Định hướng đời sống âm nhạc

Một nền âm nhạc dù có truyền thống độc đáo vẫn khó phát triển rực rỡ nếu đặt dưới sự quản lý yếu kém. Hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, hỗ trợ, kiểm soát - nếu hiểu như vậy về nhiệm vụ quản lý thì vai trò cây đũa chỉ huy của người quản lý rõ ràng mang tính quyết định không nhỏ đối với sự phát triển âm nhạc nước nhà.

Với khẩu hiệu tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, với tuổi trẻ và nhiệt huyết của các nhạc sĩ thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, nền nhạc mới chính thống đã khởi nguồn bằng những bước đi khỏe khoắn và được nối tiếp bằng những âm thanh “tiếng hát át tiếng bom”. Chắt lọc từ rung cảm chân thực, nhiều sáng tác trải qua thử thách thời gian đến nay vẫn được coi là bài hát yêu thích của công chúng, kể cả công chúng trẻ. Thời của những âm thanh hào hùng không có chỗ cho loại nhạc tiêu cực, thiếu tính chiến đấu.

Khi ấy thơ tình không bị hạn chế, nhưng nhạc tình bị ngăn chặn triệt để. Nhạc cổ cũng trở thành nạn nhân, không ít thể loại cổ truyền bị đánh giá ủy mị sướt mướt (như nhạc tài tử cải lương), ăn chơi sa đọa (như ca trù), phong kiến cổ hủ (như nhã nhạc), mê tín dị đoan (như hát xoan, then)… Sau nhiều năm bị cấm đoán, quên lãng, nhiều tinh hoa của ông bà tổ tiên đã rơi vào nguy cơ thất truyền, khiến các nhà nghiên cứu âm nhạc sau này rất trầy trật khôi phục những mảnh vỡ từ ký ức nghệ nhân để được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại.

Còn nhạc mới thì sao? Cách nhìn nhận ấu trĩ về chức năng giải trí của âm nhạc đã dẫn đến cơn khát tình ca thời hậu chiến, từ đó gây ra những cơn sốt nhạc nhẹ, nhạc tiền chiến, nhạc hải ngoại… Nhạc sĩ thức thời viết tình ca, kể cả tác giả có uy tín cũng bị phê phán là viết “nhạc vàng” và lập tức bị nhắc nhở trên báo chí, thậm chí cấm phát tác phẩm trên các phương tiện truyền thông.

Rồi từ khủng hoảng thiếu bung ra thành khủng hoảng thừa, hết cấm đoán kiểm duyệt lại thả nổi buông xuôi, mặc cho nhạc thị trường, nhạc “mì ăn liền”, nhạc não tình lấn lướt các loại nhạc chính thống. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, chưa bao giờ đời sống ca nhạc ở ta rộng mở, đa màu đa sắc đa chiều và cũng bộn bề, dễ lệch chuẩn, loạn chuẩn như trong thời chuyển giao giữa 2 thiên niên kỷ này. Cũng chưa bao giờ tình hình âm nhạc bị coi là thiếu chuyên nghiệp và mất cân đối như lúc này.

Thiếu chuyên nghiệp, mất cân đối - lỗi này thường đổ hết cho thị hiếu công chúng, cho mối quan hệ “cung - cầu” của kinh tế thị trường, chứ không có chuyện công khai thừa nhận con thuyền chao đảo trước hết do người cầm lái điều khiển và định hướng. Đời sống xã hội càng đa dạng phức tạp càng đòi hỏi nhiều hơn khả năng chèo lái con thuyền âm nhạc. Để đưa ra định hướng phù hợp và kịp thời, người quản lý phải có tầm nhìn và bản lĩnh. Để tổ chức thực hiện hoạch định một cách tối ưu, người quản lý không thể không có nghề. Đến nay chúng ta vẫn chưa đào tạo nghề quản lý chuyên nghiệp cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Công việc quản lý thường đặt lên vai người làm chuyên môn nghệ thuật, tức là được đào tạo về chuyên ngành âm nhạc chứ không phải nghề quản lý. Không có bằng cấp quản lý, chỉ dự lớp bồi dưỡng vài ba tháng là nhà chuyên môn biến thành người quản lý. Hiện nay tiêu chuẩn người giữ chức vụ lãnh đạo còn phải có đủ chức danh (giáo sư, tiến sĩ) hoặc danh hiệu (NSND, NSƯT). Quy định này đã thúc đẩy người làm chuyên môn yếu lao vào cuộc chạy đua chức danh, hoặc biến người làm chuyên môn tốt thành nhà quản lý tồi…

Ở thời đại công nghệ tin học, nhà quản lý không thể quản theo cách bó chặt, quản không nổi thì cấm. Cấm đoán chỉ chứng tỏ sự bất lực. Kể cả với loại nhạc thảm họa, nhạc rác rưởi, không thể loại trừ kiểu cấm tiệt, mà trước hết nhà quản lý phải làm mọi cách để cung cấp nhạc hay, nhạc sạch. Muốn tạo nên môi trường âm nhạc lành mạnh, nhà quản lý cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng cho các hoạt động âm nhạc.  

NGUYỄN THỊ MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục