Phía sau “ngôi vị” hàng đầu thế giới

Việt Nam tự hào là “người lính xung phong” trên mặt trận an ninh lương thực thế giới. Từ một nước thiếu đói trong thập niên 80, sau 2 năm trở lại thị trường xuất khẩu, nước ta đã nhanh chóng chiếm vị trí cường quốc thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo và luôn nằm trong “tốp 3” suốt 1/4 thế kỷ qua.

Việt Nam tự hào là “người lính xung phong” trên mặt trận an ninh lương thực thế giới. Từ một nước thiếu đói trong thập niên 80, sau 2 năm trở lại thị trường xuất khẩu, nước ta đã nhanh chóng chiếm vị trí cường quốc thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo và luôn nằm trong “tốp 3” suốt 1/4 thế kỷ qua.

Sau lúa gạo và hơn cả lúa gạo, chỉ khoảng 5.000ha vùng nuôi (nay chỉ còn hơn 3.000ha), trong một thời gian ngắn, con cá tra Việt Nam đã “bơi” ra gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 98% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu, trở thành sản phẩm đặc hữu có một không hai, làm lu mờ các sản phẩm cá nheo của Mỹ và các cường quốc cá da trơn trên thế giới.

Cùng với cây lúa, con cá, từ năm 2012, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) đã xác nhận Việt Nam vượt Brazil, trở thành nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới. Tương tự, hạt tiêu chiếm vị trí số 1 khi xuất khẩu cao hơn gần gấp 5 lần Ấn Độ trong năm 2011. Hạt điều Việt Nam cũng xuất khẩu đứng đầu thế giới. Đến năm 2013, diện tích cao su cả nước đạt khoảng 1 triệu ha, vượt xa con số 800.000ha theo chiến lược phát triển cao su Việt Nam đến năm 2020. Sản lượng cao su khai thác của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, mỗi năm xuất trên 1 triệu tấn.

Không chỉ nông nghiệp, nhìn sang “xương sống công nghiệp”, cho đến nay, chúng ta vẫn đang hướng đến mục tiêu “cường quốc đóng tàu”. Trong khi các quốc gia đóng tàu hàng đầu thế giới đã chuyển từ “công nghiệp đóng” sang bán dây chuyền công nghệ và thiết kế để tránh các hệ lụy ô nhiễm môi trường và kiếm lãi “trí tuệ” nhiều hơn. Tất nhiên, bước chuyển đó không thể ngày một ngày hai, cần sự thay đổi về chất của một ngành kinh tế.

Mới đây, Bộ Công thương cũng vừa đề xuất đưa Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định) vào quy hoạch ngành dầu khí Việt Nam. Dự án khổng lồ này với tổng vốn FDI dự kiến 22 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn dầu/năm, nâng lên 30 triệu tấn từ năm 2021, gấp 4,6 lần công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện tại. Gộp chung gần 10 dự án lọc dầu hiện nay và theo quy hoạch, với tổng công suất khoảng 60 triệu tấn dầu/năm, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc lọc dầu trên thế giới!

Dẫu biết rằng, quy hoạch là dự định cho tương lai, chưa phải là hiện thực. Danh xưng kiêu hãnh của “cường quốc lọc dầu” còn ở phía trước, nhưng việc hoạch định mục tiêu, đang đặt ra nhiều điều đáng suy ngẫm.

Tập đoàn dầu khí quốc gia không phải không có lý khi lo ngại ngành lọc dầu sẽ vượt cung khoảng 11 triệu tấn dầu/năm, nếu không đảm bảo cân đối cung - cầu. Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC), Việt Nam xếp 28 thế giới, thứ 2 khu vực ASEAN về trữ lượng dầu thô với khoảng 4,4 tỷ thùng. Nguồn dầu thô dự kiến sẽ khai thác được khoảng 40 năm nữa. Rõ ràng, bên cạnh động thái quy hoạch, rất cần kết quả cân bằng tổng thể nguồn dầu thô nguyên liệu, nhu cầu sử dụng nguyên liệu của các nhà máy và sức tiêu thụ xăng dầu nội địa, khả năng xuất khẩu, kể cả những tác động môi trường của ngành công nghiệp này khi được mang danh “cường quốc lọc dầu”.

Nhưng làm bài toán so sánh hai biểu thức, giữa “cường quốc” xuất khẩu các loại nông sản, đóng tàu hay lọc dầu với giá trị thực mà chúng mang lại cho quốc gia so với các quốc gia khác, sẽ không khó để cho ra kết quả đáng suy ngẫm. Lấy kinh tế tri thức, quy luật giá trị ra để cân đong những chiếc tàu to, nhà máy lọc dầu công suất lớn, hay vị trí số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu nông sản, rồi đo đếm hàm lượng chất xám chúng ta tạo ra, lợi nhuận quốc gia chúng ta mang về. Đáng lo ngại là phần nhiều trong số đó là kết tinh của sự gia công, của những ngành kinh tế đang thiên về số lượng? Danh xưng cường quốc thế giới hiện tại hay trong tương lai đều đặt ra nhiều nỗi lo hơn là niềm tự hào.

Một tấn gạo xuất bình quân khoảng 400 - 450 USD, mỗi năm mang về hơn 3 tỷ USD. Con cá tra đứng nhất thế giới, mỗi năm thu được khoảng 1,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu gạo vẫn bấp bênh, người trồng lúa còn nặng nỗi lo; con cá tra nhiều năm qua vẫn “chưa thôi mắc cạn”. Trong khi đó, “một con” iPhone 5, iPhone 6, iPhone 6 Plus mang thương hiệu “Quả táo cắn dở” của Mỹ mỗi lần tung ra thị trường, chỉ trong một vài tuần, Apple đã đạt doanh số hơn 5 tỷ USD. Một chiếc điện thoại nặng vài trăm gam, giá trị hơn hàng tấn gạo xô một nắng hai sương của người nông dân. Một đất nước Singapore nhỏ bé, ít tài nguyên, nước uống còn phải mua từ quốc gia láng giềng, mà hàng năm thu về hàng tỷ USD từ các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục hay trung chuyển hàng không, hàng hải quốc tế. Thành quả đó chắc chắn phải từ tư duy, tầm nhìn và trí tuệ. Tất nhiên, so sánh trên là khập khiểng, một bên là kinh tế tri thức, kết tinh của trí tuệ, dịch vụ chất lượng cao; một bên là lao động cơ bắp, nền kinh tế thiên về khai thác lợi thế tự nhiên như trồng lúa, trồng cây, nuôi cá hay công nghiệp gia công. Chuyển từ “kinh tế cơ bắp” sang “kinh tế tri thức” không phải là bước chuyển bằng phong trào, hô hào, nhà nhà làm kinh tế, mà là cuộc chuyển đổi “căn bản, toàn diện, sâu sắc”. Nhưng không phải không đáng suy ngẫm. Tầm nhìn, bản lĩnh và trí tuệ Việt đang ở đâu?

Ngoảnh lại phía sau hay nhìn về phía trước, trước một thế giới nhiều thay đổi để tự thay đổi mình. Thu nhập của những người làm ra kỳ tích cho nền nông nghiệp Việt Nam đang bấp bênh theo giá cả thị trường hay những mục tiêu hàng đầu thế giới đầy thách thức. Quả là, còn quá nhiều việc phải làm cho những ngôi vị đầu bảng thế giới hiện tại hay tương lai mà chúng ta đang theo đuổi.

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục