Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18: Lại miệt mài đãi cát tìm vàng

Băn khoăn
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18: Lại miệt mài đãi cát tìm vàng

Với những con số ấn tượng: 139 phim của 44 cơ sở điện ảnh trên cả nước, trong đó có 23 phim truyện điện ảnh, 6 phim truyện video, 10 phim tài liệu nhựa, 62 phim tài liệu video, 12 phim khoa học và 26 phim hoạt hình, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 diễn ra tại Quảng Ninh từ 14 đến 17-10 được coi là một trong những liên hoan đạt kỷ lục về số tác phẩm tham dự. Song điều này cũng không phải là yếu tố đảm bảo cho một mùa đãi cát tìm vàng thành công của điện ảnh trong nước.

Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng).

Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng).

Băn khoăn

Nhìn về mặt số lượng, có thể mừng bởi chưa năm nào số phim dự giải lại nhiều đến vậy. Nhưng nói đến chất lượng, nhiều người không khỏi băn khoăn. Trong 23 phim ứng thí, điện ảnh tư nhân chiếm thế áp đảo, chỉ có 4 phim từ các hãng hưởng ngân sách Nhà nước: Cát nóng (Hãng phim Giải phóng), Đam mê (Hãng phim truyện 1), Lạc lối, Những người viết huyền thoại (Hãng phim truyện Việt Nam). Nhưng trong số này, phim Cát nóng ngay từ khi được chọn chiếu tại lễ khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần 2 (2012) đã bị chê là phim… đại thảm họa.

Dòng phim giải trí của tư nhân cũng không mấy khả quan bởi chủ yếu vẫn thuộc dòng phim hài nhảm. Nhiều tác phẩm sau khi ra mắt công chúng đã được liệt vào danh sách những bộ phim… thảm họa. Ở không ít bộ phim, từ góc máy, cốt truyện, ngôn ngữ, âm thanh ánh sáng... đều có sự phá cách đến xa rời các giá trị của một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Một số bộ phim được gọi là hiện tượng phòng vé như: Hit: Hoàng tử và Lọ lem; Yêu anh em dám không... vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Cơn dư chấn nhỏ mang tên Đường đua, Lửa Phật liệu đã đủ sức nặng để tạo nên bất ngờ khi mà nhiều ý kiến cho rằng phim chưa đột phá thực sự về mặt nghệ thuật mà chỉ có đột phá mang tính chất thương mại và bạo lực. Và có lẽ cũng không quá bất ngờ khi cán cân hiện nay đang nghiêng hẳn về Những người viết huyền thoại - bộ phim vừa ra mắt khán giả cách đây ít tuần, bởi lẽ từ nhiều kỳ LHP Việt Nam gần đây, giải Bông sen vàng luôn thuộc về phim đề tài chiến tranh cách mạng. Điều đó cũng cho thấy, sự hứng khởi của công chúng dành cho LHP năm nay chẳng nóng bao nhiêu vì phim dự thi đa phần đã quá cũ trong mắt khán giả.

Ở mảng phim truyện video, Người cộng sự dường như là một đối thủ nặng ký, một phần vì sức hút của bộ phim phát sóng trên VTV1. Với hy vọng đem một không khí mới, một diện mạo mới, phim hoạt hình Việt Nam được đánh giá là có sự đầu tư công phu cả về nội dung và kỹ thuật thể hiện, chủ đề các phim tham gia khá đa dạng, có phim lịch sử, môi trường, đồng thoại… Đáng tiếc, trong số 26 bộ phim hoạt hình tham gia tranh tài tại LHP Việt Nam thứ 18 thì Hãng phim hoạt hình Việt Nam chiếm số lượng áp đảo với 15 phim, Công ty Truyền thông Điền Quân với 10 bộ phim và 1 phim duy nhất của Hãng phim Giải phóng. Vì thế, dường như tính cạnh tranh trong hạng mục này cũng không quá gắt gao. Hạng mục phim tài liệu, khoa học cũng ở trong tình trạng tương tự khi mà cuộc chơi vẫn chưa xuất hiện đối thủ mới.

Tiếp lửa để bám trụ với nghề

Với con mắt tích cực của một người nhiều năm gắn bó với điện ảnh, NSƯT Lê Cung Bắc cho rằng, dù chất lượng các tác phẩm dự thi có chênh lệch nhưng vẫn cần đánh giá cao tất cả bởi sự hăng hái và nhiệt thành cùng nhau xây dựng, làm nên thành công của một sân chơi chung, tạo không khí sôi nổi cho nền điện ảnh.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ (phim Và anh sẽ trở lại) không giấu nổi cảm xúc của người lần đầu tiên được tham dự LHP Việt Nam với tư cách đại biểu có phim tham dự. Anh tâm sự, nó gần như là cảm giác của một cầu thủ lần đầu tiên được gọi vào đội tuyển quốc gia - hồi hộp xen lẫn tự hào. Đồng cảm với điều này, đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy (phim Đường đua) cũng cho rằng tham dự liên hoan không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để những người làm nghề trẻ tuổi tiếp cận với những bậc tiền nhân đi trước để được chỉ bảo, lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm quý báu và quan trọng hơn là được tiếp thêm lửa để thêm yêu và bám trụ với nghề.

NSND Thế Anh cho rằng, cái khó nhất của điện ảnh là sự sáng tạo và sự sáng tạo đó cần phải được nhìn thấy bằng việc thay đổi không ngừng, bất ngờ mới có thể tạo nên một bộ phim hay. Và chính khán giả là thước đo khách quan nhất về chất lượng phim. Liên hoan lần này cũng là cơ hội để những người làm điện ảnh cùng nhìn lại để có thể tìm được một hướng đi rõ ràng và hiệu quả chứ không chỉ dừng lại ở việc đãi cát tìm vàng như bao mùa liên hoan trước.

MAI AN

  • Bên lề 

* Ban Giám khảo phim truyện (chấm giải thưởng cho phim truyện điện ảnh và phim truyện video) gồm: NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn làm chủ tịch; các thành viên: nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, đạo diễn Hồ Quang Minh, NSƯT - quay phim Phạm Thanh Hà, họa sĩ Nguyễn Trung Phan, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đạo diễn âm thanh Hoàng Anh và diễn viên Nguyễn Lan Hương. Ban Giám khảo phim tài liệu - khoa học (chấm giải thưởng cho phim tài liệu và phim khoa học): NSND - đạo diễn Đặng Xuân Hải làm chủ tịch; các thành viên gồm các đạo diễn Vũ Thị Lệ Mỹ, Lê Hồng Chương, Bùi Đắc Ngôn; 3 nhà báo - nhà lý luận phê bình điện ảnh là Đoàn Minh Tuấn, Trần Tuấn Hiệp và Tô Hoàng. Ban Giám khảo phim hoạt hình (chấm giải thưởng cho phim hoạt hình): NSND - đạo diễn Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ tịch, các thành viên: đạo diễn Đào Minh Uyển, nhà văn Trần Ninh Hồ, nhạc sĩ Doãn Nguyên, nhà báo Chu Thu Hằng.

* Nhiều người trông đợi ở hội thảo về vấn đề quảng bá du lịch qua điện ảnh trong liên hoan phim. Năm 2006, khi phim Chuyện của Pao (kịch bản và đạo diễn: Ngô Quang Hải) được trình chiếu, thung lũng Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với bạt ngàn hoa cải vàng đã vẫy chào biết bao bàn chân của khách du lịch. Dù mới chỉ dừng lại ở việc người ta hẹn nhau lên Sủng Là đúng mùa hoa cải rộ để chụp những tấm ảnh đẹp và vàng ruộm như phim thì đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng của việc phim Việt Nam đã có công quảng bá và thu hút khách du lịch. Nhìn xa hơn, đến lúc phim ảnh đi trước, văn hóa, lối sống, phong cách tiêu dùng đi sau như các nhà làm phim của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… làm bấy lâu nay là điều mà những người yêu điện ảnh, yêu văn hóa mong mỏi. Tiếc là bấy lâu nay, chuyện phối hợp đa ngành ở Việt Nam vẫn còn khá xa vời. Đến ngay như một hội thảo được kỳ vọng như vậy mà trao đổi với chúng tôi, đại diện nhiều công ty du lịch lớn đều không biết, không được mời. Thế nên chắc chắn hội thảo sẽ dẫn đến việc tréo ngoe là các nhà làm phim bàn chuyện làm du lịch.

THẢO LƯ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục