Bóng đá trông chờ nhà nước?

Để duy trì sự có mặt của CLB Hải Phòng tại giải V-League 2014, UBND TP Hải Phòng đã phải có công văn gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bảo đảm sẽ giám sát việc chuyển giao giữa 2 công ty đã và sẽ quản lý đội bóng này. Điều đó cho thấy, các CLB bóng đá chuyên nghiệp hoàn toàn chưa thể tự đứng trên đôi chân của mình, nhất là năng lực tài chính cũng như khả năng tự chịu trách nhiệm về sự tồn tại của đội bóng.

Một trường hợp khác, trước mùa bóng 2014, HĐND tỉnh Bình Định không thông qua khoản chi phí hỗ trợ cho đội bóng từ nguồn ngân sách, kết quả là đội Bình Định phải tạm ngưng thi đấu và có thể sẽ “biến mất” trên bản đồ bóng đá Việt Nam do không thể vận động nguồn lực bên ngoài.

Còn nhiều ví dụ khác cho thấy, những mô hình hoạt động độc lập như các CLB HA.GL, HN T&T hay B.Bình Dương… vẫn còn khá ít ỏi. Đa số các CLB vẫn phải “dựa dẫm” vào cơ quan quản lý nhà nước để có kinh phí hoạt động, dù việc hỗ trợ của địa phương dưới nhiều hình thức khác nhau chứ không hoàn toàn toàn từ ngân sách.

Mặt khác, hiện Chính phủ đang cân nhắc việc đơn vị nào sẽ đứng ra làm đầu tàu triển khai chiến lược phát triển bóng đá từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sau khi VFF đang bộc lộ quá nhiều yếu kém trong điều hành, quản lý. Một chiến lược mang tính chất quan trọng và dài hạn như vậy thật khó có thể giao cho một đơn vị đang sa sút uy tín nghiêm trọng, thậm chí còn không thể tổ chức đại hội nhiệm kỳ đúng hạn chỉ vì thiếu nhân sự lãnh đạo. Đây cũng là lý do mà đề án thử nghiệm cá cược thể thao không được đề cập đến bóng đá nội địa vì mối lo ngại từ năng lực quản lý của VFF.

Theo quy định của FIFA, nhà nước không được phép can thiệp vào hoạt động của liên đoàn. Tuy nhiên, các quy định này cũng còn tùy thuộc vào đặc thù quốc gia cũng như cơ cấu hiện tại của nền bóng đá. Thực tế bóng đá Việt Nam cho thấy, VFF chỉ mới thể hiện phần nào khả năng điều hành mà chưa thấy năng lực quản lý ở tầm vĩ mô. Các kế hoạch vẫn manh mún, ngắn hạn. Công tác giám sát hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp vẫn nửa vời, thiếu tính thực tế dẫn đến sự “ra đời - biến mất” chóng vánh của các CLB, gây lãng phí lớn về tiền của cũng như lòng tin xã hội. Việc thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ hoạt động cho các thành viên hầu như giẫm chân tại chỗ so với 10 năm trước. Thành tích các đội tuyển đi xuống, chất lượng các giải đấu nội địa sa sút, lòng tin của người hâm mộ suy giảm đáng kể. Đấy là chưa kể VFF không còn khả năng thu hút người tài hoặc các nguồn lực xã hội tham gia vào bộ máy của mình.

Có thể nói, trong hoàn cảnh hiện nay, không thể không đòi hỏi vai trò của nhà nước mà đặc biệt là trách nhiệm của Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT-DL đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện ở sự can thiệp trực tiếp vào hoạt động của VFF mà phải mang tính chất rộng hơn, có tính kết nối giữa doanh nghiệp làm bóng đá và các địa phương, kéo gần lại khoảng cách giữa phong trào đang phát triển rầm rộ và sự èo uột của bóng đá đỉnh cao. Nói nôm na là làm “bà đỡ” cho bóng đá nội.

Một khi VFF không thể tự mình đảm đương trách nhiệm, khi các CLB chuyên nghiệp không đủ lực để đầu tư dài hạn thì đã đến lúc vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện cụ thể và hiệu quả hơn, đấy cũng là đòi hỏi của xã hội!

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục