40 năm oan khuất

Mới đây, bà Nguyễn Thị Cầu, 77 tuổi cùng con trai là Dương Minh Trị, 54 tuổi, cán bộ Thanh tra Bộ Y tế (Văn phòng 2) ngụ tại chung cư Đồng Diều, phường 4 quận 8 TPHCM, đến Báo SGGP kêu oan, đòi phục hồi danh dự cho chồng và cha của họ. Phóng viên Báo SGGP đã tìm hiểu sự việc…
40 năm oan khuất

Mới đây, bà Nguyễn Thị Cầu, 77 tuổi cùng con trai là Dương Minh Trị, 54 tuổi, cán bộ Thanh tra Bộ Y tế (Văn phòng 2) ngụ tại chung cư Đồng Diều, phường 4 quận 8 TPHCM, đến Báo SGGP kêu oan, đòi phục hồi danh dự cho chồng và cha của họ. Phóng viên Báo SGGP đã tìm hiểu sự việc…

“Kỳ án” 40 năm trước

Tại thôn An Giang xã Mỹ Đức huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định, có một vụ việc kéo dài hơn 40 năm đến nay chưa giải quyết xong. Sự việc bắt đầu từ mâu thuẫn giữa ông Dương Ngọc Chánh và ông Nguyễn Ngưu. Ông Chánh là thầy giáo trường tiểu học, còn ông Nguyễn Ngưu là Phó An ninh xã Mỹ Đức.

Ông Chánh hoạt động cách mạng liên tục, còn ông Ngưu đã có thời gian đầu thú địch, rồi sau đó trở về xã, len lỏi vào hàng ngũ cách mạng. Do ông Chánh biết rõ “vết đen” trong lý lịch của ông Ngưu, nên ông Ngưu không ưa ông Chánh và tìm cách hãm hại. Hai người đã có những lần cãi nhau kịch liệt.

Tưởng chuyện giữa cá nhân với nhau sẽ qua đi, nào ngờ vào một ngày giữa tháng bảy năm 1968, ông Ngưu chỉ đạo 3 nhân viên an ninh xã đến nhà ông Chánh dẫn giải ông về trụ sở. Tại đây, ông Ngưu bảo ông Chánh là “điệp báo viên của địch…”, còn ông Chánh thì khẳng định: “Tôi không phải là điệp báo viên của địch, tôi yêu cầu được làm việc với cấp trên…”.

Đêm đó, ông Ngưu ra lệnh cho công an xã dẫn giải ông Chánh lên huyện. Trước khi đi, ông Ngưu dặn nhỏ ông Lanh - một trong ba người áp giải ông Chánh: “Khi đi đường, hễ có hành động gì thì… xử ngay!”.

Bị trói tay chân bằng dây dù nên ông Chánh đi từng bước rất khó khăn. Đến đoạn đường khó đi, ông Chánh bỗng vấp té. Chỉ đợi có thế, Lanh nổ hai phát súng bắn ông Chánh chết ngay tại chỗ, sau đó chạy về báo ông Ngưu biết. Sáng hôm sau, ông Ngưu lên huyện trình báo với cấp trên rằng: “Tên Chánh phản động, làm điệp báo viên cho Mỹ ngụy nên đã bị cách mạng trừng trị…”.

Anh Dương Minh Trị với hồ sơ kêu oan cho cha. Ảnh: M.N.

Anh Dương Minh Trị với hồ sơ kêu oan cho cha. Ảnh: M.N.

Hành trình giải oan

Nghe tin chồng mình bị xử bắn, bà Nguyễn Thị Cầu cùng 5 đứa con thơ chạy đến kêu khóc thảm thiết, rồi đem xác chồng về chôn ở đất nhà. Hơn ai hết, bà Cầu hiểu rõ chồng mình không phải là kẻ phản bội, bởi cả hai vợ chồng bà cùng nuôi giấu cán bộ và tham gia hoạt động cách mạng. Tất cả đồng đội của bà lẫn người dân quanh vùng đều khẳng định ông Chánh chết oan.

Người con trai lớn của bà là Dương Minh Trị, lúc đó mới 13 tuổi, chứng kiến cái chết tức tưởi của cha mình đã thề với lòng sẽ tìm mọi cách để giải oan cho cha. Năm 1972, anh Trị thoát ly vào rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ với niềm tin sắt đá: “Đảng, cách mạng sẽ không để ai bị oan sai…”.

Sau ngày giải phóng, anh cùng mẹ đi “gõ cửa” khắp nơi để chứng minh chồng và cha mình không phải là “kẻ phản bội cách mạng”. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ, đảng viên là đồng đội của ba má anh ở tỉnh Bình Định đã đồng loạt ký tên xác nhận cha anh không phải là “tình báo viên của địch”.

Trong khi sự thật càng chứng tỏ phẩm chất của ông Chánh bao nhiêu thì bản chất của ông Nguyễn Ngưu càng bị vạch trần bấy nhiêu. Sau này, đích thân Bí thư Đảng ủy huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định, đã phải khai trừ Đảng và đuổi việc Nguyễn Ngưu vì phạm nhiều tội như: lợi dụng chức vụ quyền hạn đã ra lệnh bắt, giết oan nhiều cán bộ của ta; trực tiếp cướp của, hãm hiếp nhiều người…

Những tưởng khi “ánh sáng” và “bóng tối” được phân định rõ ràng thì tổ chức Đảng và chính quyền địa phương sẽ phục hồi danh dự cho ông Chánh. Thế nhưng, éo le thay, không hiểu vì sao chính quyền địa phương vẫn cố tình làm ngơ, thậm chí tiếp tục gây khó khăn cho gia đình anh Trị.

Cụ thể, khi anh Trị làm hồ sơ thi đại học thì không được xác nhận, vì là “con tên phản động”. Người em kế của anh Trị tốt nghiệp trung học nông nghiệp, không được nhận bằng tốt nghiệp. Người em trai út của anh là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường K năm 1980 nhưng chính quyền địa phương không cho chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ!? Dường như mọi cánh cửa vào đời đều khép chặt đối với gia đình ông Chánh.

Dẫu vậy, vợ con ông Chánh vẫn tin tưởng cách mạng, luôn phấn đấu vươn lên. Vợ ông Chánh là bà Nguyễn Thị Cầu được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba và là mẹ liệt sĩ. Các con ông Chánh đều được kết nạp vào Đoàn, vào Đảng.

Không thể chấp nhận nỗi oan khuất kéo dài, anh Trị lại tiếp tục, gửi đơn lên các cấp từ huyện, tỉnh, TP đến Trung ương, quyết tìm ra công lý để giải oan cho cha. Sau hơn 30 năm trời đi kêu oan khắp nơi, cuối cùng ánh sáng công lý cũng đến với gia đình của họ. Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an đã có các công văn số 1973/ A11 (A35) ngày 14-12-2000 và công văn số 1028/A1 (A35) ngày 6-8-2001 gửi Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Bảo vệ Chính trị Trung ương báo cáo về trường hợp xảy ra cái chết của ông Chánh và kết luận: “Ông Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên của địch”.

Ngày 22-12-2003, Cục Bảo vệ Chính trị 1 thuộc Tổng cục An ninh đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh về cái chết của ông Chánh cũng có kết luận như trên. Ngày 12-2-2004, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương có công văn số 30 –CV/BVTW gửi Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Thành ủy TPHCM cũng kết luận: ông Chánh không phải là kẻ phản động.

        Trên bảo, dưới không nghe

Dù sự việc đã sáng tỏ “như ban ngày”, song cho đến nay chính quyền địa phương từ xã, huyện đến tỉnh Bình Định vẫn không chịu phục hồi danh dự và trả lại lý lịch trong sáng cho ông Chánh, chỉ vì lý do: “Tỉnh ủy Bình định chưa thông báo công văn của Trung ương Đảng và Tổng cục An ninh, Bộ Công an về huyện, xã…”.

Bà Nguyễn Thị Cầu (vợ ông Chánh), tức tưởi nói: “Chừng nào chưa giải oan được cho chồng, có chết tôi cũng không yên…”.

Anh Trị lại gửi đơn kèm toàn bộ công văn giấy tờ của cấp trên gửi tỉnh Bình Định và Đảng ủy xã Mỹ đức và Huyện ủy Phù Mỹ, nhưng các cơ quan này vẫn “im lặng đáng sợ”. Đáng nói, khi con trai anh Trị về địa phương xác nhận lý lịch thì vẫn bị coi là cháu nội “tên phản động”.

Mới đây, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, ngụ tại cư xá Tự Do, phường 7 quận Tân Bình TPHCM, là bạn học thuở nhỏ của ông Chánh - đã phải lên tiếng và gửi thư đến Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đề nghị Trung ương Đảng chỉ đạo chính quyền tỉnh Bình Định sớm phục hồi danh dự cho ông Chánh, không để nỗi oan tiếp tục đè nặng lên người thân của họ… 

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục