Làm phim vì khán giả

Câu hỏi làm phim giải trí, thị trường hay làm phim nghệ thuật vốn luôn là trăn trở không hồi kết đối với các đơn vị sản xuất. Trên thực tế, hai khái niệm này cũng gây nhiều tranh cãi giữa những người làm nghề.     
Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn hào hứng với Chàng vợ của em - tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết nước ngoài
Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn hào hứng với Chàng vợ của em - tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết nước ngoài
Lấy khán giả làm trung tâm
Tại buổi họp báo ra mắt cuộc thi Nhà biên kịch tài năng mùa 2, một thí sinh trăn trở: Với những người mới bước vào nghề biên kịch, lựa chọn viết kịch bản theo xu hướng giải trí, thị trường hay nghệ thuật là lựa chọn thông minh? Nhà sản xuất Thanh Thúy - một thành viên của hội đồng chuyên môn, thẳng thắn: “Hãy làm phim vì khán giả của mình. Khán giả không quan tâm bộ phim đó thuộc dòng phim nào. Hãy làm những bộ phim hấp dẫn để khán giả xem xong đừng bế tắc”. Cũng theo Thanh Thúy, tiêu chí sản xuất các bộ phim của cô là để khán giả không tiếc tiền khi mua vé xem phim và không thất vọng vì đã bỏ thời gian 90 phút.   
Quan điểm lấy khán giả là trung tâm dường như đang được đa phần các nhà làm phim quan tâm. Đạo diễn Lương Đình Dũng tỏ ra đồng điệu khi cho rằng: “Trong suy nghĩ của tôi, không có phim nghệ thuật hay thương mại, chỉ là phim có khán giả hay không”. Đạo diễn của Cha cõng con khẳng định, đã là một bộ phim, dù ở bất kỳ thể loại, dòng phim nào, trước hết và trên hết phải là tác phẩm nghệ thuật đích thực. Theo đó, nó phải đạt được những yếu tố nghệ thuật cơ bản: sức hấp dẫn của câu chuyện, hình ảnh đẹp, cách kể chuyện đúng ngôn ngữ điện ảnh một cách lôi cuốn. “Nếu không đạt được những tiêu chí nói trên, bộ phim đó sẽ không có cơ hội để tiếp cận khán giả”, anh khẳng định.  
Trên thực tế, câu hỏi về phim nghệ thuật hay phim giải trí đã tồn tại từ rất lâu, đặc biệt khi điện ảnh Việt bùng nổ trong khoảng vài năm trở lại đây. Tự thân quá trình đó đã hình thành lằn ranh: phim giải trí dễ xem, dễ có doanh thu cao, trong khi phim nghệ thuật kén khán giả, làm ra chủ yếu chỉ để thi thố. Với những người mới bước vào nghề biên kịch, nó lại càng là sự trăn trở, bởi lý do đơn giản, ai cũng muốn khẳng định bản thân từ những tác phẩm đầu tay, nhất là khi phim thắng lớn về doanh thu.    
Giải bài toán khó
Kịch bản phim Việt hiện nay có thể nhận thấy hai dòng chảy tương đối rõ rệt. Thứ nhất, đó là phim chuyển thể và làm lại (remake). Chuyển thể từ kịch, sách (bao gồm cả tác phẩm văn học nước ngoài), phim truyền hình và thậm chí là cả MV ca nhạc. Trong khi đó, xu hướng remake các tác phẩm ăn khách của điện ảnh Hàn Quốc, Thái Lan... cũng đang rất được ưa chuộng. Dòng chảy thứ hai, dựa trên những bộ phim thành công vang dội về doanh thu để phát triển các câu chuyện cùng đề tài theo những hướng khác nhau. Sau thành công của Em chưa 18, dòng phim thanh xuân, vườn trường, ngôn tình nở rộ. Trước đó vài năm, phim hài nhảm cũng lên ngôi đầy ngoạn mục.  
Tuy nhiên, dù là xu hướng nào, câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi: Lối ra nào cho kịch bản phim Việt vẫn phải nằm ở chất lượng. Nhà sản xuất Charlie Nguyễn định nghĩa: “Đó phải là một câu chuyện hay, bất kể thể loại nào được kể một cách hấp dẫn, tạo cảm xúc cho khán giả”. Với kinh nghiệm của một nhà sản xuất, anh cũng cho rằng, kịch bản hay tức là chỉ cần nghe đề tài, khán giả đã tò mò, muốn xem, không cần biết ai là đạo diễn, diễn viên. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ khẳng định: “Kịch bản hay tức là khi đọc mình đã thấy thích và có cảm hứng để làm phim. Tôi đặc biệt đề cao tính độc đáo và ý tưởng nhân văn của câu chuyện, bởi bộ phim phải truyền tải được thông điệp, mang ý nghĩa gì”. Là người đứng sau thành công nhiều bộ phim, biên kịch Khánh Hoàng cho rằng, điều quan trọng nhất với mỗi biên kịch chính là hãy trung thực với chính mình. Bởi mỗi bộ phim có giá trị riêng và mang đến những cảm xúc chân thật khác nhau.  
Nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải, trên cương vị là người đã có những tác phẩm thành công cho rằng, ngoài việc có một câu chuyện tròn trịa, dễ hiểu, anh đặc biệt quan tâm đến tính khả thi, tức là kịch bản đó có phù hợp với tình hình sản xuất phim ở Việt Nam hay không. Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng đồng quan điểm đó, khẳng định kịch bản hay nhất thiết phải bao hàm yếu tố phù hợp về mặt kinh tế và môi trường điện ảnh Việt. Biên kịch, đạo diễn Kay Nguyễn nêu lại bài học khi thực hiện Cô ba Sài Gòn, để kinh phí không đội lên, ê kíp buộc lòng chỉ dành thời lượng rất ít cho bối cảnh những năm 1960, sau đó dùng thủ pháp xuyên không về hiện tại để giải quyết câu chuyện. 
Điện ảnh chưa bao giờ là cuộc chơi dành cho những tay nghiệp dư. Do đó, đừng quá quan tâm đến câu chuyện giải trí - nghệ thuật của kịch bản. Hãy sáng tạo kịch bản chất lượng, đủ sức lôi cuốn khán giả và quan trọng không kém là biết mình biết ta để “liệu cơm gắp mắm”. Đó mới thực sự là quyết định thông minh.

Tin cùng chuyên mục