Sẽ đấu thầu toàn bộ các dự án BOT

Giải đáp lo lắng của ĐBQH về những lùm xùm thời gian qua liên quan đến các dự án BOT, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định: “Chúng ta sẽ đấu thầu hết toàn bộ chứ không chỉ định thầu như trước đây".
Một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã được xây dựng, đưa vào khai thác
Một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã được xây dựng, đưa vào khai thác

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 9-11 về dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, ĐBQH Sóc Trăng nói:

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
 Tôi sinh ra lớn lên ở Đồng Tháp, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tôi xin nói rõ là toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc Nam này không có một mét đường nào chạy qua các địa phương đó. Do đó việc tôi phát biểu ở đây là hết sức công tâm.

Thứ nhất, ngân sách hiện nay vô cùng khó khăn, đất nước thì trải dài, không phải nơi nào cũng có điều kiện kinh tế xã hội giống nhau. Mà các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ hiện đã được kết nối bởi trục quốc lộ 1, chúng ta cũng thường xuyên nâng cấp nhưng hiện cũng đã quá tải, làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các khu cụm công nghiệp, đô thị lớn, trung tâm cung cấp ngân sách lớn cho quốc gia. Vì thế, Chính phủ xây dựng đề án này là để muốn hình thành một trục lộ kết nối các trung tâm kinh tế chính trị của đất nước, tạo sự đột phá về kinh tế xã hội.

Với nguồn vốn ít như thế, Chính phủ xác định tập trung phát triển đường cao tốc Bắc Nam là để giúp một số địa phương có điều kiện phát triển được thương mại, công nghiệp, dịch vụ cao phát triển tốt.

Những tỉnh tập trung vào nông nghiệp thì khó khăn hơn, nhưng nghèo hơn không có nghĩa là không có lối thoát. Tôi nghĩ muốn đất nước phát triển bền vũng, muốn ngân sách dồi dào, tỉnh giàu hỗ trợ tỉnh nghèo, muốn 5-3 năm nữa có ngân sách hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn thì không có con đường nào khác là ủng hộ dự án này. Nếu một miếng bánh chia mành mành ra 63 tỉnh thành thì không được bao nhiêu, không tạo ra đột phá.

Đề cập đến việc trong 11 dự án lại có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo phương thức BOT, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Đoạn đầu tiên, 15km từ Cao Bồ đến Mai Sơn, ta tách thành 1 dự án, ngắn hơn rất nhiều dự án khác, là vì xác định đoạn này phải làm 4 làn xe mới đảm bảo lưu lượng từ Hà Nội đi Nghệ An - Hà Tĩnh. Hiện ta đã đầu tư 2 làn xe rồi, cần làm thêm 2 làn nữa. Nếu chỉ làm thêm 2 làn mà áp dụng BOT, đưa tư nhân vào thu phí thì nhân dân tâm tư, nên Chính phủ đề xuất dù chỉ 15km cũng tách thành một dự án và đầu tư công. Tiền thu là thu cho ngân sách nhà nước”.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng đã giải thích về 2 dự án đầu tư công còn lại là đường cao tốc 2 làn xe từ Cam Lộ đến La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.

Dự án Cam Lộ - La Sơn, theo Bộ trưởng, là nhằm thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (HCM). “Hiện các đoạn khác ta có đường HCM, nhưng đoạn này đường HCM đi trùng với quốc lộ 1. Chúng tôi tính toán là chỉ đầu tư 2 làn xe ở đoạn này nên tuy đoạn đường dài, nhưng chỉ chưa tới 8.000 tỷ đồng. Khả năng thu hồi vốn đoạn này không lớn nên khó thu hút đầu tư tư nhân”. Với cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng cho biết cầu hiện nay đã quá tải, không đáp ứng được yêu cầu. “Cầu này rất đặc thù là có 7km thôi, cả đường dẫn, nhưng nếu làm sớm được dự án này cầu sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh 2 dự án BOT khác (hiện nhà đầu tư đang làm cầm chừng vì lưu lượng xe bị kẹt cầu Mỹ Thuận nên không tăng được), sớm nối thông, phát huy hiệu quả trục lộ mới từ TPHCM về Cần Thơ, vốn đã được đầu tư BOT.

Giải đáp lo lắng của ĐBQH về những lùm xùm thời gian qua liên quan đến các dự án BOT, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định: “Chúng ta sẽ đấu thầu hết toàn bộ chứ không chỉ định thầu như trước đây. Chúng tôi đang xin cơ chế giá dịch vụ cho toàn bộ vòng đời dự án bình quân là 2.500 đ/km/ xe con và sẽ thu phí kín. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình tăng dần để đạt mức bình quân này”.

Khép lại phần phát biểu của mình, vị Bộ trưởng tha thiết: “Nếu Quốc hội cho làm theo dự án Chính phủ trình thì dự án là rất khả thi và thành công”.

Tin cùng chuyên mục