Sư cô vì biển đảo

Câu chuyện mà chúng tôi kể ra trong bài viết này nói về một nữ tu thuộc tộc họ Phan, pháp danh là Thích Nữ Giới Tánh (thế danh Phan Thị Thức).
Sư cô Giới Tánh có thời gian tu học, hướng dẫn Phật pháp cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc gần 10 năm qua và hiện là Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc. Sư cô còn được cộng đồng người Việt, nhất là các cô dâu Việt, du học sinh, lao động sinh sống và học tập ở nhiều vùng của Hàn Quốc gọi bằng một cái tên rất đỗi thân thương, nhiều ý nghĩa “Sư cô vì biển đảo”…
Sư cô vì biển đảo ảnh 1 Sư cô Giới Tánh thả hoa đăng tại lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ được tổ chức tại Tổ đình Phụng Nguyên, thủ đô Seoul - Hàn Quốc
Hướng cộng đồng Việt về biển đảo Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, khi tuyết đã tan, tiết trời ấm lên, hoa cỏ bắt đầu nảy nở báo hiệu mùa xuân về là sư cô Giới Tánh lại bắt đầu cuộc hành trình về những vùng có đông người Việt sinh sống như thủ đô Seoul, các thành phố Busan, Daegu, Incheon, Gwangju, Daejeon, Ulsan, Muan… Trong các nghi thức cầu an, cầu siêu cho thân nhân, Phật tử, cộng đồng được tổ chức tại chùa Pháp Môn - ngôi chùa Việt đầu tiên ở Hàn Quốc, sư cô đều khéo léo giới thiệu tên các vùng biển đảo của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các nhóm đảo trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Hay trong các bài thuyết pháp nói về đạo lý làm con đất Việt, sư cô luôn nói đến cụm từ “lãnh thổ thiêng liêng” của Tổ quốc nơi đảo xa với các hòn đảo, điểm đảo mang dấu ấn lịch sử mà cha ông ta bao đời nay đã bỏ máu xương, công sức để quyết bảo vệ, giữ gìn cho đời sau.  “Xin Phật gia hộ các chiến sĩ hải quân ngoài biển đảo được an toàn, chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua thiên tai, bão tố; xin Phật gia hộ cho cả thế giới này biết yêu thương nhau, trân quý giá trị của hòa bình, hạnh phúc…”, đó thường là lời sư cô Giới Tánh cất lên trong những nghi lễ Phật giáo, cầu nguyện cho hòa bình trên biển Đông. Theo sư cô, cộng đồng người Việt ở các vùng của Hàn Quốc, mỗi người mỗi việc, tất tả cho cuộc mưu sinh nơi xứ người nên rất ít có dịp gặp nhau giao lưu, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Chỉ khi có những nghi lễ Phật giáo cầu an, cầu siêu mới thu hút được cộng đồng đến với nhau. Đây chính là dịp để sư cô chia sẻ, nhắc nhớ với những người con đất Việt ở xa quê hương tình yêu quê hương, dân tộc qua việc tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh cho Tổ quốc nơi đảo xa và những chiến sĩ hôm nay đang ngày đêm vượt qua gian khó, quyết giữ từng tấc đảo, ngọn sóng, vùng trời thân yêu.  “Tình yêu với biển đảo, với Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc cũng là thứ tình cảm thiêng liêng chạm đến được tất cả trái tim của mỗi người con đất Việt, giúp mọi người thấy gắn bó và trách nhiệm, cùng nhau làm một việc gì đó cho quê hương. Có nhiều cô dâu, Phật tử ở cách xa hàng trăm cây số, đi lại khó khăn, cũng tìm về chùa Pháp Môn (Muan), chùa Phụng Nguyên (Seoul) mỗi khi có các hoạt động cầu siêu, cầu an hướng về biển đảo quê hương…”, sư cô Giới Tánh bộc bạch.
Sư cô vì biển đảo ảnh 2 Đông đảo cộng đồng người Việt đến tham dự lễ cầu siêu với nhiều nghi thức tâm linh mang ý nghĩa văn hóa dân tộc
Đưa thông điệp đến bạn bè quốc tế Đã nhiều năm qua, hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc mang những nội dung, hình thức phong phú, như vận động đóng góp cho các quỹ “Vì biển đảo quê hương”, “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam”, “Cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc hướng về quê hương”… Hàng năm, các  quỹ và hội đoàn đều cử đại diện về Việt Nam tham gia các đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp nhân ra thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, mang theo những món quà nghĩa tình như máy lọc nước biển ra nước ngọt, sách báo, văn hóa phẩm, dụng cụ sinh hoạt phục vụ đời sống của các chiến sĩ ngoài đảo xa.  Ngoài ra, theo sư cô Giới Tánh, hàng năm các tổ chức hội đoàn như Hội Phật tử chùa Pháp Môn Việt Nam, Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội Sinh viên, Trung tâm Văn hóa Việt Nam, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc… còn tổ chức các hội thi tìm hiểu về biển đảo quê hương, triển lãm tư liệu, tranh ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa - những cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo này, để các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học Hàn Quốc và quốc tế hiểu biết thêm về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và góp tiếng nói để bạn bè trên thế giới cùng đấu tranh. Một hoạt động được sư cô Giới Tánh cùng cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc và các cá nhân, tổ chức trong nước sang phối hợp tổ chức thành công vào tháng 4-2017 tại Tổ đình Phụng Nguyên, thủ đô Seoul, đó là Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn và 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma - Trường Sa. Buổi lễ có chư tôn đức Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cùng nhiều doanh nghiệp, cá nhân từ trong nước sang tham dự, và các mạnh thường quân tài trợ cho cuộc đấu giá phiên bản bức tranh cát “Vòng tròn bất tử” gây quỹ cho những hoạt động “Vì Trường Sa thân yêu”. Bức tranh được họa sĩ Ý Lan thể hiện theo nguyên mẫu của bức tranh mà họa sĩ Lệ Trang vẽ và đưa ra đấu giá tại chùa Vĩnh Nghiêm trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2015. Điều đặc biệt nữa là, toàn bộ cát tạo nên bức tranh được phóng viên Báo SGGP mang về từ chuyến công tác Trường Sa, đã tạo ấn tượng về chất liệu, màu sắc và hồn quê giữa trùng khơi, hướng về hương linh của 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã nằm lại giữa biển cả trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988.  Lễ đấu giá tranh thu hút sự quan tâm, hỗ trợ, góp sức của nhiều nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước. Toàn bộ số tiền thu được là hơn 300 triệu đồng đã được gửi tặng gia đình các chiến sĩ Gạc Ma.  Còn nhiều việc làm ý nghĩa khác mà sư cô Giới Tánh bằng nỗ lực, tâm sức và tình cảm đã hướng đồng bào mình về với cội nguồn, đất nước, tất cả đều có chung một ý nghĩa, nhắc nhở cho các thế hệ hôm nay, dù xa quê hương nhưng vẫn phải nhớ về Tổ quốc, quê hương, cùng chung sức, đoàn kết gắn bó, tạo nên sức mạnh trong một cộng đồng những người con đất Việt nơi đất khách quê người.

Tin cùng chuyên mục