Môn sử và cái nhìn về lợi ích

Dư luận đang được xới lên, vì hàng ngàn điểm không của môn lịch sử, trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Sự bức xúc dường như lại nóng hơn, khi người đứng đầu ngành giáo dục giải thích: “Điều đó là bình thường. Khi mà khoa học lịch sử có tiếng nói ít trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà cơ hội kiếm việc làm của những người giỏi sử ít đi thì môn sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác”.

Giải thích của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có cái lý từ thực tế cuộc sống. Cuộc sống xoay quanh các lợi ích. Có những lợi ích dài, và cũng có nhiều lợi ích ngắn. Giáo dục có liên quan đến mọi gia đình. Thái độ với một môn học, một ngành học cũng cho thấy phần nào sự lựa chọn lợi ích của cả xã hội. Có vẻ như với cách làm giáo dục ở bậc học phổ thông hiện thời, lịch sử chỉ đơn giản là một môn học. Có học thì có thi. Và khi không thấy lợi ích rõ ràng gì của nó, học sinh sẽ thờ ơ. Không quan tâm thì điểm thi sẽ thấp. Hẳn rằng đó là logic, nhưng là kiểu logic đại diện cho những cái nhìn ngắn hạn.

Có phải chăng nhiều người làm giáo dục, giáo viên - kể cả giáo viên dạy sử, và cả phụ huynh nữa, không làm bật ra được lợi ích dài của tri thức phổ quát đối với sự trưởng thành của người đi học. Học để thi, học để có thành tích, chứ mục đích chính không phải là xây nền tri thức? Người yêu sử, học giỏi lịch sử chắc chắn sẽ có cái nhìn hệ thống vững. Hiểu rõ quá khứ, rút ra được bài học, sẽ xử lý tốt hơn các vấn đề của hiện tại và tương lai. Dù chỉ là kiến thức phổ thông, nhưng sự tích tụ nền tảng ấy là rất quan trọng. Cách tích lũy tri thức trong mọi môn học, mọi khoa học đều có tính “lịch sử”, từ xưa đến nay, từ gần đến xa, từ đơn giản đến phức tạp. Đó là phát triển tư duy, chứ không chỉ là môn học.

Đúng là nếu chỉ nhìn sử như “trận này tiêu diệt bao nhiêu tên giặc, trận kia thu được bao nhiêu súng” (trích lời bộ trưởng Phạm Vũ Luận) thì môn sử nhàm chán thật. Đấy sẽ là dữ liệu khô cứng, không gắn với sự sống động của cuộc sống. Và đúng là nếu chỉ học như thế, cũng không thấy được lợi ích nhìn gần biết xa, nhìn xưa hiểu nay. Học kiểu ấy cũng không giúp học sinh thực hành để biến các tri thức phổ quát thành sự vận dụng, giúp giải được các vấn đề hiện tại.

Từ khá lâu rồi, quan niệm “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm” đã được truyền tai nhiều thế hệ học sinh. Theo thời gian, sự nôn nóng chạy theo các lợi ích cụ thể, ngắn hạn càng đậm hơn. Những tài chính, truyền thông, tin học... được chuộng, chủ yếu vì dễ kiếm việc, thu nhập tốt. Khoa học xã hội, khoa học cơ bản dễ bị ghẻ lạnh. Nhìn ngoài bức tường của trường học, nhiều phần của cuộc sống xã hội đang phải hớt hải chạy theo các lợi ích ngắn hạn. Xu hướng ấy hẳn nhiên làm tri thức nền tảng mất giá.

Việc chỉ chăm chăm đào tài nguyên lên bán kiếm tiền ngay, việc chạy quyền chạy chức phổ biến, việc thờ ơ với phát triển giao thông công cộng, việc kiểm lâm góp tay tích cực phá rừng..., đó cũng là những thúc đẩy ngầm để tạo nên những “điểm không” về tri thức nền. Năm nay, điểm thi môn sử thấp, nhiều lời than phiền chê trách, nên năm tới chắc rằng điểm sử sẽ khá hơn?! Để môn học lịch sử hấp dẫn học sinh, không chỉ riêng ngành giáo dục mà còn có hệ thống truyền thông, tuyên truyền và cả xã hội phải vào cuộc. Rồi điểm các môn địa lý, văn... hay rộng ra là các tri thức nền tảng, cũng cần được chú trọng trong giáo dục - đào tạo.

Khi xuất hiện một mảnh vỡ, chuông báo động mới vang lên theo kiểu thời sự. Nhưng tại sao với các vết rạn chi chít thì không mấy ai quan tâm đến những lời cảnh báo? Cách sống nào, lợi ích ấy. Nhìn nhận như vậy thì mối lo không chỉ là những điểm không của môn sử trong một kỳ tuyển sinh.

Vũ Thượng

Tin cùng chuyên mục