Những công xưởng mới của thế giới

Sau nhiều năm giữ danh hiệu hàng đầu, vị trí công xưởng thế giới của Trung Quốc đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia nằm trong nhóm MITI-V (Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam).

Sau nhiều năm giữ danh hiệu hàng đầu, vị trí công xưởng thế giới của Trung Quốc đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia nằm trong nhóm MITI-V (Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam).

Mất lợi thế cạnh tranh

Theo Diplomat, nhờ trở thành công xưởng thế giới, từ vị trí thứ 9 trong năm 1980, nền kinh tế Trung Quốc đã leo lên vị trí thứ 2 chỉ đứng sau Mỹ. Trung Quốc hiện đã lọt vào danh sách tốp 15 nền kinh tế cạnh trạnh về năng lực sản xuất cùng với Mỹ và Đức. Nhưng theo dự đoán của Công ty Deloit, trong 5 năm tới, nhóm MITI-V hay còn gọi là Mighty Five sẽ lọt vào danh sách này sau khi trở thành những công xưởng thế giới mới.  Lý giải về những dự đoán này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc đã không còn lợi thế cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu với giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp khiến lợi nhuận công ty giảm. Mức lương của người lao động Trung Quốc đang dần tăng lên qua từng năm. Sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc chỉ rẻ hơn sản xuất tại Mỹ ở mức 4% do mức lương của người lao động đã tăng 80% kể từ năm 2010 cho đến nay.

Những công xưởng mới của thế giới ảnh 1

Các kỹ sư phần mềm làm việc ở Mumbai, Ấn Độ

Theo nghiên cứu của IHS Markit, một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp chọn Trung Quốc là nơi gia công giá rẻ đã giảm xuống dưới 50% so với 70% năm 2012. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc công bố cho biết, trong tháng 1 năm nay, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm 14,73%, chỉ có 120 tỷ USD. Trong 2 năm trở lại đây, hàng loạt các công ty, tập đoàn đã cắt giảm lao động hoặc đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc như: McDonald’s đã bán 80% cổ phần tại Trung Quốc và Hongkong cho tập đoàn Citic Group và Carlyle Group LP; nhà máy sản xuất ổ cứng lớn nhất thế giới Seagate công bố việc đóng cửa nhà máy ở Tô Châu, sa thải gần 2.000 người; Công ty điện tử Philips đóng cửa và sa thải nhân viên của công ty được đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc; Nokia đóng cửa 5 nhà máy ở Trung Quốc.

Không chỉ nằm ở chi phí sản xuất cao, làn sóng đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hạ nhiệt do chịu tác động từ sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế không còn các chỉ số hấp dẫn về tăng trưởng. Để đối phó với tình trạng này, từ một quốc gia tiếp nhận đầu tư nước ngoài, Trung Quốc chuyển thành quốc gia đầu tư vốn ra nước ngoài và hướng tới một nền sản xuất ở nội địa, phục vụ chính nhu cầu trong nước với hơn 1 tỷ người. Từ một nền công nghiệp có công nghệ trung bình, từng dựa vào sản xuất hàng hoá giá rẻ để xuất khẩu thì nay Trung Quốc đã chú trọng hơn đến việc phát triển nền công nghiệp có công nghệ cao.

Ấn Độ dẫn đầu

Trong nhóm MITIV-V, các quốc gia được đánh giá cao về giá lao động rẻ, năng lực sản xuất đa dạng và có thị trường cũng như nền kinh tế phát triển ổn định, Ấn Độ được cho là đối thủ cạnh tranh số 1 của Trung Quốc. Theo một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu FDI, từ năm 2015, Ấn Độ lần đầu tiên trở thành nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Trong năm 2015, Ấn Độ đã vượt qua Mỹ (với 59,6 tỷ USD) và Trung Quốc (56,6 tỷ USD). Các công ty xác định tiềm năng phát triển thị trường trong nước và quan hệ gần gũi với các thị trường khác là hai lý do chính để đầu tư ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tại Ấn Độ, bang Gujarat nổi lên như một “đầu tàu” về thu hút FDI với khoảng 12,4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2015 và tiếp theo là bang Maharashtra với 8,3 tỷ USD FDI.

Một nhà máy sản xuất ô tô tại Bekasi, Indonesia

Không chỉ hấp dẫn giới đầu tư về các mặt hàng sản xuất thông dụng như quần áo, vải vóc hay đồ gia dụng, Ấn Độ còn là trung tâm sản xuất hàng điện tử và các thiết bị viễn thông. Trong năm 2016, hãng sản xuất điện thoại Huawei của Trung Quốc công bố kế hoạch sản xuất 3 triệu chiếc điện thoại thông minh hàng năm tại Ấn Độ. Foxconn, đối tác cung cấp linh kiện của Apple, cũng đang triển khai việc hoàn thành nhà máy sản xuất iPhone trị giá 10 tỷ USD tại Ấn Độ. Thế mạnh của Ấn Độ là đáp ứng được nguồn nhân lực có trình độ hỗn hợp, vừa có lao động cao vừa có lao động phổ thông. Nước này còn có ưu điểm là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn  với 1,2 tỷ dân. Môi trường đầu tư sản xuất của Ấn Độ cũng đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ. Chính phủ Ấn Độ năm 2014 đã phát động chiến dịch “Make in India” (Chế tạo tại Ấn Độ), nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất trong nước. Chiến dịch đã đạt được một số thành công. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của nước này cũng có nhiều hạn chế như: trong lĩnh vực giao thông và cung cấp năng lượng. Đây là những lĩnh vực Ấn Độ bị xếp hạng thấp nhất trong số các nền kinh tế mới nổi.

Đề cập đến các nước Đông Nam Á trong nhóm MITI-V, Tiến sĩ Carlo Bonura thuộc Đại học Oxford nhận định rằng, có rất ít rủi ro như bị tước quyền sở hữu tài sản hoặc rủi ro trong lao động. Theo ông, Đông Nam Á là khu vực  đều có một nhận thức chung rằng bất ổn và cô lập về chính trị sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế. Điều này trái ngược với Ấn Độ, trước khi Thủ tướng Modi nắm quyền, Ấn Độ được biết đến là nước không mở rộng cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài. Thái Lan và Malaysia đang tập trung vào nền sản xuất với công nghệ cao và trung bình hơn là nền sản xuất với chi phí thấp. Thái Lan đã là một quốc gia mạnh về sản xuất ô tô, điện tử, thực phẩm và công nghiệp hóa chất, trong khi Malaysia cũng là quốc gia có thế mạnh đối với ngành công nghiệp hóa chất, máy móc thiết bị và công nghiệp chế biến cao su. Trong vài năm qua, nhiều công ty đang dịch chuyển sang Việt Nam, nước có chi phí nhân công chỉ bằng một nửa Trung Quốc, cùng môi trường chính trị ổn định. Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng tốt hơn so với Indonesia. Theo ông Bonura, vấn đề đối với Indonesia là vẫn chưa cải thiện năng lực quản lý nhà nước để thực hiện các chiến lược công nghiệp và nước này cũng đang đối mặt với vấn đề lớn về cơ sở hạ tầng.

HOÀNG THANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục