi chạy một vòng, ghé nơi làm kẹo dừa, rồi đi xe ngựa về chỗ cũ…” - anh Nguyễn Huy Hoàng, Việt kiều Úc, kể. Anh nói, vùng sông nước này phong cảnh không có gì đặc biệt nên anh kỳ vọng được ăn đặc sản quê hương, được khám phá vườn cây ăn trái… Nghe nói dừa Bến Tre ngon, anh muốn uống nước dừa nhưng phải bám theo hành trình của tour mà điểm đến của tour lại không có bán nên đành… nhịn dù thèm!

Trong khi đó, nhìn từ du lịch Thái Lan, các tour hấp dẫn hàng triệu du khách Việt Nam tham quan cũng chỉ đơn giản là đến vườn cây ăn trái, được ăn “bao bụng” trái cây, các tour xem biểu diễn rắn, cưỡi đà điểu, lặn biển ngắm san hô… Tất cả những thứ đó ở Việt Nam có đủ, nhưng do ta phát triển manh mún nên không liên kết được. Trong khi nước bạn tổ chức tốt, có hệ thống giao thông đường bộ tốt, thống nhất giá bán, không có nạn chèo kéo nên du khách cảm thấy thoải mái. Riêng việc chụp hình, dù điểm nào cũng có thợ tự động chụp hình du khách nhưng khi trở ra nếu du khách không nhận ảnh, họ cũng chẳng cò kè. Cách tổ chức tour cũng được tính toán có kỹ thuật, dựa vào tâm lý khách, hành trình một ngày với điểm đến, giá tham quan rẻ nên dễ dàng “moi” được tiền của du khách. Ngược lại, nhiều điểm bán hàng của chúng ta còn nặng tâm lý chắc khách chỉ đến một lần nên… bán giá chặt chém! Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần học câu kinh doanh “Bán rẻ còn hơn ngồi không!”…

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần qua các năm và đến năm 2014 đạt trên 7,87 triệu lượt người, đông nhất từ trước tới nay. Con số du khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2014 so với năm 1995, đã tăng gấp trên 5,8 lần - tức trung bình mỗi năm tăng trên 9,7%. Trong đó, khách đến với mục đích du lịch đạt mức cao nhất (60,5%), tiếp đến là khách về thăm thân nhân (chiếm 17,1%), khách đến vì công việc (chiếm 16,8%)...

Số tiền chi tiêu bình quân một lượt khách cũng tăng dần qua các năm: Năm 2005 từ 661,4 USD/người lên 934 USD (năm 2010), lên 994,4 USD (năm 2013) và năm 2014 chỉ khoảng 927,1 USD.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục