Một động lực của văn học nghệ thuật

Trong lịch sử tiến hóa nhân loại, khi con người ý thức được cuộc sống của mình cũng là lúc ý thức được sự cần thiết của văn học - nghệ thuật (VH-NT). Ngay từ buổi sơ khai, con người đã nhận thấy vai trò quan trọng của VH-NT trong đời sống. Những bức họa đầu tiên, những điệu múa đầu tiên và sau đó là lời ca, tiếng hát…, VH-NT đồng hành với con người như một người bạn thân thiết, một người thầy, một nguồn lực để tồn tại và phát triển. Kẻ thù của con người không chỉ là bệnh tật, đói khát về thể xác. Sự tăm tối ngu muội, sự cô đơn băng giá, nỗi ám ảnh về sự bạc nhược, yếu hèn cũng là những kẻ thù của đời sống con người. Chính vì vậy, cùng với nhu cầu về đời sống vật chất, nhu cầu về đời sống tinh thần, về VH-NT cũng tăng lên.

Con người làm ra VH-NT là để phục vụ cho đời sống con người ngày một tốt đẹp hơn, ngày một hoàn thiện hơn. VH-NT thể hiện tư tưởng, tình cảm, những nhận thức về cuộc sống cá nhân, đời sống xã hội và cao hơn hết là bày tỏ niềm khát vọng về sự hài hòa và hoàn thiện trong cuộc sống.

Tất cả những điều ấy chính là nguồn dinh dưỡng, một động lực quan trọng, một hướng đi đúng đắn để con người phát triển, ngày càng tiến bộ, ngày càng văn minh. Nói một cách khác, tính phục vụ của VH-NT chính là một giá trị cao nhất của VH-NT. Không phục vụ cho sự tiến bộ, cho đời sống tốt đẹp hơn, VH-NT không có lý do tồn tại.

Thực tế đời sống VH-NT của nước ta và trên phạm vi toàn cầu đang rất cần có được sự giải mã sâu sắc về giá trị phục vụ. Trên phạm vi cả nước, chúng ta đã có Hội đồng lý luận VH-NT trung ương. Mới đây, thành phố ta cũng ra mắt Hội đồng lý luận, phê bình VH-NT TP. Có thể nói, sự ra đời và hoạt động của Hội đồng lý luận, phê bình VH-NT là cần thiết, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu không chỉ cho VH-NT mà cho các tầng lớp dân chúng. Chưa bao giờ, vai trò và tầm quan trọng của lý luận phê bình cần phải được nêu cao như lúc này.

Các hoạt động VH-NT ở nước ta hiện nay rất cần có lý luận, phê bình soi rọi, giải mã. Về công việc của lý luận, phê bình chắc hẳn ai cũng biết! Có lẽ chỉ cần nói thêm, trong thế giới kỹ thuật số, nối mạng toàn cầu và xu hướng hội nhập như hiện nay, phê bình VH-NT cần có tư duy mới. Lý  luận, phê bình không thể chung chung mơ hồ, duy ý chí hoặc duy tâm chủ quan, mà phải có hàm lượng tri thức cao, rõ ràng, cụ thể. Lý luận, phê bình VH-NT là một bộ phận không thể thiếu được trong hoạt động VH-NT. Do vậy, lý luận, phê bình phải có sức thuyết phục cao. Với trình độ dân trí ngày một nâng cao như hiện nay, lý luận và phê bình VH-NT rất cần có những tài năng, sáng tạo mới. Nó không chỉ giải mã phân định đúng, sai, hay, dở mà còn phải phát hiện ra những giá trị mới, những quy luật và khuynh hướng mới. Và, suy cho đến cùng, lý luận, phê bình VH-NT cũng phải hướng theo giá trị phục vụ đời sống con người tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Cũng như trong sáng tác, nó cần phải có cái tâm trong sáng vì hạnh phúc con người và một tài năng tương xứng.

Đảng ta đã nêu ra một luận điểm có giá trị như một chân lý “văn hóa vừa là mục đích, vừa là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội”. Theo đó, có thể khẳng định, lý luận, phê bình VH-NT là một động lực quan trọng để thúc đẩy, phát triển VH-NT xứng tầm với dân tộc 4.000 năm văn hiến, xứng tầm với vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

TÂN VĂN

Tin cùng chuyên mục