Những bài học từ vụ giải cứu đội bóng nhí ở Thái Lan

Đã hơn 3 ngày kể từ khi toàn bộ đội bóng thiếu niên Thái Lan Wild Boars được cứu thoát khỏi hang Tham Luang, dư âm về chiến dịch giải cứu kỳ diệu vẫn còn đọng lại trong dư luận thế giới. Trong đó, có nhiều bài học cần rút ra là tinh thần hợp tác quốc tế, kỹ năng và công tác tổ chức.
Các thành viên đội bóng nhí được theo dõi sức khỏe trong bệnh viện
Các thành viên đội bóng nhí được theo dõi sức khỏe trong bệnh viện
Bài học từ sự yêu thương

Theo The Nation, ngày 13-7, Thái Lan đã tổ chức tuyên dương hơn 100 tình nguyện viên nước ngoài tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan, đặc biệt là 2 thợ lặn người Anh John Volanthen và Rick Stanton, là những người đầu tiên phát hiện ra đội bóng.

Báo chí và người dân Thái Lan cho rằng chiến dịch giải cứu sẽ không thành công nếu thiếu sự hợp tác từ các quốc gia khác nhau, từ một bác sĩ Australia chuyên lặn hang đến các thợ lặn người Anh và cả đội điều hành tàu lặn mini SpaceX của Elon Musk vì lo ngại việc giải cứu không an toàn. “Sự kiện này đã mang mọi người trên khắp thế giới đến với nhau,” Chayakorn Kumchoke (27 tuổi), một cư dân ở Chiang Mai, cho biết. Trong những khoảnh khắc ăn mừng, mọi người cũng không quên dành thời gian để tưởng nhớ cựu hải quân Thái Lan Saman Kunan, người đã hy sinh ngày 6-7, khi đặt các bình khí trong hệ thống hang động để chuẩn bị cho cuộc giải cứu. Mặc dù đã giải ngũ, anh vẫn tình nguyện quay trở lại để giúp đỡ chiến dịch giải cứu. Các quan chức gọi anh là “anh hùng không chỉ cho người Thái mà còn cho cả thế giới”.

Chỉ huy chiến dịch giải cứu, Tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai Narongsak Osottanakorn cho biết, chiến dịch giải cứu là bài học về sự yêu thương: “Tôi muốn nhìn thế giới yêu thương nhau. Tôi muốn thấy người dân Thái Lan yêu thương nhau như những gì chúng ta đã thấy trong chiến dịch giải cứu này”.

Jessica Tait, quân nhân người Mỹ, tham gia lực lượng giải cứu cho biết, cô rất cảm kích về tình người trong chiến dịch giải cứu: “Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Thái Lan, mọi người thuộc các quốc gia như một, đó là điều tạo nên sức mạnh hoàn thành một nhiệm vụ được cho là bất khả thi”. Tait làm việc ở khu vực số 3, gần nhất với nơi bọn trẻ ẩn náu. Nơi này thành lập ban chỉ huy và bọn trẻ được chăm sóc y tế đầu tiên từ đây. Theo cô, nỗi lo sợ của các nhân viên cứu hộ luôn tập trung vào cậu bé nhỏ tuổi nhất, bé Chanin Wiboonrunguen, 11 tuổi. Ngay cả thợ lặn Stanton cũng viết trong một email ngày 8-7: “Chúng tôi lo lắng về chàng trai nhỏ nhất, cậu bé không biết lặn”.
Hang Tham Luang thành bảo tàng sống

Khu phức hợp hang Tham Luang Nang Non ở Thái Lan, trong đó có nơi các bé trai từ 11 đến 16 tuổi bị kẹt lại, được xem là hang động nguy hiểm sẽ trở thành một nơi giới thiệu cho người dân địa phương và du khách. 

Theo ông Narongsak Osottanakorn, tỉnh trưởng Chaign Rai và là người đứng đầu chiến dịch giải cứu, “khu vực này sẽ trở thành một bảo tàng sống, để cho thấy diễn biến của chiến dịch giải cứu”. Ông Osottanakorn cho biết thêm, “một cơ sở dữ liệu tương tác” sẽ là một phần của bảo tàng để du khách khám phá. Ngoài ra, Hollywood cũng cho biết sẽ dựng phim về chiến dịch giải cứu.
Công tác tổ chức Một trong những chìa khóa cho sự thành công của cuộc giải cứu là một hoạt động bơm liên tục, rút hàng triệu gallon nước khỏi hang động. Điều này đã gây ngập lụt đất nông nghiệp gần đó. Tuy nhiên, những người nông dân không hề phiền lòng vì chuyện này, bởi “cứu người là quan trọng nhất”. Ngay sau khi nhiệm vụ giải cứu hoàn tất, các đội đã được triển khai để bơm nước ra khỏi các trang trại của nông dân.  Các tình nguyện viên Thái Lan ngay từ khi có thông tin mất tích đội bóng nhí đã xuất hiện tại hiện trường để tìm kiếm lối vào trong khu rừng núi  hiểm trở hoặc chỉ để nấu ăn cho những người cứu hộ. Chanthawong, huấn luyện viên đội bóng nhí, đã xin lỗi các gia đình vì vai trò của anh dẫn trẻ em vào hang động. Nhưng thay vì trách móc về vai trò dẫn dắt lũ trẻ vào hang động, phương tiện truyền thông xã hội Thái Lan miêu tả anh là một “anh hùng trong việc chăm sóc trẻ em khi còn kẹt trong lòng đất hàng chục ngày”. Hơn nữa, công tác thông tin truyền thông ngay cửa hang, họp báo hàng ngày và khi chiến dịch giải cứu bắt đầu, truyền thông bị hạn chế tại khu vực cửa hang đã giúp công tác giải cứu thêm thành công. Khâu hậu cần như chuẩn bị xe cứu thương, máy bay trực thăng đến tận khu vực hẻo lánh ở hang Tham Luang cũng là điểm sáng trong hoạt động giải cứu. Công tác chăm sóc đội bóng sau khi được giải cứu được đánh giá là chuẩn bị tốt về cả cơ sở vật chất và tinh thần cho cả cầu thủ nhí và gia đình yên tâm.   Dữ liệu về các vụ mắc kẹt trong hang động tương tự như vụ ở hang Tham Luang hầu như chưa được ghi nhận tại Thái Lan hay bất kỳ nước Đông Nam Á nào. Vì vậy, sẽ không có phương án cứu hộ sẵn có nào có thể áp dụng ngay. Thay vào đó, các nhà tổ chức giải cứu đã nghiên cứu những vụ riêng lẻ tường xảy ra trong quá khứ để xâu chuỗi lại với sự giúp sức của máy tính. Kết hợp với các dữ liệu về địa hình, thời tiết, máy tính đã thiết lập một kế hoạch giải cứu. Ngoài ra, các nhà hoạch định chiến dịch giải cứu đã có công thiết lập hệ thống thông tin bên trong hang bằng việc đưa cáp quang và sóng radio vào hang để theo dõi mọi động tĩnh trong hang từ bên ngoài. Các nhà phân tích cho rằng, thậm chí hệ thống thông tin này có thể triển khai thêm tại nhiều hệ thống hang động và địa hình hiểm trở khác để có thể liên lạc với nạn nhân ngay khi họ vừa mất tích.
Những bài học từ vụ giải cứu đội bóng nhí ở Thái Lan ảnh 1 Thợ lặn Anh rời hang sau khi phát hiện đội bóng
Kỹ năng Ngày đầu tiên Hải quân Thái Lan SEAL bước vào hang động, họ lội qua làn nước tối tăm trên một địa hình đá sắc nhọn và lặn trong bóng tối. Họ tìm kiếm những người sống sót từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều, mất dấu thời gian do thiếu ánh sáng tự nhiên. Vào thời điểm đó, nước đã bắt đầu tăng lên, đầu tiên là 3cm mỗi giờ sau đó là 8cm và 13cm và nguy cơ tiềm ẩn của một trận lũ quét luôn rình rập.  Theo hải quân Thái Lan, thợ lặn làm việc bên trong hang động Tham Luang không biết đó là ngày hay đêm. Trời luôn tối và nước lạnh. 4 thợ lặn đầu tiên của hải quân Thái Lan được triển khai để cung cấp thực phẩm và chăn cho những người sống sót. Sau đó là hoạt động triển khai đặt bình dưỡng khí, dây dẫn đường, truyền thông, lập trạm y tế trong hang… Trước khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, không có thợ lặn hải quân nào của Thái Lan có kinh nghiệm lặn trong hang động chứ chưa nói hang động phức tạp đầy những đường hầm hẹp như hang Tham Luang. Tại một số thời điểm, các thợ lặn phải tháo các thùng chứa khí để lặn trong nước lạnh đe dọa đến tính mạng. Hải quân Thái Lan sau cuộc giải cứu thừa nhận, họ phải bổ sung môn lặn trong hang động vào các kỹ năng để đề phòng các trường hợp giải cứu sau này.
Ngày 23-6: 12 thành viên của đội bóng đá Wild Boar (11-16 tuổi) bị mất tích, cùng với huấn luyện viên của họ, trong một khu phức hợp hang động ở miền Bắc Thái Lan sau một trận lũ quét.

24-6: Lực lượng cứu hộ buộc phải đình chỉ việc tìm kiếm do nước dâng cao, mặc dù đã tìm thấy bằng chứng của đội cách hang 3km.

25-6: Các máy bơm được lắp đặt để rút nước khỏi hang sau khi các thợ lặn Hải quân Thái Lan tìm thấy các dấu tay các thành viên đội bóng trên vách hang động.

27-6: Khoảng 1.000 nhân viên quân đội và hải quân, cùng với các tình nguyện viên, tham gia tìm kiếm. Sự tham gia của quốc tế bắy đầu.

30-6: Thời tiết thuận lợi dễ dàng cho các thợ lặn tiến xa hơn vào hang động, nhưng vẫn không tìm thấy đội bóng.

2-7: Thợ lặn Anh tìm thấy đội bóng vẫn còn sống. Họ đang đứng trên một bãi đất cao trong hang động.

3-7:  Hải quân Thái Lan cung cấp chăn, thực phẩm, nước và viện trợ y tế cho đội bóng. Các quan chức bắt đầu xây dựng kế hoạch giải cứu.

6-7: Một sĩ quan Thái chết do thiếu oxy trong lúc đặt bình oxy trong hang phục vụ chiến dịch giải cứu.

8-7: 4 em đầu tiên trong đội bóng được đưa khỏi hang sau 11 giờ hành trình.

9-7: 4 em kế tiếp được giải cứu với thời gian được rút ngắn hơn 2 giờ.

10-7: 4 em còn lại và huấn luyện viên được cứu.

Tin cùng chuyên mục