Về hai dự án “Trường THCS Lê Văn Tám” và “Trung tâm giáo dục thường xuyên” quận 7

Người dân vẫn tiếp tục khiếu nại giá đền bù

Người dân vẫn tiếp tục khiếu nại giá đền bù

Báo SGGP số ra ngày 10-5-2007 có bài viết về phương án bồi thường lỗi thời trong hai dự án “Trường THCS Lê Văn Tám” và “Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 7”. Đến nay, những khiếu nại của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Người dân vẫn tiếp tục khiếu nại giá đền bù ảnh 1

Dù báo chí đã lên tiếng, những khiếu nại của người dân đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hai dự án “Trường THCS Lê Văn Tám” và “Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7” (gọi tắt là DA) có quyết định giao đất trước ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành (1-7-2004) chỉ vài ngày, điều này đồng nghĩa với việc đơn giá đền bù sẽ áp dụng theo giá lạc hậu từ năm 1995.

Chưa hết, phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho hai DA trên thì đến cuối tháng 12-2004 mới có (nếu chiếu theo đó thì UBND Q7 phải làm theo chỉ đạo của UBNDTPHCM (văn bản ngày 12-7-2004) là: các phương án bồi thường được UBND TPHCM phê duyệt và ban hành từ 1-7-2004 trở về sau sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp các nghị định mới và đảm bảo quyền lợi của người bị giải tỏa) nhưng như lời ông Phan Văn Hồng, một người dân có đất bị thu hồi bức xúc: “Người ta đã cố ý “lờ” các điều khoản bảo đảm quyền lợi của chúng tôi để ép chúng tôi nhận đền bù với giá 90.000 đồng/m2 đất (và hỗ trợ thêm 110.000 đồng/m2).

Giá này mua không được 1 con gà trong khi giá đất nông nghiệp (mặt tiền đường) thực tế được sang nhượng là 6 triệu đồng/m2, đất thổ cư khoảng 8 triệu đồng/m2. Về mức thuế, nếu chuyển từ đất nông nghiệp lên đất ở, nhà nước đã thu của chúng tôi 1 triệu đồng/m2, thế mà đền cho chúng tôi chỉ 90.000 đồng/m2?”.

Ông Nguyễn Long Giang gay gắt: “Tôi không phải là dân đầu cơ đất. Tôi có 160m2 dự định cất nhà ở, bây giờ đền tôi 36 triệu đồng, tôi đi đâu đây? Tiền ăn hàng ngày còn không đủ ăn lấy tiền đâu mà mua nhà chung cư, nhà tái định cư vài trăm triệu đồng? Mới đây, lãnh đạo Q7 tiếp tục đòi cưỡng chế thu hồi đất của tôi”.

Bà Quách Trương Minh Nga bức xúc hơn: “Đất của tôi, tôi trình dự án xin xây nhà ở thì UBND quận bảo đất đó quy hoạch xây trường học. Tôi lập dự án xây trường học theo mô hình xã hội hóa giáo dục, chấp nhận đền bù cho bà con với giá 2 triệu/m2 thì UBND quận không cho mà ép tôi nhận đền bù giá thấp như vậy có phải là ép dân không”.

Trong đơn khiếu nại tập thể gửi các ĐBQH và các cơ quan chức năng TPHCM cùng với báo chí, đồng loạt các cử tri đề nghị UBND Q7 xem xét lại chính sách Hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư theo khoản 2, điều 10, chương II của Luật Đất đai (đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ 20%-50% giá đất ở liền kề) để bà con đỡ thiệt hại…

Trong đơn, cử tri còn đề nghị lãnh đạo Q7 “nhín” thời gian xuống hiện trường để xác định rằng đất của họ là đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư. Tại buổi tiếp xúc với cử tri mới đây, các đại biểu Quốc hội Trần Đông A, Trương Thị Anh, Bùi Hoàng Danh đã ghi nhận ý kiến của cử tri và hứa sẽ theo dõi vụ việc này. Trực tiếp đến tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận vị trí khu đất trên nằm bên cạnh các Khu dân cư Cảng Bến Nghé, Khu dân cư Cảng Tân Thuận, Khu dân cư TNXP và một số khu dân cư tự phát khác đã được chính UBND Q7 công nhận bằng “sổ hồng”.

Như vậy, có thể thấy rằng yêu cầu của cử tri là đúng. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Duy Khoa, Trưởng Ban Bồi thường-giải phóng mặt bằng Q7, thừa nhận: “Giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp, bất hợp lý và lẽ ra người dân cần được hỗ trợ 20%-50% giá đất ở liền kề. UBND Q7 đã và đang kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc hỗ trợ nhằm giảm thiệt hại cho bà con mất đất….”.

Mong rằng, lời tuyên bố như vậy sẽ được thể hiện bằng thực tế chứ không chỉ là lời hứa… để xoa dịu dư luận. 

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục