Di dân khỏi vùng nguy hiểm

Mới trải qua những cơn mưa đầu tháng 8-2012 mà cả khu vực miền núi phía Bắc lẫn Tây Nam bộ đều xảy ra những tai nạn nghiêm trọng, làm 15 người dân thiệt mạng do lốc xoáy, lũ cuốn, sạt lở núi. Còn trước đó chỉ một tuần, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 sau khi đổ vào Trung Quốc đã gây mưa to khắp địa bàn miền núi phía Bắc, khiến ít nhất 12 người dân ở nhiều địa phương như Sơn La, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... thiệt mạng.

Ở miền Bắc và miền Trung, từ đầu năm đến nay mới chỉ có mưa do ảnh hưởng hoàn lưu bão hoặc các đợt rãnh áp thấp cục bộ gây ra. Thế nhưng, mưa gió thông thường cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, ngang với những cơn bão lớn, lũ ống. Trong đó, có trường hợp vì chủ quan bị lũ cuốn khi qua suối, còn phần lớn do bị sạt lở núi, đất đá tràn vào nhà dân, gây tai nạn thương tâm. Còn ở Tây Nam bộ, thiệt hại vừa qua là do gió mùa Tây Nam nổi lên bất thường vì bị hút mạnh bởi các cơn bão ở ngoài khơi.

Bên cạnh những người thiệt mạng còn có hàng trăm người khác bị thương, chưa kể thiệt hại nặng nề về nhà cửa và tài sản. Trước đó, gió mùa Tây Nam còn làm đắm tàu chở hàng, nhấn chìm thuyền của ngư dân đánh cá... Những hiện tượng đó nói lên một điều, thời tiết, thiên tai đang ngày càng khốc liệt, diễn biến không theo quy luật thông thường. Trong khi tháng 7, tháng 8 vẫn chưa phải là trọng tâm của mùa mưa bão, lũ lụt năm nay.

Trong bối cảnh đó rất cần vai trò của các cơ quan khí tượng, các nhà khoa học dự báo về các thảm họa. Từ nhiều năm nay, Nhà nước cũng đã có chủ trương di dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, không chỉ ở những vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở núi mà cả những khu dân cư ven sông, hồ đập hiện đang sạt lở nghiêm trọng, nằm quanh khu vực khai thác hầm lò, dưới chân bãi thải hoặc có nguy cơ ngập lụt do mưa lũ, thủy điện xả lũ. Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 193/2006/QĐ-TTg về việc bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015.

Theo Bộ NN-PTNT, sau khi có chủ trương trên, trong giai đoạn 2006-2010, các địa phương đã di dời, sắp xếp chỗ ở ổn định, an toàn cho hơn 146.000 hộ dân. Thế nhưng hiện nay cả nước vẫn còn hàng trăm điểm bị sạt lở, trong đó ngay cả khu vực ĐBSCL cũng đang bị sạt lở nặng, 60 lưu vực sông là nơi 10 vạn hộ dân cư ngụ có thể xảy ra lũ quét. Vì vậy, trong thời gian tới cả nước vẫn còn hơn 60 vạn hộ dân có nhu cầu được di dời khỏi vùng nguy hiểm, tương đương 305 vạn người.

Tại nhiều cuộc họp chỉ đạo giải pháp chủ động ứng phó bão lũ, phòng chống thiên tai thảm họa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đều yêu cầu cần phải đẩy nhanh công tác di dân, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Trong đó, các địa phương phải tập trung chỉ đạo chương trình di dân ở vùng nguy hiểm về nơi an toàn. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, để đảm bảo di dời toàn bộ các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm cần phải có khoản đầu tư lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Vì vậy, giai đoạn từ nay tới năm 2015 chỉ đặt mục tiêu di dời, ổn định chỗ ở cho khoảng 12,5 vạn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương có thể “gánh” 60%, còn lại địa phương phải chung sức.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đề nghị: Không chỉ di dân tới nơi an toàn mà còn phải gắn với việc đảm bảo điều kiện sản xuất, chỗ ở mới phù hợp, thuận lợi hơn nơi ở cũ. Phải quy hoạch lại các khu dân cư gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, không để người dân sống ở những nơi dễ xảy ra thiên tai, sạt lở, ngập lụt và lũ quét.

P.VĂN

Tin cùng chuyên mục