Taliban lấy tiền từ đâu?

Taliban lấy tiền từ đâu?

Sau 5 năm kể từ ngày chế độ Taliban bị lật đổ, Afghanistan đã có chính phủ, có quốc hội, có hiến pháp… nhưng đối với nhiều người mọi thứ vẫn còn dang dở. Súng đạn vẫn ngập tràn nơi nơi, và điều tệ nhất là Taliban đã trở lại miền Nam, hung tợn hơn và phản pháo dữ dội hơn. Rõ ràng, người ta không nghi ngờ về những biện pháp triệt tiêu các nguồn lực của Taliban, nhưng tại sao lực lượng này vẫn có đủ tài chính để hồi sinh?

Bắt đầu từ mặt trận ở miền Nam

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, sự siết chặt tài chính do Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã phá vỡ nghiêm trọng nguồn tài trợ cho Taliban. Các biện pháp phần lớn là kiểm soát chặt chẽ các tài khoản ngân hàng có liên quan đến tổ chức này. Tuy nhiên đến tận hôm nay, tình trạng bạo động đang diễn ra hàng ngày ở Afghanistan đã chứng minh một thực tế rằng “luồng tiền” vẫn cứ chảy đều đặn vào hòm của Taliban. Nguyên do xuất phát từ một sai lầm nghiêm trọng của người Mỹ. Trong khi chỉ lo áp dụng những “giải pháp công nghệ kỹ thuật cao” tại các ngân hàng, Washington và các đồng minh của họ đã bỏ qua một “chiến lược khôn ngoan không trường lớp” của Taliban. Đó là lợi dụng các thổ dân mang tiền qua lại giữa những vùng biên giới Afghanistan và Pakistan.

Taliban lấy tiền từ đâu? ảnh 1

Taliban tuyên bố chi 1 triệu USD để mở trường học, gây ảnh hưởng ở miền Nam.

Giờ đây, khó khăn đối với Chính phủ Afghanistan càng tăng bội phần khi xuất hiện ngày càng nhiều các băng nhóm mafia, buôn ma túy, tội phạm mới… và ở nhiều tỉnh, Taliban đã trở lại kiểm soát.

Ngày 22-1, phiến quân Taliban tuyên bố sẽ chi 1 triệu USD để mở trường học của mình trong vùng kiểm soát của họ ở miền Nam nhằm chống lại chính phủ thân phương Tây của Afghanistan. Các trường học sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 3 năm nay. Học sinh sẽ được dạy các môn học theo “quan điểm giáo dục Hồi giáo và thánh chiến”.

Khác với trước đây, lần này các trường học không cấm hẳn các bé gái đến trường mà cho biết sẽ ưu tiên cho các bé trai trước, rồi đến các bé gái. Kể từ khi bị lật đổ đến nay, Taliaban đã tấn công hàng trăm trường học, giết chết nhiều giáo viên trong cuộc chiến chống lại chính phủ và phương Tây. Tuyên bố mở trường của Taliban một lần nữa được xem là lời tuyên chiến công khai của lực lượng này với Chính phủ Afghanistan thân phương Tây. Mặc dù ngành giáo dục Afghanistan nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nhưng cho đến nay, vẫn còn khoảng 7 triệu trẻ em Afghanistan chưa được đến trường.

Nguồn tài chính của Taliban đến từ đâu?

Trong cuộc xâm nhập thực tế, Saleem Shahzad, tác giả của bài phóng sự “Vì sao tiền vẫn đầy hòm của Taliban” đăng trên Tạp chí Asia Times đã có cơ hội tham gia một cuộc quyên tiền của Taliban. Anh có mặt với 2 người mang bí danh Habibullah và Abdul Jalil trong một căn phòng nhỏ tại khu Banaras, ở thành phố Karachi của Pakistan, thành phố có cộng đồng người Pashtun đông nhất thế giới (1,5 triệu người). Khi tất cả mọi người trong phòng đã yên chỗ, Jalil bắt đầu nói: “Cuộc thánh chiến đã diễn ra dữ dội tại Afghanistan trong 5 năm qua và nó sẽ lên đến đỉnh điểm vào mùa xuân này. Chúng ta đang đối mặt với kẻ thù, là một siêu cường quốc trên thế giới, trong khi quyền lực của chúng ta hiện nay chỉ có lòng trung thành. Chúng tôi (Taliban) mời các ông đến đây để thấy làm thế nào những chiến binh trong cuộc thánh chiến này đã giữ lòng kiên định của họ. Để vượt qua những đêm đông giá lạnh hiện nay, chúng tôi cần sự giúp đỡ của quý vị. Chúng tôi thề rằng tất cả những đóng góp của quý vị sẽ phục vụ cho phong trào giải phóng Afghanistan và tôi cam đoan sẽ chuyển những đồng tiền quý giá của các vị đến cuộc kháng chiến và các chiến sĩ của chúng ta”.

Chỉ trong vòng 1 giờ, Jalil đã gom góp được khoảng 700.000 rupee (hơn 11.600 USD). Theo tính toán của Jalil, người Afghanistan ở Pakistan là những người đóng góp nhiều nhất. Với số tiền này, lực lượng Taliban ở quận Panjwai thuộc tỉnh Kandahar – nơi có căn cứ chính của Taliban – sẽ có đủ “lực” để chiến đấu trong 6 tháng trời.

Đây chỉ là một buổi quyên tiền hình thức để thể hiện lòng biết ơn đối với “nhà tài trợ”. Trước đó, bà con, bạn bè và thân hữu của Jalil đã đến tận hang cùng ngõ hẻm của Karachi và Lahore để quyên góp tiền. Theo Jalil, những thổ dân ở bộ lạc Noorzai tại Kandahar sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo việc chi tiêu để mua lương thực, thẻ gọi điện thoại vệ tinh, nhiên liệu… và khoản kinh phí để chữa trị cho những tay súng Taliban bị thương.

Nói đến hệ thống bộ tộc ở Afghanistan, bộ lạc Noorzai là bộ lạc ủng hộ Taliban 100%. Thổ dân trong bộ lạc này chi phối các giao dịch mua bán ở những khu vực người Pashtun sinh sống tại khu chợ Spin Boldek ở miền Nam Afghanistan và trung tâm thương mại Chaman ở Tây-Nam Pakistan. Nếu như Ủy ban Thương mại Chaman chỉ có 100 thành viên, thì trung tâm thương mại này có tới hơn 3.500 nhà xuất nhập khẩu chuyên kinh doanh mặt hàng xe cộ và quần áo. Hầu hết họ đều có văn phòng ở Dubai và Jabal-i-Ali, thuộc Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Sau Dubai, họ cũng dựng những văn phòng ở châu Âu, cũng nhập khẩu xe cộ. Tại thành phố Nagoya và Osaka của Nhật, những doanh nghiệp Chaman cũng làm ăn rất phát đạt. Họ có thể bao hết các tầng của một khách sạn 5 sao hàng tháng trời mỗi khi họ đến Nhật. Hầu hết các doanh nghiệp này hoặc là thổ dân từ bộ lạc Noorzai hoặc từ bộ lạc Achakzai cũng rất ủng hộ Taliban.

Nói gì thì nói, Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, vẫn là trung tâm tài chính của Taliban, với luồng tiền chảy theo cách truyền thống. Các tướng lĩnh của Taliban, chưa có tên trong danh sách truy nã của Mỹ và liên minh, thường xuyên ra vào Tiểu vương quốc Arập Thống nhất để “thỉnh cầu” tài chính. Và việc mang tiền trở lại Pakistan hay vào Afghanistan không có gì là khó, bởi Taliban không chuyển tiền qua ngân hàng và lại rất dễ dàng ra vào biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Cựu phái viên Mỹ ở Afghanistan Zalmay Khaliizad đã phải thốt lên rằng: “Ước gì người Mỹ đã chú ý hơn tới các “nơi trú ẩn” của Taliban ở khu vực dọc biên giới giáp Pakistan”. Rõ ràng, nơi cùng đường là nơi Taliban hồi sinh.

(Theo Asia Times, Reuters)  

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục