Tàng trữ sản vật hoang dã có phạm pháp?

Ông Võ Tấn Hùng (ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vừa bị Công an quận Cái Răng bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, do trong nhà có 2 bộ da hổ nhồi bông. Thông tin này làm nhiều người giật mình lo lắng, không biết việc tàng trữ sản vật hoang dã như thế nào là phạm pháp.
Hai bộ da thú nhồi động vật được xác định là của loài hổ quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Ảnh C.A
Hai bộ da thú nhồi động vật được xác định là của loài hổ quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Ảnh C.A

Sau khi đọc thông tin đó, ông M.R. (một doanh nhân ở quận 10, TPHCM) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chia sẻ: “Tôi thấy lo, vì rất dễ vô tình phạm pháp. Tôi thích uống rượu ngâm, chứ không thích rượu Tây. Bạn bè biết ý nên hay mua tặng rượu ngâm sâm Hàn Quốc, chuối hột, tỏi, rễ cây đinh lăng, hải mã, tắc kè…, và có cả mấy hũ rượu ngâm tay gấu, rắn hổ chúa... Làm sao biết được thứ nào là động vật nguy cấp, quý hiếm. Công an kiểm tra, phát hiện là tù như chơi! Trong phòng khách nhà người bạn tôi ở thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) có treo trang trí  cái đầu bò tót với cặp sừng, nên đã gọi ngay cho bạn nhắc bỏ đi, vì nếu bị kiểm tra phát hiện có khi bị tù”.

Thực tế tại phòng khách của nhiều nhà dân đôi khi trưng bày trang trí bằng những sản vật hoang dã như đầu bò tót, sừng trâu rừng, da hổ, ngà voi, hổ nhồi bông, gấu nhồi bông, mèo gấm nhồi bông… Những sản vật này có khi do ông bà để lại, chủ nhà mua hoặc được tặng, trưng bày cho đẹp hay để thể hiện đẳng cấp mà không biết rằng như vậy sẽ là phạm pháp. 

Thực ra ông Võ Tấn Hùng bị tạm giam không chỉ vì tàng trữ 2 bộ da hổ nhồi bông, mà do sau khi 2 bộ da hổ này được đưa đi giám định, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã kết luận: 2 bộ da này là của loài hổ có tên khoa học là Panthera Tigris, thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Theo Điều 234 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật gia Trịnh Phi Long cho biết: “Việc cho nhận sản phẩm động vật nguy cấp, quý hiếm đều sai. Người cho và người nhận các sản phẩm này đã vi phạm pháp luật. Do vậy, người có sản phẩm này cần phải khai báo. Bởi lẽ, nếu không khai báo, khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử lý theo quy định. Một số quốc gia trên thế giới cho phép săn bắn, sử dụng bộ phận cơ thể động vật và thực vật quý hiếm. Riêng tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2017 đã quy định rõ chế tài ở Điều 234 (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã), Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản) và Điều 244 (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm)".

Tin cùng chuyên mục