Lò tái chế kim loại gây ô nhiễm

Bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 5-2017, cơ sở đúc kim loại (nhôm, đồng, chì) Sơn Hùng Phát nằm ngay giữa khu dân cư ở tổ dân phố 5, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 
Nguyên liệu tái chế được ép vuông vức xếp cao, bốc lên mùi hôi
Nguyên liệu tái chế được ép vuông vức xếp cao, bốc lên mùi hôi

Đến xác minh phản ánh của người dân, chúng tôi ghi nhận lò đúc kim loại phun khói bụi đặc quánh ra xung quanh. Mặc dù đứng cách xa cơ sở hàng trăm mét, nhưng mùi nồng nặc của khí kim loại khiến ai cũng cảm thấy rất khó chịu. 

Từ cổng, vào sân, đến trong nhà xưởng, những khối nguyên liệu tái chế gồm vỏ lon bia, lon nước ngọt được ép vuông vức xếp cao, bốc lên mùi hôi. Các cư dân phản ánh, chỉ riêng việc tập kết vỏ lon bia, lon nước ngọt các loại chất đống như thế đã có mùi khó ngửi lan xa. Đến khi lò đúc hoạt động (liên tục từ 5 giờ sáng đến khuya), khói bụi phát tán nghi ngút bao trùm khắp nơi, xộc thẳng vào nhà dân xung quanh, gây tức ngực, khó thở, người lớn còn không chịu được, nói gì trẻ nhỏ. Bà Nguyễn Thị Hồng than: “Biết khói bụi nhôm, chì này rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, nên từ khi lò này hoạt động, chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị trực tiếp và gửi đơn thư phản ánh lên chính quyền các cấp của huyện Ngọc Hồi, nhưng đến nay vẫn không có cơ quan nào giải quyết”.

Theo ông Trần Công Hậu, Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Kon Tum, phản ánh của người dân về hoạt động của cơ sở đúc kim loại Sơn Hùng Phát gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở. Thứ nhất, việc cơ sở đúc kim loại này nằm cạnh khu đông dân cư, không thuộc khu vực quy hoạch cho hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Ngọc Hồi là điều bất cập. Thứ hai, kiểm tra hồ sơ đất đai, phát hiện đây là đất ở và đất nông nghiệp, nhà xưởng không có giấy phép xây dựng. Tiếp đến, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ lò đúc của cơ sở quá đơn giản, chỉ gồm 1 ống khói cao 15m và bể lắng lọc. Bên cạnh đó, cơ sở không có kho chứa chất thải nguy hại theo quy định, dù có hợp đồng đơn vị chức năng thu gom. Nước thải phát sinh từ bể hấp cũng không được xử lý triệt để, do không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nói về việc giải quyết bức xúc của người dân trên địa bàn, ông Trần Công Hậu khẳng định: UBND huyện Ngọc Hồi cần thu hồi văn bản chấp thuận kế hoạch bảo vệ môi trường của cơ sở này, do chưa đảm bảo thủ tục đất đai, quy hoạch, cũng như các biện pháp bảo bệ môi trường còn hạn chế. Quan trọng hơn, huyện Ngọc Hồi cần sớm di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư.

Tin cùng chuyên mục